Chuyến đi chiến lược mở đường cho nông sản Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển song phương “Tam giác chính sách” của EU làm khó chuỗi logistics nông sản Việt Nam Mở rộng đường xuất khẩu cho nông sản Việt |
Thách thức từ thị trường chủ lực
![]() |
Người trồng nông sản được tập huấn kỹ thuật canh tác an toàn và truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. |
Trung Quốc hiện chiếm tới 59,5% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam, theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan. Thế nhưng, bức tranh quý I/2025 không mấy sáng sủa khi xuất khẩu rau quả sang thị trường này chỉ đạt 512,2 triệu USD, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ đầu năm 2024 và là nguyên nhân chính khiến toàn ngành “hụt hơi”, đẩy mục tiêu 7 tỷ USD kim ngạch năm nay vào thế khó, theo ông Nguyễn Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.
Đáng lo ngại hơn, nhóm sản phẩm chủ lực từng tạo nên kỳ tích 3,3 tỷ USD trong năm 2024 – sầu riêng – lại là mặt hàng sụt giảm mạnh nhất. Những nỗ lực mở cửa chính ngạch cho chanh leo, ớt thông qua các nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và phía Trung Quốc chưa thể bù đắp khoảng trống mà sầu riêng để lại. Dù xuất khẩu ớt và chanh leo có tăng gấp đôi thì mỗi mặt hàng cũng chỉ mang về thêm 100 - 200 triệu USD mỗi năm – con số đáng khích lệ nhưng quá nhỏ so với thiệt hại hàng tỷ USD.
Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính” như trước. Các tiêu chuẩn kiểm nghiệm chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc ngày càng tiệm cận thị trường khó tính như Mỹ, EU hay Nhật Bản. Không chỉ chọn sản phẩm ngon, người tiêu dùng Trung Quốc còn yêu cầu sự minh bạch toàn diện trong chuỗi cung ứng – từ mảnh đất gieo trồng đến nhà máy sơ chế, đóng gói.
Theo ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Unifarm, Trung Quốc hiện kiểm soát nghiêm ngặt đến từng chi tiết, đặc biệt với ngành chuối – sản phẩm chiếm 70% thị phần xuất khẩu sang nước này. “Chỉ những doanh nghiệp kiên định với chuẩn mực cao mới có thể trụ lại lâu dài. Thị trường sẽ mở rộng nhưng không dành cho ai làm ăn theo kiểu chộp giật”, ông Liêm nhấn mạnh.
Cơ hội cho những người làm thật
![]() |
Công nhân kiểm tra chất lượng trái cây tại nhà máy sơ chế đạt chuẩn, góp phần nâng tầm giá trị nông sản Việt trên thị trường quốc tế. (Ảnh: TTXVN) |
Khắt khe hơn, Trung Quốc không đóng cửa mà đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt thay đổi từ gốc. Cuối tháng 5/2025, Trung Quốc đã cấp thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng cho Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng, cho thấy sự ghi nhận nỗ lực cải thiện chất lượng từ phía Việt Nam.
Ở một góc nhìn tích cực, ông Nguyễn Phong Phú – Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Vina T&T – cho rằng thị trường càng khó, càng là cơ hội để những người “làm thật” bước lên. Câu chuyện của Vina T&T là ví dụ điển hình: sầu riêng được ủ tự nhiên từ 3 - 5 ngày, các nhà máy vệ sinh hàng tuần, không sử dụng hóa chất thúc chín; với bưởi, nhãn, dừa…, doanh nghiệp còn áp dụng nhật ký canh tác, danh mục phân thuốc rõ ràng. Một khi vùng trồng vi phạm, họ sẵn sàng dừng thu mua.
Tại Unifarm, toàn bộ mẫu đất, mẫu nước đều được kiểm nghiệm kỹ lưỡng trước khi gieo trồng. Nông dân được huấn luyện và cam kết thực hiện quy trình sản xuất khép kín. “Ngay từ đầu, chúng tôi đã làm theo chuẩn cao nhất. Không lo thị trường nâng tiêu chuẩn, vì thực phẩm bắt buộc phải an toàn”, ông Liêm khẳng định.
Dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức theo đuổi chuẩn mực cao như vậy. Tình trạng sản xuất manh mún, thiếu liên kết khiến nhiều vùng trồng bị cảnh báo, trả hàng. Nông dân vẫn còn lúng túng khi lựa chọn thuốc, phân bón phù hợp. Những vụ việc tồn dư vàng O, nhiễm cadimi là minh chứng rõ cho hậu quả của việc thiếu giám sát và hiểu biết về kỹ thuật canh tác.
Để giải bài toán này, theo ông Liêm, cần có mô hình liên kết kiểu “doanh nghiệp làm đầu tàu”, vừa thu mua vừa chịu trách nhiệm hướng dẫn và giám sát vùng trồng. Doanh nghiệp có quyền dừng hợp tác nếu nông dân không tuân thủ quy trình – điều kiện tiên quyết để bảo vệ uy tín thị trường.
Một giải pháp được nhiều doanh nghiệp đồng tình là đầu tư các trung tâm kiểm nghiệm chất cấm và phân tích dư lượng đạt chuẩn quốc tế. Đây là công cụ hỗ trợ đắc lực nhằm sàng lọc rủi ro ngay từ trong nước, thay vì để lô hàng bị trả về mới “chạy chữa”. Song song đó, Việt Nam cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các thành phố lớn như Quảng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh – nơi đang định hình lại xu hướng tiêu dùng rau quả ngoại nhập.
Quan trọng hơn cả, “lột xác từ gốc” – tức vùng trồng – phải là chiến lược trọng tâm. Trong bối cảnh các hiệp định thương mại như RCEP hay khung hợp tác ASEAN – Trung Quốc đang mở ra dư địa tăng trưởng lớn, ngành rau quả Việt sẽ không thiếu cơ hội. Nhưng cơ hội chỉ dành cho những ai sẵn sàng chuyển mình, làm ăn bài bản, lâu dài và chuyên nghiệp.