Hàng giả “ẩn mình” trong quảng cáo: Khi niềm tin bị đánh tráo bằng công nghệ Công nghệ số nâng cao hiệu quả chống hàng giả Hàng giả trên sàn thương mại điện tử: Vấn nạn cũ – thách thức mới |
Hàng giả gia tăng, uy tín doanh nghiệp bị đe dọa
![]() |
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra đồng hồ nghi giả mạo tại một điểm kinh doanh trong đợt cao điểm chống hàng giả năm 2025. |
Thị trường hàng giả, hàng nhái đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn khó nhận diện. Báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 50.736 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 6.532,6 tỷ đồng – tăng 7,68% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, số vụ khởi tố hình sự đạt 1.875 vụ với 3.235 đối tượng, tăng hơn 69% so với năm 2024. Những con số này phản ánh mức độ tinh vi và thiệt hại nặng nề mà hàng giả gây ra cho nền kinh tế.
Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, nhận định: “Người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, lựa chọn kênh mua hàng uy tín và tham khảo đánh giá từ cộng đồng trước khi mua sản phẩm. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn hỗ trợ doanh nghiệp chân chính.”
Câu chuyện của Công ty CP Ngôi sao Châu Âu (Eurostars JSC) – đơn vị độc quyền phân phối mỹ phẩm Tesori d’Oriente tại Việt Nam – là minh chứng điển hình. Theo ông Trần Việt Hải, Chủ tịch HĐQT công ty, từng có hàng trăm nghìn sản phẩm giả xuất hiện trên thị trường với giấy tờ nguồn gốc bị làm giả. Nhờ sự phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và ngành y tế, ba nhóm đối tượng đã bị đưa ra tòa. Tuy nhiên, tình trạng hàng “nhái” với tem, nhãn và mã QR giả mạo vẫn tiếp diễn, buộc doanh nghiệp phải kiên trì áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ.
Một ví dụ khác đến từ Công ty CP Dược phẩm Thái Minh. Hơn một thập kỷ trước, khi vấn nạn hàng giả chưa được quan tâm đúng mức, doanh nghiệp này từng đối mặt với nguy cơ mất thương hiệu. Nhờ triển khai chương trình “đổi vỏ lấy quà” và hệ thống mã định danh sản phẩm, Thái Minh đã phát hiện hành vi làm giả qua các dấu hiệu tích điểm bất thường. Ông Hàn Ngọc Anh, Giám đốc Điều hành công ty, cho biết: “Chúng tôi xây dựng hệ thống mã cào để khách hàng xác thực sản phẩm. Có tới 80% khách hàng chủ động kiểm tra trước khi sử dụng, tạo ra rào cản lớn cho gian thương.”
Theo lực lượng chức năng, hàng giả không chỉ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp mà còn tiềm ẩn rủi ro sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm tự công bố chất lượng nhưng cố tình giảm hàm lượng, không tuân thủ quy chuẩn an toàn. Đáng lo ngại hơn, thương mại điện tử đang trở thành “vùng xám” cho hàng lậu và hàng kém chất lượng nhờ tốc độ giao dịch nhanh và khó kiểm soát.
Giải pháp đồng bộ bảo vệ thương hiệu chính hãng
![]() |
Doanh nghiệp giới thiệu công nghệ tem điện tử và mã QR xác thực tại hội chợ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ – giải pháp giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện hàng chính hãng. |
Để ngăn chặn hàng giả, chuyên gia thương hiệu cho rằng cần một “tam giác an toàn” gồm cơ quan quản lý – doanh nghiệp – người tiêu dùng. Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt bằng chính sách, chế tài nghiêm khắc và ứng dụng công nghệ số trong giám sát. Doanh nghiệp cần chủ động áp dụng các công nghệ chống giả như tem thông minh, mã QR định danh, blockchain hoặc hệ thống xác thực qua điện thoại. Người tiêu dùng cũng phải thay đổi thói quen mua sắm, ưu tiên sản phẩm từ kênh phân phối chính thức.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tăng cường giám sát thị trường qua kết nối dữ liệu liên thông, đồng thời hoàn thiện cơ chế pháp lý phù hợp với đặc thù thương mại điện tử. Các chuyên đề kiểm tra hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ được triển khai song song với công tác tuyên truyền, ký cam kết với doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số.”
Tại Hà Nội, lãnh đạo thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra đột xuất những lĩnh vực nhạy cảm như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm. Song song với xử phạt, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức của cả người bán lẫn người mua, hướng đến môi trường kinh doanh minh bạch và lành mạnh.
Chuyên gia thương hiệu Trần Huy Bình khẳng định: “Cuộc chiến chống hàng giả không chỉ là câu chuyện pháp lý mà còn là chiến lược bảo vệ giá trị thương hiệu. Doanh nghiệp nên xem đây là một phần trong quản trị rủi ro dài hạn. Đầu tư công nghệ truy xuất nguồn gốc và giáo dục khách hàng cách phân biệt hàng thật – hàng giả sẽ tạo ra niềm tin bền vững.”
Trong tháng cao điểm từ 15/5 đến 15/6/2025, lực lượng chức năng đã xử lý 10.437 vụ buôn lậu và gian lận thương mại – tăng 80,51% so với tháng trước. Những con số này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của cơ quan quản lý, đồng thời phản ánh mức độ tinh vi của các đối tượng vi phạm. Sự chung tay của doanh nghiệp như Eurostars và Thái Minh đang góp phần quan trọng trong cuộc chiến dài hơi này.
Ở góc độ người tiêu dùng, việc sử dụng công nghệ như quét mã QR, kiểm tra tem bảo hành, đọc đánh giá từ cộng đồng hoặc chọn mua hàng tại website uy tín là những bước cơ bản nhưng rất hiệu quả. Mỗi hành động đúng đắn của người mua sẽ giúp thu hẹp “đất sống” của hàng giả. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, để nâng cao sức cạnh tranh, doanh nghiệp cần kết hợp chiến lược chống giả với xây dựng thương hiệu mạnh. Khi thương hiệu có uy tín, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả mức giá tương xứng cho chất lượng, đồng thời dễ dàng phân biệt sản phẩm thật – giả. Đây chính là vòng tròn khép kín giúp doanh nghiệp và thị trường phát triển bền vững.