Sản phẩm OCOP lan tỏa trong lòng người tiêu dùng Chuyển đổi số tạo động lực mới cho sản phẩm OCOP Hà Nội nâng tầm sản phẩm, lan tỏa giá trị OCOP |
![]() |
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc tuần hàng. |
Sáng 22/5, tại Công viên Văn hóa Đống Đa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với UBND quận Đống Đa tổ chức khai mạc Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn năm 2025. Sự kiện kéo dài từ ngày 21 đến 25/5, quy tụ 50 gian hàng với hơn 500 sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền đến từ Hà Nội và 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Riêng Hà Nội tham gia 20 gian hàng, trưng bày hơn 100 sản phẩm OCOP tiêu biểu, thể hiện thế mạnh sản xuất nông nghiệp và sự đa dạng của các làng nghề truyền thống Thủ đô. Không chỉ là hoạt động xúc tiến thương mại, tuần hàng còn là dịp tôn vinh giá trị văn hóa nông nghiệp và làng nghề Hà Nội, thiết thực chào mừng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025) và các ngày lễ lớn trong năm.
Nơi hội tụ tinh hoa vùng miền và người tiêu dùng Thủ đô
![]() |
Sản phẩm mây tre đan Phúc Quang, Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội. |
Tuần hàng năm nay được tổ chức tại không gian mở, thoáng đãng của Công viên Văn hóa Đống Đa – điểm đến quen thuộc của người dân và du khách đến vui chơi, rèn luyện sức khỏe. Đây là điều kiện lý tưởng để kết nối các chủ thể OCOP, làng nghề với người tiêu dùng, góp phần lan tỏa giá trị của sản phẩm Việt chất lượng cao và an toàn.
Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội, ông Ngọ Văn Ngôn cho biết, Hà Nội hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về quy mô sản xuất nông nghiệp và số lượng sản phẩm OCOP. Thành phố có trên 197.000 ha đất nông nghiệp, 1.336 hợp tác xã, 1.574 trang trại, 172 chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao và 14.000 sản phẩm nông – lâm – thủy sản đã được cấp mã QR truy xuất nguồn gốc.
Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng 3.317 sản phẩm OCOP, chiếm 21,3% tổng số sản phẩm cả nước. Trong đó có 6 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao. Không chỉ có thế mạnh về nông nghiệp, Hà Nội còn là cái nôi của hơn 1.350 làng nghề truyền thống – chiếm khoảng 40% tổng số làng nghề cả nước.
Năm 2025, hai làng nghề tiêu biểu của Thủ đô – Lụa Vạn Phúc (Hà Đông) và Gốm sứ Bát Tràng – đã chính thức được Hội đồng Thủ công thế giới công nhận là thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo thủ công thế giới. Đây là lần đầu tiên các làng nghề Việt Nam được vinh danh ở tầm quốc tế. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục khảo sát, hoàn thiện hồ sơ đề xuất thêm 2–3 làng nghề tiêu biểu gia nhập mạng lưới sáng tạo này.
Doanh nghiệp và người dân chung tay lan tỏa giá trị OCOP
![]() |
Đông đảo người dân và du khách tham quan, mua sắm sản phẩm. |
Tại sự kiện, các chủ thể OCOP và làng nghề không chỉ trưng bày sản phẩm đặc sắc mà còn chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất gắn với thực tiễn địa phương. Bà Phạm Thị Đông – Giám đốc Công ty TNHH Tinh hoa làng hương Việt – chia sẻ: “Chúng tôi mang đến hội chợ các dòng hương truyền thống, mong muốn lan tỏa hồn cốt quê hương đến khách hàng gần xa. Hiện cơ sở có khoảng 20 lao động là bà con nông dân tranh thủ lúc nông nhàn để sản xuất, tăng thêm thu nhập. Nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng về thiết kế mẫu mã và quảng bá, sản phẩm của chúng tôi từng bước được nâng tầm”.
Bà Đông cho biết thêm, để sản phẩm OCOP chinh phục thị trường trong nước và quốc tế, mỗi chủ thể cần chú trọng đổi mới mẫu mã, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng và mở rộng đầu ra.
Không chỉ doanh nghiệp hào hứng, người tiêu dùng cũng đón nhận tích cực. Chị Hoàng Thị Vân – một khách hàng tham quan tuần hàng – bày tỏ sự hài lòng khi được tiếp cận các sản phẩm rõ ràng nguồn gốc, được kiểm định chất lượng: “Những sự kiện như thế này rất thiết thực, nên được tổ chức thường xuyên để người dân có cơ hội tiếp cận hàng Việt chất lượng cao, tránh mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng”.
Tuần hàng OCOP Đống Đa 2025 không chỉ dừng lại ở vai trò là một sự kiện xúc tiến thương mại đơn thuần, mà còn trở thành nhịp cầu gắn kết giữa người tiêu dùng Thủ đô với những sản phẩm Việt mang đậm bản sắc vùng miền. Đây là nơi hội tụ tinh hoa của nông sản, làng nghề, của bàn tay khéo léo và sự sáng tạo không ngừng nghỉ của người nông dân, nghệ nhân trên khắp mọi miền đất nước.
Thông qua chuỗi hoạt động kết nối giao thương, quảng bá và giới thiệu sản phẩm, sự kiện góp phần khơi dậy niềm tự hào hàng Việt, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Từ đó, Tuần hàng OCOP không chỉ thúc đẩy tiêu thụ trong nước mà còn mở rộng cơ hội vươn ra thị trường quốc tế, góp phần quảng bá giá trị văn hóa – kinh tế của nông sản và làng nghề Việt Nam trong dòng chảy hội nhập, hướng tới phát triển bền vững.