Hà Nội mở rộng “sân nhà” cho sản phẩm OCOP và làng nghề Sản phẩm OCOP lan tỏa trong lòng người tiêu dùng Chuyển đổi số tạo động lực mới cho sản phẩm OCOP |
Làng nghề truyền thống và bản sắc ẩm thực Hà Nội
![]() |
Với lợi thế có 1.350 làng nghề, chiếm 40% làng nghề cả nước, Hà Nội là "cái nôi'" tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP. |
Sở hữu tới 1.350 làng nghề, chiếm khoảng 40% tổng số làng nghề cả nước, Hà Nội được ví như “cái nôi” sản sinh và phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông sản chế biến, ẩm thực đặc trưng – nền tảng vững chắc để chương trình OCOP phát triển lâu dài. Từ năm 2019 đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng 3.317 sản phẩm OCOP, chiếm hơn 21% tổng số sản phẩm OCOP toàn quốc. Trong đó, có 6 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, hơn 1.500 sản phẩm 4 sao và hơn 1.700 sản phẩm 3 sao.
Nằm giữa trung tâm Thủ đô, làng đúc đồng Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) là ví dụ điển hình cho nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề gắn với chương trình OCOP. Hình thành từ thế kỷ XVII, Ngũ Xã là một trong “tứ nghệ” nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa. Gia đình nghệ nhân Bùi Thị Minh – với 4 thành viên cùng được phong danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” – là đơn vị tiên phong đưa sản phẩm đúc đồng đến gần hơn với đời sống hiện đại. Năm 2021, đôi đèn Tứ Linh và lọ Song Ngư do gia đình bà Minh chế tác đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của thành phố. Hàng trăm sản phẩm khác của Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã cũng gây ấn tượng nhờ kỹ thuật chế tác tinh xảo, hoa văn cổ truyền và dấu ấn văn hóa Việt rõ nét.
Ở vùng ngoại thành, xã Cự Đà (huyện Thanh Oai) nổi tiếng với món tương nếp trứ danh, đã tồn tại hàng trăm năm. Khác với nhiều nghề truyền thống đang mai một, nghề làm tương ở đây vẫn giữ nguyên phương thức chế biến thủ công, không sử dụng phụ gia, nhờ đó bảo tồn trọn vẹn hương vị đặc trưng. Sản phẩm tương Cự Đà hiện đạt OCOP 3 sao và được tiêu thụ rộng rãi trên toàn quốc.
Tại xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), làng nghề khảm trai – đồ gỗ mỹ nghệ cũng góp phần quan trọng vào hành trình phát triển sản phẩm OCOP Hà Nội. Nghệ nhân Vũ Văn Đình, chủ cơ sở mỹ nghệ Thượng Mỹ, chia sẻ: “Tham gia OCOP giúp chúng tôi nhận thức sâu sắc hơn về giá trị văn hóa của sản phẩm và chú trọng hơn đến thiết kế, chất lượng. Đây là cú hích lớn để vươn tới thị trường quà tặng cao cấp”. Hiện tại, cơ sở ông Đình đã có 8 sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao và đang hoàn thiện hồ sơ để đề xuất sản phẩm 5 sao.
Nỗ lực nâng tầm sản phẩm và mở rộng thị trường OCOP
![]() |
Điểm OCOP tại Cửa hàng thực phẩm số 79 Trần Nguyên Đán, phường Định Công (Hà Nội). |
Mặc dù đứng đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, nhưng số lượng sản phẩm 5 sao của Hà Nội vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 0,04% trên tổng số gần 15.000 sản phẩm OCOP toàn quốc tính đến cuối năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu đến từ các rào cản kỹ thuật và thủ tục hành chính trong quá trình xét duyệt.
Theo bà Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức), sản phẩm "Chăn bông tơ tằm tự dệt" của công ty bà là một trong số ít được công nhận OCOP 5 sao cấp Trung ương từ năm 2023. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm khác như khăn lụa tơ tằm, khăn tơ sen, gối tơ kết hôn… dù đã đạt chuẩn 4 sao nhưng vẫn chưa thể nâng hạng do thiếu các minh chứng về tác động cộng đồng, yếu tố vùng miền và câu chuyện văn hóa.
Tương tự, ông Đào Công Trường – Giám đốc Công ty CP Sữa Con Bò Vàng Ba Vì – chia sẻ, dù sở hữu nguồn nguyên liệu ổn định từ đàn bò sữa lớn nhất Hà Nội, đơn vị vẫn gặp khó khăn trong việc chuẩn hóa quy trình để đạt các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế như ISO, HACCP, GMP. “Thiếu nhân lực chuyên môn và đơn vị tư vấn chất lượng khiến việc hoàn thiện hồ sơ OCOP 5 sao trở nên rất gian nan”, ông Trường nói.
Trước thực tế đó, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng tầm sản phẩm OCOP. Cụ thể, thành phố đã xây dựng 16 trung tâm sáng tạo, thiết kế và quảng bá OCOP, phát triển 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm trên địa bàn. Đồng thời, thành phố cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức các tuần hàng, hội chợ, hội thảo chuyên đề nhằm kết nối cung cầu giữa chủ thể OCOP và thị trường. Trong năm 2025, Hà Nội tiếp tục triển khai các sự kiện như Tuần hàng nông sản, sản phẩm OCOP và làng nghề gắn với hoạt động du lịch, giúp sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng và du khách trong và ngoài nước.
Sự lan tỏa của chương trình OCOP tại Hà Nội không chỉ góp phần phát triển kinh tế nông thôn, bảo tồn làng nghề, mà còn khẳng định bản sắc văn hóa đặc trưng của Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Để sản phẩm OCOP của Hà Nội thực sự vươn xa, việc đồng hành hỗ trợ từ chính quyền, sự đầu tư nghiêm túc của các chủ thể và sự tham gia của người tiêu dùng là yếu tố then chốt.