Từ sâm Ngọc Linh đến một trung tâm dược liệu chiến lược Trúc nhự – Vị thuốc quý từ thân tre trong kho tàng y học cổ truyền Cây tai chuột – dược liệu quý từ thiên nhiên |
![]() |
Khai mở “mỏ vàng xanh” dược liệu Tây Bắc bằng tư duy chuỗi giá trị và thương hiệu. Ảnh minh họa |
Dược liệu quý hiếm, tiềm năng lớn nhưng chưa tương xứng giá trị
Toàn vùng miền núi phía Bắc hiện có khoảng 50 loài cây dược liệu được trồng với quy mô lớn từ 10 ha trở lên. Riêng khu vực Tây Bắc ghi nhận 36 loài đang được canh tác phổ biến như sa nhân tím, đương quy, cát cánh, atiso, thảo quả, ba kích, ý dĩ, hồi, quế, đinh lăng…
Tuy nhiên, sản xuất dược liệu ở khu vực này chưa hình thành được chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Phần lớn là sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết và công nghệ sơ chế, chế biến sâu còn hạn chế. Điều này dẫn đến hệ quả là phần lớn dược liệu chỉ được tiêu thụ dưới dạng nguyên liệu thô, không gắn với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, khiến giá trị gia tăng rất thấp.
Tại tỉnh Sơn La – một trong những vùng trồng dược liệu trọng điểm – hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu dược liệu dùng trong sản xuất, bào chế thuốc của địa phương. Trong khi đó, tỉnh Điện Biên – nơi có nhiều cây đặc hữu như thảo quyết minh, hà thủ ô – cũng chỉ đạt doanh thu khoảng 15 tỷ đồng/năm từ dược liệu.
Một vấn đề khác là logistics và bảo quản sau thu hoạch còn yếu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho biết: “Chúng tôi từng xuất khẩu một lô nhãn sang Hà Lan, nhưng do thiếu công nghệ bảo quản lạnh nên sau 24 ngày vận chuyển, sản phẩm bị giảm tới 32% chất lượng, trong khi nhãn từ Thái Lan có thể giữ nguyên vẹn sau 40 ngày”.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đầu tư vào hạ tầng sơ chế – bảo quản cũng như tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hơn, có liên kết từ nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp đến thị trường tiêu thụ.
Chuỗi giá trị và thương hiệu – đòn bẩy để dược liệu vươn xa
Tổng diện tích trồng dược liệu cả nước hiện đạt khoảng 357.000 ha. Trong đó, vùng miền núi phía Bắc chiếm 50.800 ha, tương đương hơn 65% tổng diện tích cả nước. Dù vậy, Việt Nam vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu dược liệu trong nước, còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhận định, vấn đề cốt lõi hiện nay là chưa làm chủ được vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Ông nhấn mạnh: “Ai làm chủ được vùng nguyên liệu thì sẽ làm chủ được chuỗi giá trị dược liệu. Chúng ta không thể phát triển dược liệu quy mô lớn nếu không có chiến lược dài hạn và tư duy sản xuất hiện đại”.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam khẳng định, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn là yếu tố cốt lõi, quyết định khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Tại Lai Châu, nơi đang sở hữu nguồn gen quý như sâm Lai Châu, địa phương đã bắt đầu liên kết với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc để nghiên cứu chế biến và phát triển sản phẩm dược phẩm, thực phẩm chức năng. Tuy sâm Lai Châu hiện chưa được công nhận là nguyên liệu dược liệu chính thức tại Nhật, tỉnh tạm thời định hướng sản xuất thực phẩm chức năng để mở cửa thị trường, đồng thời cấp mã số vùng trồng và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GACP-WHO.
Không chỉ Lai Châu, nhiều tỉnh như Sơn La, Lào Cai (cũ), Yên Bái (cũ) cũng đã quy hoạch vùng trồng các loại cây như giảo cổ lam, tam thất, đinh lăng, atiso, đồng thời triển khai mô hình liên kết sản xuất giữa hợp tác xã và doanh nghiệp, xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý nhằm bảo vệ nguồn gen và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lai Châu Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2030, sâm Lai Châu sẽ có thương hiệu quốc gia và được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc. Muốn vậy, không thể chỉ dừng ở khai thác tự nhiên hay trồng nhỏ lẻ như hiện nay”.
Từ tiềm năng đến giá trị thực: cần chính sách dẫn dắt và đầu tư dài hạn
Dự báo đến năm 2028, thị trường dược liệu toàn cầu có thể đạt quy mô 430 tỷ USD. Trong khi đó, với lợi thế sinh học, khí hậu và nguồn gen đa dạng, Việt Nam – đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc – hoàn toàn có thể trở thành trung tâm dược liệu của khu vực nếu có chiến lược bài bản và bền vững.
Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam Nguyễn Lân Hùng cho rằng: “Nếu vẫn tiếp tục phát triển manh mún, tự phát và thiếu đầu tư công nghệ, thì dù có tài nguyên quý, chúng ta vẫn chỉ là người cung cấp nguyên liệu thô cho nước khác tạo ra sản phẩm giá trị cao”.
Để giải bài toán này, cần sự vào cuộc đồng bộ của Nhà nước trong quy hoạch vùng trồng, hỗ trợ tín dụng và ban hành tiêu chuẩn rõ ràng; của doanh nghiệp trong việc đầu tư công nghệ, bao bì, thương hiệu; của giới khoa học trong chuyển giao giống và kỹ thuật; và của nông dân trong sản xuất có kiểm soát.
“Phải đặt mục tiêu mỗi hecta đất miền núi đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm bằng cách tổ chức lại sản xuất và định vị thương hiệu vùng dược liệu rõ ràng”, ông Hùng đề xuất.
![]() |
![]() |
![]() |