Vải thiều vào mùa ngọt chín cùng nhịp kết nối thị trường
![]() |
Lễ cắt băng xuất hành vải thiều Bắc Giang tiêu thụ tại các thị trường trong nước và xuất khẩu. |
Với hơn 29.700 ha diện tích trồng, chiếm hơn 60% tổng diện tích cây ăn quả, vải thiều hiện là sản phẩm nông sản đặc sản quan trọng bậc nhất của Bắc Giang. Dự kiến sản lượng năm 2025 đạt khoảng 165.000 tấn, trong đó có 60.000 tấn vải sớm (thu hoạch từ 20/5 – 15/6) và 105.000 tấn vải chính vụ (10/6 – 30/7).
Điểm nổi bật trong sản xuất là sự tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kỹ thuật: gần 16.000 ha canh tác theo VietGAP, hơn 200 ha theo GlobalGAP và 10 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Nhờ vậy, vải thiều Bắc Giang đã có mặt tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt qua những hàng rào kỹ thuật khó tính nhất như Mỹ, Nhật Bản, EU, Úc, Hàn Quốc...
Không chỉ mang giá trị kinh tế, vải thiều còn chứa đựng giá trị lịch sử – văn hóa sâu sắc, gắn với vùng đất Lục Ngạn – nơi khởi nguồn và phát triển giống vải thiều bản địa hàng trăm năm qua. Theo ông Phạm Văn Thịnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, đây không chỉ là nông sản chủ lực mà còn là "đại sứ" văn hóa, góp phần định vị thương hiệu nông nghiệp Bắc Giang trên bản đồ nông sản thế giới.
Để bảo đảm sản phẩm chất lượng, tỉnh Bắc Giang đã cấp mã số vùng trồng cho gần 300 vùng với tổng diện tích hơn 21.000 ha. Hệ thống sơ chế, đóng gói, logistics cũng được đầu tư đồng bộ. Hàng loạt giải pháp công nghệ hiện đại được áp dụng nhằm kiểm soát chất lượng, kéo dài thời gian bảo quản và tăng khả năng xuất khẩu.
Song song với đẩy mạnh xuất khẩu (Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực), tỉnh cũng chú trọng thị trường nội địa thông qua các hệ thống phân phối lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các trung tâm du lịch trọng điểm. Đặc biệt, Bắc Giang tích cực khai thác các kênh thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTok Shop…, đồng thời phối hợp với Viettel Post, VNPost, Grab để đảm bảo vận chuyển nhanh chóng và giữ độ tươi ngon cho sản phẩm.
OCOP Bắc Giang nâng tầm đặc sản từ nông trại đến bàn ăn
![]() |
Sản phẩm vải thiều đạt Ocop của tỉnh Bắc Giang. |
Tại hội nghị, nhiều tập đoàn lớn thể hiện rõ cam kết đồng hành cùng Bắc Giang nâng tầm vải thiều và sản phẩm OCOP. Đại diện Central Retail Việt Nam cho biết đã ký kết biên bản hợp tác với tỉnh Bắc Giang nhằm đưa vải thiều vào hệ thống phân phối GO!, Tops Market và mini go!, ưu tiên vị trí trưng bày dễ nhận diện và thúc đẩy bán hàng qua các kênh thương mại điện tử. Không dừng lại ở thị trường trong nước, Central Retail còn cam kết hỗ trợ xuất khẩu vải thiều sang Thái Lan thông qua mạng lưới bán lẻ của Central Group.
Với vai trò logistics, Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã xây dựng kế hoạch chi tiết: bố trí cont lạnh, thiết kế tuyến vận chuyển tối ưu, thành lập kho trung tâm vùng đệm Bắc Giang – Bắc Ninh, và triển khai công viên logistics tại Lạng Sơn để phục vụ xuất khẩu. Chính sách cước ưu đãi, công nghệ theo dõi hành trình và giao hàng nhanh giúp nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản.
Ở góc độ quốc tế hóa, đại diện Công ty CP Mova Plus (Tập đoàn Linsan Holdings) cho biết đã đưa gần 5.000 tấn trái cây tươi, trong đó có vải thiều, vào các hệ thống phân phối tại châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Séc... Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến năm 2030 phân phối hơn 20.000 tấn/năm và đạt doanh thu hơn 50 triệu USD.
Để thực hiện mục tiêu này, Mova Plus đề xuất chính quyền cần đẩy mạnh chuẩn hóa quy trình sản xuất, mở rộng diện tích đạt chuẩn GlobalGAP và hữu cơ châu Âu, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học, đầu tư kho lạnh, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu vải thiều Bắc Giang như một biểu tượng trái cây Việt tại thị trường quốc tế.
Hội nghị cũng ghi nhận cam kết mạnh mẽ từ các bộ ngành Trung ương. Ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Bắc Giang là địa phương dẫn đầu về nông sản chất lượng cao. Trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động, việc đa dạng hóa thị trường, ứng dụng thương mại số và kết nối chuỗi giá trị là chiến lược then chốt.
Bộ Công Thương cam kết tiếp tục hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu qua các hội chợ chuyên đề như OCOPEX, Tuần hàng Việt tại nước ngoài, thiết lập “luồng xanh” tại cửa khẩu và tháo gỡ rào cản kỹ thuật để đưa nông sản Việt Nam, đặc biệt là vải thiều Bắc Giang, vươn xa hơn nữa.
Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và sản phẩm OCOP Bắc Giang năm 2025 không chỉ là dịp kết nối sản xuất – tiêu thụ, mà còn thể hiện sự cam kết mạnh mẽ từ cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Với các giải pháp đồng bộ và sự đồng hành thiết thực, vải thiều Bắc Giang đang được kỳ vọng trở thành thương hiệu trái cây quốc gia mang tầm quốc tế – vừa giữ gìn bản sắc nông nghiệp truyền thống, vừa chinh phục thị trường toàn cầu.