Chặn đứng xe tải chở 7,2 tấn lợn nhiễm bệnh đang trên đường đi tiêu thụ Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại TP Buôn Ma Thuột Thanh Hóa quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi |
Nguy cơ bùng phát dịch tả lợn và mối đe dọa với sức khỏe người tiêu dùng
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các tỉnh phía Bắc đã ghi nhận 386 ổ dịch tả lợn châu Phi, khiến tổng số lợn mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy lên đến 22.026 con. Trong đó có tới 212 ổ dịch mới tại 11 tỉnh (chiếm hơn 55% tổng số ổ dịch) và 17.438 con lợn (chiếm khoảng 80% số lợn) vẫn đang trong giai đoạn xử lý mẫu xét nghiệm dưới 21 ngày .
![]() |
Gần đây, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh phía Bắc đã ghi nhận 386 ổ dịch tả lợn châu Phi |
Trước diễn biến phức tạp này, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác khi chọn mua thịt lợn, bởi rất dễ mua nhầm thịt lợn bệnh hoặc không qua kiểm dịch – tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe.
Dịch bệnh này không lây sang người nhưng nếu người tiêu dùng không cẩn trọng, lợn mắc bệnh dịch tả Châu Phi có nguy cơ cao mắc các bệnh khác như tai xanh, cúm, thương hàn và đặc biệt là nhiễm liên cầu khuẩn.
Mua phải thịt từ lợn bệnh hoặc giết mổ lậu, không qua kiểm dịch có nguy cơ nhiễm vi khuẩn gây hại, ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, nhiễm ký sinh trùng, thậm chí là viêm màng não.
Không chỉ dịch tả lợn, tình trạng thịt nhiễm sán, thịt tiêm nước, ướp hóa chất như urê, hàn the… cũng tồn tại âm ỉ trên thị trường. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), các loại thịt này nếu sử dụng lâu dài có thể dẫn đến ung thư, suy gan thận, dị ứng và nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Vì vậy, việc trang bị kiến thức để phân biệt thịt lợn sạch và thịt lợn bệnh không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe gia đình mà còn góp phần chống lại gian lận thương mại.
Dấu hiệu nhận biết thịt lợn bệnh
Theo các chuyên gia, để tránh mua phải thịt lợn bệnh, người tiêu dùng có thể quan sát kỹ bằng các giác quan thông thường. Dưới đây là những tiêu chí quan trọng bạn cần lưu ý:
Màu sắc của thịt
Thịt lợn tươi ngon thường có màu hồng sáng hoặc đỏ nhạt, bề mặt khô, mịn và hơi se lại.
Ngược lại, thịt lợn nhiễm bệnh hoặc đã ôi thường có màu đỏ bầm, tím tái, xanh nhạt, đôi khi xuất hiện những đốm xuất huyết nhỏ li ti màu đỏ hoặc tím, đây là dấu hiệu của dịch tả hoặc tai xanh.
Người tiêu dùng có thể nhận biết thịt lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi bằng mắt thường. Phần bì (da) lấm chấm đốm xuất huyết, tai lợn bị thâm tím, khi chạm tay vào thịt thấy chảy nhớt, rỉ nước...
Thịt nhiễm sán dây, sán gạo có thể thấy rõ những hạt trắng nhỏ như hạt gạo nằm rải rác trên bề mặt hoặc bên trong thớ thịt.
Phần mỡ cũng là chi tiết cần chú ý: thịt sạch có lớp mỡ trắng hoặc trắng ngà, dày, săn chắc, trong khi thịt kém chất lượng có lớp mỡ vàng, nhão, mỏng, mềm, bề mặt chảy dịch.
![]() |
Người tiêu dùng nên quan sát kỹ màu sắc, bề mặt thịt khi mua để tránh thịt từ lợn bệnh hoặc kém chất lượng. |
Độ đàn hồi và kết cấu
Thịt tươi có độ đàn hồi tốt: khi ấn ngón tay vào sẽ tạo thành vết lõm nhưng nhanh chóng trở lại như cũ. Nếu ấn thấy thịt xẹp, mềm nhũn, mất độ đàn hồi thì có thể là thịt từ lợn ốm hoặc đã để lâu. Ngoài ra, thịt bị bơm nước, tiêm urê thường mềm bất thường, chảy nước, bề mặt nhớt.
Mùi và bề mặt
Thịt ngon có mùi thơm nhẹ đặc trưng của thịt lợn tươi. Thịt lợn bệnh hoặc ôi có mùi hôi tanh, chua, hoặc hóa chất nồng nặc. Khi chạm tay vào thấy dính, trơn nhớt cũng là dấu hiệu cần tránh.
Dịch tiết khi thái hoặc luộc
Thịt tươi khi luộc sẽ tiết ra nước trong, ít bọt, mùi thơm tự nhiên. Thịt kém chất lượng hoặc thịt bệnh khi luộc thường tiết ra nhiều bọt bẩn, nước đục, nổi váng, mùi hắc khó chịu.
Mẹo chọn mua thịt an toàn và những lưu ý khi chế biến
Ngoài việc quan sát, sờ, ngửi để nhận biết, người tiêu dùng nên tuân thủ các nguyên tắc sau để hạn chế rủi ro khi mua và sử dụng thịt lợn:
Ưu tiên nguồn gốc rõ ràng, có kiểm dịch
Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nên mua thịt lợn ở những địa điểm uy tín như siêu thị, cửa hàng được cấp phép, có dấu kiểm dịch của thú y. Không nên ham rẻ, mua thịt trôi nổi ngoài chợ, không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ chứng minh kiểm dịch.
Chế biến đúng cách
Để tiêu diệt vi khuẩn, ký sinh trùng, thịt lợn cần được nấu chín kỹ ở nhiệt độ tối thiểu 70 °C. Tuyệt đối không ăn tiết canh, nem chua, thịt tái vì nguy cơ nhiễm sán, vi khuẩn, virus rất cao. Dao, thớt, dụng cụ sơ chế thịt sống và chín nên tách riêng, đảm bảo vệ sinh.
Không tích trữ lâu trong tủ lạnh
Ngay cả khi thịt được bảo quản trong tủ lạnh, thời gian lưu trữ cũng không nên quá 3 ngày đối với ngăn mát và không quá 6 tháng đối với ngăn đông để tránh suy giảm chất lượng và nguy cơ vi sinh vật phát triển.
Trước thực trạng dịch tả lợn châu Phi bùng phát và thị trường thịt lợn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, người tiêu dùng cần tự trang bị kiến thức nhận biết thịt bệnh để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Nhìn kỹ màu sắc, kiểm tra độ đàn hồi, quan sát bề mặt, mùi, và chỉ mua ở những nơi uy tín là những bước đơn giản nhưng hiệu quả để tránh mua phải thịt kém chất lượng.
Ngoài ra, hãy chế biến thịt đúng cách, tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi và hạn chế tích trữ lâu dài. Việc này không chỉ giúp phòng tránh bệnh tật mà còn góp phần đẩy lùi thịt lợn bẩn khỏi thị trường.
![]() |
![]() |
![]() |