Hiểu đúng và đủ về thực phẩm chức năng Bộ Y tế vào cuộc vụ 100 tấn thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả Siết quảng cáo thực phẩm chức năng để bảo vệ người tiêu dùng |
Niềm tin bị thao túng, thị trường bị lợi dụng
![]() |
Các sản phẩm thực phẩm chức năng bị cơ quan chức năng thu giữ vì vi phạm quy định công bố và quảng cáo. |
Không thể phủ nhận, thực phẩm chức năng (TPCN) đã và đang trở thành một ngành hàng phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe. Tuy nhiên, đằng sau bức tranh sôi động ấy là một thực tế đáng lo ngại – nơi hàng giả, hàng nhái và quảng cáo thổi phồng đang từng ngày xâm lấn niềm tin cộng đồng.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chỉ trong nửa đầu năm 2025, đã có hơn 34.000 vụ vi phạm liên quan đến TPCN bị xử lý. Trong đó, có tới 8.200 vụ buôn bán hàng cấm, 25.100 vụ gian lận thương mại và hơn 1.100 vụ sản xuất hàng giả quy mô lớn. Những con số này phản ánh sự hỗn loạn của thị trường và mức độ trục lợi ngày càng tinh vi.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an gần đây cũng phát hiện 12 sản phẩm sữa bột dinh dưỡng chỉ đạt dưới 70% chất lượng công bố – đủ điều kiện để bị quy vào hàng giả. Đáng chú ý, các sản phẩm này từng được sử dụng tại nhiều cơ sở y tế lớn, làm dấy lên lo ngại về năng lực kiểm soát chất lượng hiện hành.
Không chỉ làm giả sản phẩm, nhiều tổ chức còn lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOL để tiếp thị sản phẩm như thuốc chữa bệnh. Những lời quảng cáo “có cánh” như trị ung thư, giảm cân thần tốc, tăng chiều cao cấp tốc… được tung ra tràn lan, nhưng thực tế kiểm định cho thấy nhiều sản phẩm không có giá trị y học, thành phần không tương xứng.
Theo ông Vũ Văn Trung – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: “Người tiêu dùng phản ánh rất nhiều về quảng cáo sai sự thật trong lĩnh vực TPCN. Nhưng khi khiếu nại thì không biết tìm ai chịu trách nhiệm, vì cơ chế tự công bố hiện quá lỏng lẻo.”
Việc chênh lệch lợi nhuận quá lớn – sản phẩm sản xuất vài chục nghìn đồng có thể bán với giá hàng triệu – đã khiến không ít cá nhân, kể cả người nổi tiếng, bất chấp đạo đức để trục lợi. Khi thị trường càng mở, mặt trái càng lộ rõ.
Khép kín pháp lý, truy tận trách nhiệm
![]() |
Người tiêu dùng quét mã QR trên sản phẩm thực phẩm chức năng để kiểm tra nguồn gốc, thành phần và giấy công bố theo quy định. |
Một nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng hỗn loạn là lỗ hổng pháp lý trong quản lý thực phẩm chức năng. Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các doanh nghiệp có thể tự công bố sản phẩm, không cần qua kiểm định độc lập, khiến nhiều mặt hàng kém chất lượng nghiễm nhiên được hợp pháp hóa. Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhấn mạnh: “Phải nghiêm túc bịt các kẽ hở pháp luật và làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý. Việc xử lý cán bộ cần minh bạch, quyết liệt để tạo lại niềm tin cho người dân.”
Bộ Y tế hiện đang đề xuất sửa đổi Nghị định 15 theo hướng chuyển từ "tự công bố" sang "đăng ký bản công bố", buộc doanh nghiệp cung cấp bằng chứng khoa học về chất lượng, thành phần, công dụng trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường. Dự thảo cũng đề xuất tăng gấp 1,2–2 lần mức xử phạt, bổ sung hành vi có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu sản phẩm gây hại đến sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, các hình thức quảng cáo sai sự thật, lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng để tiếp thị sản phẩm cũng được liệt kê vào nhóm vi phạm cần xử lý nghiêm.
Về lâu dài, cần mở rộng hệ thống truy xuất nguồn gốc, sử dụng phổ biến các nền tảng như iTrace247, truyxuat.gov.vn để người tiêu dùng có thể chủ động tra cứu thông tin, trở thành lực lượng “giám sát tại chỗ”. Đặc biệt, cần sửa đổi Luật Quảng cáo và Luật Bảo vệ người tiêu dùng để gắn trách nhiệm pháp lý với KOL, nghệ sĩ, sàn thương mại điện tử – những kênh hiện đang chi phối phần lớn hoạt động tiếp thị sản phẩm TPCN nhưng chưa chịu chế tài cụ thể.
Cuối cùng, việc phân định rạch ròi giữa thực phẩm bổ sung và thuốc điều trị là điều không thể thiếu. Cố tình “đẩy” thực phẩm chức năng lên vai trò như thuốc chữa bệnh không chỉ là hành vi gian dối, mà còn có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Người tiêu dùng cần tỉnh táo, cảnh giác trước những lời quảng cáo giật gân và lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thông tin minh bạch.