OCOP - Chìa khóa đưa sản phẩm Việt ra thị trường quốc tế Ứng dụng chuyển đổi số giúp sản phẩm OCOP “cất cánh” trên thị trường Hà Nội mở rộng “sân nhà” cho sản phẩm OCOP và làng nghề |
Tiếp sức hàng Việt bằng mạng lưới phân phối rộng khắp
![]() |
Gian hàng OCOP của tỉnh Bình Thuận. |
Những năm gần đây, sản phẩm OCOP và hàng Việt Nam chất lượng cao đã và đang dần chiếm lĩnh thị trường nội địa nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và hệ thống phân phối. Tại Bình Thuận, một trong những điểm sáng là hệ thống siêu thị Co.opmart với ba chi nhánh tại Phan Thiết, La Gi và Phan Rí Cửa. Hiện nay, các siêu thị này đã dành không gian trưng bày riêng cho gần 30 sản phẩm OCOP của tỉnh, góp phần quảng bá thương hiệu địa phương và nâng cao mức độ nhận diện hàng Việt trong mắt người tiêu dùng.
Không dừng lại ở đó, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cũng đã làm việc và ký hợp đồng với các siêu thị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, trưng bày và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đây là bước đi thiết thực giúp sản phẩm địa phương tiếp cận người tiêu dùng một cách trực tiếp, từ đó nâng cao sức cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.
Cùng với đó, ngành Công Thương còn đẩy mạnh tổ chức các hội chợ triển lãm, phiên chợ hàng Việt và các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần mở rộng thị trường cho sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, việc ứng dụng thương mại điện tử cũng đang được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm OCOP mọi lúc, mọi nơi – kể cả khi không thể đến trực tiếp điểm bán.
Đáng chú ý, các hoạt động xúc tiến thương mại hiện nay không còn mang tính hình thức mà gắn liền với tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì, cải tiến quy trình sản xuất. Nhờ vậy, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh như nước mắm, thanh long sấy, các sản phẩm từ dừa... ngày càng khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Nâng tầm hàng Việt để chinh phục thị trường
![]() |
Người tiêu dùng hiện đại không chỉ quan tâm đến chất lượng mà còn chú trọng đến thiết kế, bao bì và các yếu tố bảo vệ sức khỏe. |
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng theo ông Lê Văn Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận, việc nâng cao chất lượng sản phẩm Việt vẫn là một thách thức lớn. Ông cho rằng các cơ sở sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu cả về chất lượng lẫn mẫu mã.
Thực tế cho thấy, người tiêu dùng hiện đại không chỉ quan tâm đến chất lượng mà còn chú trọng đến thiết kế, bao bì và các yếu tố bảo vệ sức khỏe. Những sản phẩm OCOP đáp ứng tốt các tiêu chí này đang dần trở thành lựa chọn ưu tiên trong giỏ hàng của người tiêu dùng. Minh chứng rõ nét là doanh thu từ hàng hóa tại hệ thống Co.opmart Phan Thiết luôn duy trì ở mức cao, với hơn 300 tỷ đồng mỗi năm – trong đó hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm tới 95%.
TS. Lương Thanh Sơn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh rằng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ là khẩu hiệu mà đang dần trở thành hành động cụ thể trong mỗi lựa chọn mua sắm hằng ngày. Ông đề xuất cần xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến phân phối, qua đó góp phần giảm chi phí trung gian, hạ giá thành và nâng cao hiệu quả tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu.
Bên cạnh việc cải tiến chất lượng và mẫu mã, yếu tố giá cả cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút người tiêu dùng. Các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu vào những dịp lễ, Tết được triển khai tại hệ thống siêu thị và các cơ sở kinh doanh đã góp phần hỗ trợ người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm có thu nhập thấp, tiếp cận sản phẩm chất lượng với mức giá hợp lý.
Ngành Công Thương cùng các địa phương trong tỉnh cũng đang tích cực vận động doanh nghiệp tham gia các hội chợ, hội thảo, triển lãm lưu động tại các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa để mở rộng thị phần. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp trực tiếp lắng nghe ý kiến từ người tiêu dùng, từ đó hoàn thiện sản phẩm và nâng cao uy tín thương hiệu Việt.
Có thể khẳng định, sản phẩm OCOP không chỉ là biểu tượng của tiềm năng phát triển kinh tế nông thôn mà còn là minh chứng cho khả năng vươn xa của hàng Việt khi được đầu tư bài bản và đồng bộ từ khâu sản xuất đến phân phối. Với đà phát triển hiện nay, cùng sự tin tưởng của người tiêu dùng và sự đồng hành của các cấp, ngành, hàng Việt – đặc biệt là sản phẩm OCOP – đang từng bước khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa.