Liên kết số, nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP |
Chuỗi giá trị phân tán thiếu bền vững
![]() |
Nông dân vùng cao vẫn sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết vùng nguyên liệu và tiêu thụ ổn định. |
Vùng Tây Bắc được đánh giá là khu vực giàu tiềm năng trong phát triển nông lâm sản hàng hóa, nhờ lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng và hệ sinh thái đa dạng. Tuy nhiên, sản xuất nông sản tại khu vực này vẫn đối mặt nhiều hạn chế như quy mô nhỏ lẻ, liên kết chuỗi chưa bền vững, công nghệ chế biến và truy xuất nguồn gốc còn lạc hậu.
Theo ông Lê Quốc Doanh – Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường) – sản xuất nông sản ở Tây Bắc hiện vẫn phân tán, chưa hình thành được chuỗi giá trị khép kín. Trong khi đó, yêu cầu từ thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng cao, đòi hỏi quy trình canh tác, quản lý chất lượng, bảo quản và phân phối đồng bộ hơn.
Thực tế, nhiều sản phẩm đặc trưng như cà phê, chè, cây ăn quả ôn đới, chanh leo, dược liệu... dù có giá trị cao nhưng chủ yếu vẫn tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu thô. Trong năm 2024, tổng giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu của Tây Bắc đạt khoảng 245 triệu USD, trong đó Sơn La chiếm 190 triệu USD, Điện Biên trên 22,4 triệu USD, Lai Châu trên 6,5 triệu USD và Lào Cai khoảng 25 triệu USD.
Dù đạt kết quả tích cực, các địa phương vẫn nhìn nhận rõ những điểm yếu về năng lực chế biến sau thu hoạch, hệ thống logistics, cơ sở bảo quản và liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đều khẳng định rằng việc thiếu hợp đồng liên kết ổn định, tỷ lệ chế biến sâu thấp và khả năng truy xuất nguồn gốc còn hạn chế đang là rào cản lớn để nâng cao giá trị sản phẩm.
Cụ thể, Sơn La hiện có hơn 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, với 85.000 ha cây ăn quả và 35.563 ha cây công nghiệp lâu năm, đóng vai trò là vùng nguyên liệu lớn trong khu vực. Năm 2024, tỉnh xuất khẩu 8.900 tấn chè, 31.700 tấn cà phê, 7.600 tấn xoài tươi và 7.200 tấn chuối tươi. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, để phát triển bền vững, tỉnh phải chuyển trọng tâm sang đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực chế biến, tăng hàm lượng công nghệ và truy xuất nguồn gốc.
Tại Điện Biên, diện tích cây ăn quả đạt hơn 4.000 ha, tập trung ở các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Mường Chà và TP. Điện Biên Phủ. Địa phương đã hình thành năm vùng sản xuất tập trung nhưng vẫn đối mặt với khó khăn về bảo quản sau thu hoạch và cơ sở chế biến còn thiếu. Đối với cây công nghiệp lâu năm, tỉnh có 4.784 ha cà phê, 630 ha chè, 5.000 ha cao su và hơn 12.300 ha mắc ca.
Lai Châu lại sở hữu lợi thế lớn về dược liệu, với tổng diện tích trên 23.000 ha. Các loài chủ lực gồm quế (10.000 ha), thảo quả (6.500 ha), sa nhân (2.500 ha), sơn tra (2.000 ha), sâm Lai Châu (130 ha) và thất diệp nhất chi hoa. Theo ông Bùi Huy Phương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh – Lai Châu đang kêu gọi hợp tác để phát triển sâm bản địa thành sản phẩm chủ lực mang lại giá trị y học và kinh tế cao.
Số hóa giúp minh bạch chuỗi nông sản
![]() |
Ứng dụng mã QR và truy xuất nguồn gốc trên nông sản giúp nâng cao uy tín và đáp ứng tiêu chuẩn thị trường hiện đại. |
Trong bối cảnh đó, yêu cầu về số hóa chuỗi giá trị nông sản được đặt ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam, để nông sản Tây Bắc có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cần xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn – từ giống, hạ tầng đến quy trình canh tác – đi kèm hệ thống truy xuất minh bạch.
Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Sơn La khi đã phát triển thành công 50.000 ha vùng nguyên liệu dứa và chanh leo đạt tiêu chuẩn. Đây là mô hình có thể nhân rộng để các tỉnh xây dựng chuỗi liên kết khép kín, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và kiểm soát chất lượng theo chuẩn thị trường.
Kết luận tại Diễn đàn, Thứ trưởng đề xuất bảy nhóm giải pháp, trong đó có các nội dung cụ thể như: hoàn thiện quy hoạch vùng trồng chủ lực; đẩy mạnh liên kết sản xuất – tiêu thụ theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP; phát triển chế biến sâu, kho lạnh, sơ chế, đóng gói; xúc tiến xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, EU, UAE; xây dựng bản đồ tiêu thụ theo mùa vụ và chủng loại; ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, nhân rộng mô hình VietGAP, GlobalGAP; và hoàn thiện chính sách đặc thù cho doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đặc biệt, trong bối cảnh sau sáp nhập hành chính, Thứ trưởng lưu ý các tỉnh cần rà soát lại toàn bộ quy hoạch nông nghiệp cấp xã, xác định vùng trồng trọng điểm và tích hợp vào kế hoạch phát triển mới. Đây sẽ là nền tảng để tái cơ cấu sản xuất theo vùng nguyên liệu, kết nối doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hướng minh bạch – hiện đại – bền vững.
Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc” đã đưa ra nhiều định hướng chiến lược cho vùng. Trong đó, liên kết sản xuất – tiêu thụ, đầu tư chế biến sâu và số hóa chuỗi giá trị là các giải pháp then chốt để nông sản vùng cao gia tăng giá trị và mở rộng thị trường trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và yêu cầu hội nhập ngày càng cao.