Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng gần 19% trong 7 tháng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng năm 2024 đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản đạt 9,42 tỷ USD, tăng 60%.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng gần 19% trong 7 tháng |
Riêng tháng 7, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,11 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nông sản chính 2,62 tỷ USD (tăng 25,2%), lâm sản 1,4 tỷ USD (tăng 15,8%), thủy sản 880 triệu USD (tăng 13,2%), chăn nuôi 47,4 triệu USD (tăng 9,3%).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đóng góp vào kết quả 7 tháng nhờ hầu hết các nhóm hàng đều tăng.
Cụ thể, nông sản đạt 18,21 tỷ USD, tăng 23,4%; lâm sản 9,41 tỷ USD, tăng 21,1%; thủy sản 5,29 tỷ USD, tăng 7,3%; chăn nuôi 288 triệu USD, tăng 4,8%.
Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao như gỗ và sản phẩm gỗ với 8,78 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái; càphê 3,54 tỷ USD, tăng 30,9% trong khi sản lượng xuất khẩu giảm 13,8%.
Mặt hàng gạo xuất khẩu đạt 3,27 tỷ USD, tăng 25,1%; sản lượng xuất khẩu đạt 5,18 triệu tấn, tăng 5,8%. Hạt điều xuất khẩu đạt 2,37 tỷ USD, tăng 22,1% với lượng 424.000 tấn, tăng 26,4%. Rau quả đạt 3,83 tỷ USD, tăng 24,3%; tôm 2 tỷ USD, tăng 7,5%; cá tra 1,02 tỷ USD, tăng 7,1%.
Đặc biệt, giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng tiếp tục có sự tăng trưởng tốt như: gạo đạt 632 USD/tấn, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái; càphê 3.669 USD/tấn, tăng 51,7%; cao su 1.555 USD/tấn, tăng 14,8%; hạt tiêu 4.665 USD/tấn, tăng 45%; chè 1.728 USD/tấn, tăng 1,6%.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam; trong đó giá trị xuất khẩu sang Mỹ tăng 21,6%, Trung Quốc tăng 11,3% và Nhật Bản tăng 4%.
Xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục phát triển mạnh
Là một trong những ngành hàng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, những tháng cuối năm 2024 xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục phát triển mạnh và có kỷ lục kim ngạch mới, sẽ đạt 6,5-7 tỷ USD. Trong đó, sầu riêng là mặt hàng sẽ tiếp tục đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả những tháng cuối năm.
Sầu riêng là mặt hàng mang nhiều kỳ vọng đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp |
Lý giải về điều này, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế so với các nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia khi thời điểm tháng 7, tháng 8 có thể thu hái sầu riêng khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, giá sầu riêng tại Tây Nguyên khoảng trên 100.000 đồng/kg, chắc chắn sẽ đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng lên. Xuất khẩu sầu riêng có thể đạt khoảng 3 tỷ USD, thậm chí 4 tỷ USD, mang lại nguồn thu lớn cho các hộ trồng sầu riêng.
Tuy nhiên, ông Đặng Phúc Nguyên nhìn nhận, để ngành sầu riêng và rau quả phát triển mạnh hơn cần xây dựng tiêu chuẩn chất lượng đối với sầu riêng xuất khẩu (tươi và đông lạnh) để kiểm soát, giữ vững được kim ngạch trong những năm tới và trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á về sản xuất sầu riêng.
"Từ đó, các địa phương, ngành hàng có tiêu chuẩn để kiểm tra chất lượng sầu riêng trước khi xuất khẩu. Đây là giấc mơ không phải xa vời, mà có thể đạt được nếu chúng ta có những biện pháp kiểm soát, kiểm tra chất lượng hàng hóa để xuất khẩu. Đó là những tín hiệu lạc quan trong những tháng đầu năm”, ông Đặng Phúc Nguyên nhìn nhận.
Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, để giúp tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả những tháng cuối năm, cần tập trung khai thác tốt thị trường Đông Bắc Á, đàm phán mở cửa thị trường các mặt hàng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng và cấp mã số vùng trồng…
Để tăng kim ngạch xuất khẩu cho ngành nông nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông lâm thủy sản; điển hình là triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU. Các đơn vị chức năng đang tích cực mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...
Bộ theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu; phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.
Cùng với đó là tổ chức các diễn đàn hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản; tọa đàm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường; các chuỗi phân phối bán lẻ trong nước, các sàn thương mại điện tử đối với các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP./.