Truy xuất không chỉ để chống hàng giả
![]() |
Doanh nghiệp kiểm tra mã QR truy xuất trên lô hàng xuất khẩu nông sản – minh chứng cho yêu cầu minh bạch nguồn gốc ngày càng cao từ thị trường quốc tế. |
Trong bối cảnh toàn cầu đối mặt với làn sóng hàng giả và gian lận thương mại ngày càng tinh vi, truy xuất nguồn gốc thường được xem như một giải pháp kỹ thuật nhằm kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, giá trị thật sự của truy xuất không dừng lại ở đó, mà đang từng bước trở thành một cấu phần thiết yếu trong hạ tầng kinh tế số.
Ông Nguyễn Huy – Trưởng ban Công nghệ của Hiệp hội Dữ liệu quốc gia – cho rằng việc định danh và xác thực nguồn gốc sản phẩm không chỉ giúp cơ quan chức năng kiểm soát thị trường hiệu quả, mà còn là “bộ lọc” kỹ thuật giúp sản phẩm Việt vượt qua những hàng rào kỹ thuật ngày càng khắt khe tại các thị trường xuất khẩu. “Truy xuất nguồn gốc không còn là một tiện ích kỹ thuật, mà đang trở thành một chiến lược phát triển kinh tế trong kỷ nguyên số hóa chuỗi giá trị toàn cầu. Nó không chỉ siết chặt kỷ cương thị trường mà còn mở ra cánh cửa hội nhập công bằng và minh bạch hơn cho doanh nghiệp Việt,” ông Huy phân tích.
Trên thực tế, các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU hay Trung Quốc đều đã xây dựng những hệ sinh thái truy xuất tích hợp quy mô quốc gia, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như blockchain, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo. Các hệ thống này không chỉ lưu trữ hành trình sản phẩm theo thời gian thực mà còn cho phép liên thông với các tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ cả công tác giám sát của nhà nước lẫn nhu cầu xác minh từ phía người tiêu dùng.
Trong khi đó, tại Việt Nam, hệ thống truy xuất vẫn đang ở giai đoạn phân tán và manh mún. Các nền tảng xác thực chủ yếu được triển khai theo từng doanh nghiệp, ngành hàng riêng lẻ. Việc thiếu hụt dữ liệu liên thông khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn trong giám sát tổng thể, còn doanh nghiệp lại chịu gánh nặng chi phí do thiếu chuẩn thống nhất.
Theo thống kê từ Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, tỷ lệ hàng hóa được định danh hiện mới chỉ đạt khoảng 2% trên tổng số sản phẩm lưu thông trên thị trường – một con số được đánh giá là “rất khiêm tốn” nếu đặt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thương mại toàn cầu. Chuyên gia kinh tế Phạm Việt Dũng nhận định: “Khi sản phẩm không có định danh điện tử rõ ràng, doanh nghiệp khó chứng minh tính hợp pháp và minh bạch trong chuỗi cung ứng. Điều này khiến hàng hóa Việt dễ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc bị trả về do không đạt tiêu chuẩn truy xuất.”
Trong các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao như dược phẩm, thực phẩm hay mỹ phẩm, tình trạng hàng giả không chỉ ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp mà còn tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã đưa truy xuất nguồn gốc vào tiêu chí kiểm tra bắt buộc trong quy trình nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp Việt không sẵn sàng đáp ứng yêu cầu này, sẽ rất dễ đánh mất lợi thế cạnh tranh ngay từ khâu thông quan.
Định vị lại giá trị chuỗi sản phẩm
![]() |
Mô hình minh họa hệ thống truy xuất minh bạch bằng công nghệ blockchain – kết nối toàn bộ chuỗi cung ứng từ sản xuất đến phân phối, giúp chuẩn hóa dữ liệu và nâng cao giá trị sản phẩm. |
Thay vì chỉ xem truy xuất là công cụ chống gian lận, nhiều quốc gia đã nâng cấp hệ thống truy xuất thành hạ tầng dữ liệu quốc gia để tái cấu trúc và nâng tầm giá trị chuỗi sản phẩm. Theo đó, mỗi đơn vị hàng hóa không chỉ thể hiện thông tin về xuất xứ, mà còn tích hợp các dữ liệu về điều kiện sản xuất, chứng nhận kiểm định, thời gian vận chuyển, phân phối và mức độ tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật.
Đại diện Công ty cổ phần Dược phẩm ECO (ECO Pharma) chia sẻ, trong ngành dược – nơi hàng giả không chỉ gây tổn thất tài chính mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng – truy xuất không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là chiến lược xây dựng lòng tin thương hiệu. ECO Pharma hiện đang phối hợp cùng các đối tác để phát triển nền tảng xác thực ba chiều sử dụng công nghệ blockchain, không chỉ nhằm chống hàng giả mà còn trở thành kênh tương tác dữ liệu giữa doanh nghiệp, khách hàng và cơ quan chức năng.
“Truy xuất không chỉ là minh bạch sản phẩm, mà còn là minh bạch trách nhiệm. Khi hành trình sản phẩm được ghi nhận đầy đủ, doanh nghiệp không chỉ nâng cao năng lực quản trị mà còn chuyển hóa được lòng tin thị trường thành giá trị gia tăng bền vững,” đại diện ECO Pharma nhấn mạnh.
Từ góc độ chính sách, ông Bùi Bá Chính – quyền Giám đốc Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia – cho rằng, để truy xuất thực sự trở thành một cấu phần trong chiến lược kinh tế số, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống truy xuất tích hợp cấp quốc gia, có chuẩn định danh thống nhất và có khả năng mở rộng liên thông quốc tế. “Điều quan trọng là phải chuẩn hóa dữ liệu, mã định danh và tạo điều kiện để cả doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tham gia truy xuất với chi phí hợp lý. Khi hệ thống đủ mạnh và đủ tin cậy, nó sẽ giảm chi phí xã hội, tăng hiệu quả quản lý và hỗ trợ xuất khẩu vượt rào cản kỹ thuật,” ông Chính phân tích.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh triển khai Nghị quyết 57/NQ-TW về chuyển đổi số toàn diện, yêu cầu ứng dụng công nghệ trong toàn bộ chuỗi cung ứng ngày càng trở nên cấp thiết. Đặc biệt, với ngành nông nghiệp, việc ghi chép thủ công theo tiêu chuẩn VietGAP đang bộc lộ nhiều kẽ hở, dễ bị gian lận và thiếu minh bạch. Nếu được thay thế bằng nhật ký điện tử và mã QR chuẩn hóa, toàn bộ quá trình sản xuất, vận chuyển và phân phối sẽ được kiểm soát tức thời, góp phần xây dựng thị trường lành mạnh hơn.
Về dài hạn, nền tảng truy xuất minh bạch sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam vận hành trơn tru hơn trong môi trường thương mại toàn cầu. Không chỉ giúp doanh nghiệp củng cố thương hiệu, mà còn hỗ trợ nhà nước trong thực thi chính sách, chuẩn hóa sản phẩm và định vị lại năng lực cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế. Khi thương mại điện tử bùng nổ và người tiêu dùng ngày càng ưu tiên tính minh bạch, việc truy xuất nguồn gốc theo hướng đồng bộ, thời gian thực và chuẩn hóa không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu tất yếu trong nền kinh tế số.