Nhờ giá bán cao nhất lịch sử, Bắc Giang thu hơn 6.000 tỉ đồng từ vải thiều Vải thiều Úc gần 6 triệu đồng/hộp vẫn đắt khách dịp Tết Hải Dương dự kiến đạt khoảng gần 60.000 tấn vải thiều |
![]() |
Niên vụ 2025, Bắc Giang tiếp tục dẫn đầu cả nước với sản lượng vải thiều dự kiến 165.000 tấn. |
Tăng trưởng ấn tượng nhờ thời tiết thuận lợi, sâu bệnh được kiểm soát
Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), sản lượng vải thiều năm nay đạt mức ấn tượng 303.000 tấn, tăng mạnh so với mức hơn 230.000 tấn của năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là điều kiện thời tiết thuận lợi trong các giai đoạn phân hóa mầm hoa, ra hoa, đậu quả; đồng thời sinh vật gây hại được kiểm soát tốt.
Cụ thể, Bắc Giang tiếp tục dẫn đầu cả nước với sản lượng dự kiến 165.000 tấn, Hải Dương 60.000 tấn, Hưng Yên và Lạng Sơn mỗi tỉnh 22.000 tấn, trong khi Đắk Lắk – một vùng trồng mới – cũng ghi nhận sản lượng ấn tượng 21.000 tấn.
Vụ vải thường có thời gian thu hoạch ngắn, chia thành hai giai đoạn: vải sớm từ 20/5 đến 10/6 và vải chính vụ từ 10/6 đến 25/7. Do đó, công tác chuẩn bị cho khâu thu hoạch, chế biến và tiêu thụ đã được triển khai từ đầu vụ. Cán bộ kỹ thuật của Cục đã được cử bám sát các vùng trồng để hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục cuống – loại dịch hại ảnh hưởng lớn đến chất lượng quả trong giai đoạn cận thu hoạch.
Song song đó, hoạt động giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và an toàn thực phẩm trên quả vải cũng được triển khai chặt chẽ, góp phần đảm bảo chất lượng cho thị trường trong và ngoài nước.
Sẵn sàng cho xuất khẩu
![]() |
Việt Nam hiện đã có 469 mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 19.400 ha và 55 mã số cơ sở đóng gói được cấp phép phục vụ xuất khẩu. |
Về công tác xuất khẩu, Việt Nam hiện đã có 469 mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 19.400 ha và 55 mã số cơ sở đóng gói được cấp phép phục vụ xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Australia, Thái Lan, Nhật Bản và Mỹ. Tất cả các mã số đã hoàn tất đăng ký sử dụng cho vụ 2025 và được giám sát nghiêm ngặt.
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch thực vật các nước từ đầu tháng 4 để hoàn tất hồ sơ, kiểm tra các cơ sở xử lý gồm 3 cơ sở chiếu xạ và 3 cơ sở xông hơi khử trùng – tất cả đã được phê duyệt và sẵn sàng hoạt động.
Đáng chú ý, năm 2025 đánh dấu bước tiến quan trọng khi Nhật Bản chính thức ủy quyền cho Việt Nam giám sát xử lý lô hàng vải thiều thay vì phải cử chuyên gia sang như trước đây, tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí cho doanh nghiệp và người trồng.
Từ ngày 1/6, các kiểm dịch viên sẽ trực tiếp làm việc tại các địa phương trong suốt thời gian cao điểm để hỗ trợ kiểm dịch, lấy mẫu tại chỗ, tạo điều kiện tối đa cho việc thông quan nhanh chóng, đặc biệt với thị trường chủ lực Trung Quốc – nơi chiếm đến 90% lượng vải xuất khẩu.
Trong tổng sản lượng 303.000 tấn, dự kiến 60% sẽ tiêu thụ nội địa, thông qua hệ thống chợ đầu mối và kênh bán lẻ hiện đại, còn lại khoảng 40% dành cho xuất khẩu. Đáng chú ý, mặc dù vải thiều Việt Nam đã hiện diện tại hơn 20 quốc gia, Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm ưu thế tuyệt đối.
Cùng với việc duy trì chất lượng quả tươi, hệ thống chế biến vải cũng đã sẵn sàng hoạt động. Trong đó, phương pháp sấy khô chiếm ưu thế, còn chế biến sâu như đông lạnh, nước ép, đóng hộp chỉ chiếm khoảng 3% tổng sản lượng.
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kêu gọi các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã tăng cường hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ sâu bệnh, theo dõi thời tiết và áp dụng các chương trình giám sát an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Đồng thời, phối hợp với hệ thống kho lạnh, sơ chế lưu động để giảm áp lực tiêu thụ trong giai đoạn cao điểm, đảm bảo vụ vải thiều 2025 không chỉ "được mùa" mà còn "được giá", mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng và ngành nông sản Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 59/CĐ-TTg ngày 8/5/2025, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động. Năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm trước; nhiều mặt hàng như gạo, rau quả, cà phê đạt kim ngạch cao. Tuy nhiên, thay đổi chính sách thuế của một số quốc gia có thể gây khó khăn cho xuất khẩu. Thủ tướng yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó, tháo gỡ vướng mắc, phát triển logistics, mở rộng thị trường và giữ vững chuỗi cung ứng. Đồng thời, coi đây là cơ hội để thúc đẩy cơ cấu lại ngành theo hướng sinh thái, xanh và bền vững. Chính phủ khuyến khích chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, gắn với xây dựng nông thôn mới và nâng cao thu nhập cho nông dân. Đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng là hướng đi tất yếu giúp nông nghiệp Việt Nam thích ứng hiệu quả với biến động toàn cầu. |