Báo chí – “thiết chế” đặc biệt trong cuộc chiến chống hàng giả, buôn lậu Lan tỏa tinh thần chống hàng giả trong xã hội Chống hàng giả phải trúng từ gốc |
Thách thức trong kiểm soát hàng giả
![]() |
Lực lượng quản lý thị trường đang kiểm tra và xử lý hàng giả tại kho hàng thương mại điện tử. |
Thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và trở thành xu hướng mua sắm chủ đạo của người tiêu dùng trong thời đại số. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi và đa dạng sản phẩm, nền tảng này cũng là “điểm nóng” để hàng gian, hàng giả len lỏi và phát triển mạnh. Không chỉ còn tồn tại ở các chợ truyền thống, hàng giả ngày càng dày đặc trên các sàn giao dịch trực tuyến với lớp vỏ hào nhoáng: “đẹp, rẻ, tiện giao tận nhà chỉ sau vài cú nhấp chuột”. Điều này khiến người tiêu dùng rất khó nhận diện và tránh xa các sản phẩm kém chất lượng.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, chia sẻ: “Hàng giả ngày càng tinh vi, không chỉ ở hình thức bên ngoài mà còn trong công nghệ làm giả như nhái mã vạch, tem niêm phong rất giống hàng thật.” Thêm vào đó, việc truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng bị cắt khúc, các khâu sản xuất và phân phối hoàn toàn tách rời, khiến công tác kiểm tra, xử lý trở nên phức tạp hơn.
Với vai trò là một siêu đô thị có hàng chục nghìn điểm bán lẻ, kho bãi và trung tâm phân phối hoạt động liên tục, TP.HCM đối mặt với lượng hàng hóa lớn mỗi ngày, hàng trăm container ra vào. Ông Huy nhận định: “Lực lượng quản lý thị trường còn mỏng, không thể kiểm tra toàn diện.” Thực trạng này tạo điều kiện thuận lợi cho hàng giả trà trộn và phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, nhiều sàn thương mại điện tử hiện chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm kiểm soát, xác minh người bán và phối hợp với các cơ quan chức năng khi phát hiện vi phạm. Luật sư Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cảnh báo: “Nếu không ràng buộc trách nhiệm của các nền tảng số, thương mại điện tử sẽ trở thành thiên đường cho hàng giả.”
Mức xử phạt hành chính hiện nay cũng chưa đủ sức răn đe. Theo ông Huy, nhiều tiểu thương nhập hàng giả với giá rất thấp, bán rẻ hơn hàng thật nhưng vẫn thu lời lớn. Mức phạt nhỏ so với lợi nhuận khiến không ít người chọn cách “rủi ro để trục lợi”.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống hàng giả. Một bộ phận người mua biết rõ sản phẩm là hàng giả nhưng vẫn lựa chọn vì giá rẻ và mẫu mã bắt mắt. Đây chính là điểm cốt tử khiến hàng giả không bao giờ hết đất sống nếu không thay đổi nhận thức của thị trường.
Giải pháp đồng bộ cho thị trường số
![]() |
Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc qua mã QR giúp cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả kiểm soát hàng giả trên thương mại điện tử, góp phần đảm bảo minh bạch và an toàn cho người tiêu dùng. |
Trước thực trạng phức tạp của hàng giả trên thương mại điện tử, ông Nguyễn Quang Huy nhấn mạnh: “Không thể tiếp tục xử lý từng vụ việc nhỏ lẻ mà cần một cuộc tổng tiến công đồng bộ, toàn diện.” Để làm được điều này, các cơ quan quản lý cần tăng cường phối hợp liên ngành, đồng thời ứng dụng công nghệ số nhằm kiểm soát hiệu quả.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm và áp dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, blockchain sẽ giúp minh bạch hóa chuỗi cung ứng, phát hiện nhanh các hành vi vi phạm. Đây được xem là hướng đi then chốt trong công tác phòng chống hàng giả hiện đại.
Luật sư Hà Hải đề xuất cần hoàn thiện khung pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống hàng giả, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ. “Pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử và nâng mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả,” ông Hà nói.
Hiện nay, nhiều quy định còn chưa rõ ràng, gây khó khăn cho công tác xử lý. Ví dụ: Khái niệm “hàng giả” trong các văn bản pháp luật chồng chéo với “hàng không đạt tiêu chuẩn công bố” hoặc “hàng kém chất lượng”. Cán bộ thực thi cũng e ngại xử lý mạnh tay vì lo ngại sai sót, bởi các tiêu chí phân định còn mơ hồ. Thực tế, nhiều vụ việc nghiêm trọng vẫn bị “hành chính hóa”, chỉ xử phạt tiền khiến hiệu quả răn đe thấp.
Việc chứng minh yếu tố lỗi cố ý, hậu quả gây ra hay giá trị hàng hóa trong các vụ án hình sự cũng rất khó khăn do các đối tượng sản xuất hàng giả không để lại hồ sơ, giấy tờ, đồng thời tiền luân chuyển qua nhiều tài khoản ảo khiến việc truy vết gần như bất khả thi. Đây là lý do khiến công tác truy tố, xét xử còn hạn chế.
Bên cạnh hoàn thiện pháp lý, các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc bảo vệ thương hiệu. “Nhiều doanh nghiệp chưa tích cực phối hợp với lực lượng chức năng, chưa theo dõi biến động thị trường và chưa đầu tư vào công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,” ông Huy nhận xét. Doanh nghiệp cần tích cực giám sát, phát hiện và phối hợp xử lý vi phạm để bảo vệ tài sản thương hiệu.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục người tiêu dùng giữ vai trò then chốt. Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức để không tiếp tay cho hàng giả bằng cách lựa chọn sản phẩm chính hãng, an toàn. Đây là một trong ba yếu tố quyết định sự thành công của công cuộc phòng chống hàng giả, bên cạnh pháp luật đủ mạnh và thực thi hiệu quả.
Hàng giả trên thương mại điện tử ngày càng tinh vi, đòi hỏi một chiến lược tổng lực, đồng bộ từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đến người tiêu dùng. Việc áp dụng công nghệ số hiện đại, hoàn thiện khung pháp luật và tăng cường trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử là những giải pháp cấp thiết. Đồng thời, nâng cao nhận thức thị trường và thúc đẩy phối hợp liên ngành chặt chẽ sẽ góp phần tạo dựng môi trường mua sắm an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng trong kỷ nguyên số.