Việt Nam – Brazil tăng hợp tác nông sản, gạo là mặt hàng chủ lực Tăng giá trị xuất khẩu nhờ chế biến sâu trái cây Để trái cây Việt vững vàng mùa thu hoạch |
![]() |
Năm nay, sản lượng mận tăng gấp 2–3 lần năm ngoái, nhưng giá bán chỉ dao động 4.000–6.000 đồng/kg. |
Mận Sơn La: Được mùa nhưng giá thấp, người dân gặp khó
Tại xã Vân Hồ, Sơn La – vùng trồng mận lớn của tỉnh, ông Hoàng Văn Hòa có 150 gốc mận. Năm nay, sản lượng mận tăng gấp 2–3 lần năm ngoái, nhưng giá bán chỉ dao động 4.000–6.000 đồng/kg, thậm chí có lô còn 3.000 đồng/kg, không đủ bù chi phí đầu tư gần 40 triệu đồng cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công.
Ông Hòa buồn bã chia sẻ: “Mận được mùa nhưng giá thấp khiến gia đình như ‘lấy công làm lãi’, nhiều nhà còn lỗ vốn.” Tình trạng này phổ biến ở nhiều huyện như Mộc Châu, Yên Châu khiến người dân chán nản.
Hiện tại, đa số mận được bán tươi qua thương lái, trong khi tỷ lệ đưa vào chế biến chỉ chiếm khoảng 40–50% sản lượng. Theo ông Mai Đức Thịnh – Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19.5 (Mộc Châu), dù có nhà xưởng 4.000 m2, HTX chỉ tiêu thụ và chế biến được khoảng 700 tấn mận mỗi năm. HTX cố gắng thu mua với giá 5.000–8.000 đồng/kg để hỗ trợ bà con nhưng vẫn chỉ bao tiêu được diện tích dưới 30 ha.
Một số hộ dân được hỗ trợ máy sấy công suất thấp, chỉ vài trăm ký mỗi ngày, không thể đáp ứng hết lượng mận thu hoạch. Do đó, việc tiêu thụ chủ yếu vẫn dựa vào thương lái, người dân chấp nhận bán với giá thấp để gỡ vốn.
Vải Bắc Ninh: Giá giảm sâu, người dân phải xếp hàng bán đêm
Tại Bắc Ninh, mùa vải thiều năm nay ghi nhận sản lượng trên 168.000 tấn, trong đó gần 60% tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, giá vải đầu vụ từ 30.000 đồng/kg đã giảm nhanh xuống còn 11.000–22.000 đồng/kg, có lúc còn 7.000 đồng/kg.
Anh Lê Quang Dũng (phường Phượng Sơn, Bắc Ninh) cho biết: “Nhiều năm trước, người dân đi bán vải từ sáng sớm, nhưng năm nay do lượng vải chín nhiều, nhiều người phải đi từ đêm hôm trước để xếp hàng chờ cân.”
Việc phụ thuộc vào thương lái thu mua vải tươi khiến nhiều nhà vườn lỗ vốn, đặc biệt khi phải thuê nhân công bẻ vải với giá 50.000 đồng/giờ. Nhiều gia đình đã chủ động đầu tư lò sấy với công suất 3–4 tấn/mẻ, giá bán vải sấy trong mùa vụ khoảng 30.000–45.000 đồng/kg, cuối vụ có thể lên tới 80.000–95.000 đồng/kg nếu đóng gói đẹp, có thương hiệu.
Công nghiệp chế biến trái cây: Thách thức và giải pháp
![]() |
Cơ sở sơ chế và đóng gói vải thiều tiêu chuẩn. |
Theo ông Nguyễn Xuân Đức – Phó Giám đốc Công ty Vifoco, một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu vải thiều sang thị trường châu Âu, việc phát triển công nghiệp chế biến trái cây đặc biệt là vải và mận vẫn còn nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân căn bản.
Ông Đức chia sẻ: "Nguyên liệu đầu vào nhỏ lẻ, phân tán khiến việc kiểm soát chất lượng gặp khó khăn, đồng thời thời vụ thu hoạch ngắn cũng làm giảm hiệu quả đầu tư dây chuyền chế biến. Doanh nghiệp cần vùng nguyên liệu tập trung, quy mô đủ lớn để phát huy hiệu quả sản xuất."
Hiện nay, vùng nguyên liệu trái cây như vải, mận chủ yếu là các hộ gia đình, nông dân nhỏ lẻ, diện tích manh mún, không tập trung. Điều này gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp trong việc thu gom đủ nguyên liệu chất lượng, ổn định để chế biến với quy mô lớn. Vùng nguyên liệu nhỏ lẻ khiến chất lượng quả không đồng đều, khó kiểm soát các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, quy trình bảo quản cũng chưa đồng bộ.
Ông Mai Đức Thịnh – Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19.5 (Mộc Châu) cho biết: "Chúng tôi có nhà xưởng lớn nhưng chỉ tiêu thụ được khoảng 40-50% sản lượng quả tươi, phần còn lại chủ yếu tiêu thụ tươi qua thương lái. Để mở rộng chế biến, cần sự liên kết sâu hơn giữa nông dân và doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ nâng cấp công nghệ."
Mặc dù công nghệ chế biến trái cây ở Việt Nam đã có bước phát triển, thậm chí có thể đạt chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, nhưng việc áp dụng đồng bộ trong toàn chuỗi giá trị còn hạn chế. Nguyên liệu đầu vào thiếu kiểm soát chất lượng, quy trình thu hoạch, bảo quản và vận chuyển chưa chuẩn hóa làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm cuối cùng.
Bà Nguyễn Thị Lan – chuyên gia nông nghiệp tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Việt Nam từng nhận định: "Công nghiệp chế biến trái cây ở Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển non trẻ, cần sự hỗ trợ đồng bộ từ quy hoạch vùng nguyên liệu đến đầu tư công nghệ hiện đại và xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm."
Ngoài ra, sự thiếu liên kết bền vững giữa các bên trong chuỗi giá trị cũng là rào cản lớn. Sự phân tán của các hộ nông dân làm giảm hiệu quả thu mua, khó thiết lập quy chuẩn chất lượng đồng nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc hoạch định sản xuất và xuất khẩu.
Để khắc phục những khó khăn này, các chuyên gia đề xuất: xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ vốn và chuyển giao công nghệ cho HTX, doanh nghiệp; phát triển chuỗi liên kết bền vững; đồng thời tăng cường xây dựng thương hiệu và hoàn thiện khâu đóng gói, bao bì.
Ông La Văn Nam – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh nhấn mạnh: "Chúng tôi đang tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ tích hợp để chế biến đa dạng các loại quả, nhằm duy trì sản xuất quanh năm và nâng cao giá trị cho trái cây địa phương."
Điểm sáng là một số HTX, doanh nghiệp như HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19.5 (Sơn La), Công ty Vifoco đã bắt đầu xuất khẩu thành công các sản phẩm mận, vải chế biến sang các thị trường khó tính như Nga, Mỹ, Đức, mở ra hy vọng cho ngành công nghiệp chế biến trái cây ở Việt Nam.
![]() |
![]() |