Niềm tin hàng Việt từ minh bạch số hóa Lan tỏa tinh thần chống hàng giả trong xã hội Chống hàng giả phải trúng từ gốc |
![]() |
Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng trên livestream. Ảnh: Ngọc Hà |
Chiêu trò đánh lừa bằng quảng cáo và công nghệ
Thay vì rao bán lén lút như trước, hàng giả ngày nay xuất hiện công khai trên các nền tảng số với lớp vỏ bọc hoàn hảo: hình ảnh trau chuốt, video chuyên nghiệp, giọng nói ngọt ngào từ những KOLs, người nổi tiếng hay livestreamer “mặc áo trắng giả làm bác sĩ”.
Tại tọa đàm “Chống hàng giả, hàng gian – Làm sạch thị trường, bảo vệ niềm tin”, ông Nguyễn Tấn Phong – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) – chỉ rõ: “Tính ẩn danh tương đối trên không gian mạng giúp các đối tượng dễ dàng thay đổi danh tính, địa chỉ khi bị phát hiện. Họ còn quảng bá bài bản hơn cả doanh nghiệp làm ăn chân chính”.
Công nghệ giờ đây tiếp tay cho gian thương, nhiều sản phẩm gắn mã QR nhưng là mã giả – dẫn đến các website được “lập sẵn” để qua mắt người mua. Ngay cả tem chống giả cũng bị làm nhái. Ông Nguyễn Thanh Hải – Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa – chia sẻ: “Có lúc chúng tôi phát hiện sản phẩm nhái ‘Sanest 1’, ‘Sanest One’ bày bán công khai. Chúng tôi phải lập đội giám sát thị trường, thường xuyên thay đổi mẫu mã bao bì để chống làm giả”.
Thực tế cho thấy, công nghệ quảng cáo đang bị lạm dụng để che đậy sai phạm. Theo Báo Tuổi Trẻ, một số sinh viên livestream chỉ trong vài ngày có thể thu hàng chục triệu đồng từ việc rao bán “mỹ phẩm Hàn Quốc xách tay” hoặc “thuốc đông y gia truyền”. Họ không cần giấy phép, không rõ nguồn gốc, chỉ cần… nói hay và biết chạy quảng cáo.
Trường hợp gây lo ngại hơn là sâm Ngọc Linh. Theo ông Lương Trọng Khoa, sáng lập Công ty CP Sâm Việt Nam, hiện có tới 90% kết quả tìm kiếm sâm Ngọc Linh trên mạng là hàng giả hoặc pha trộn tam thất, sâm Lai Châu. Người tiêu dùng rất khó phân biệt vì kiểm nghiệm chỉ yêu cầu chỉ tiêu saponin – một chất không đặc trưng riêng của sâm Ngọc Linh.
Cần siết trách nhiệm nền tảng số và thanh tra thực chất hơn
![]() |
PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM. Ảnh Báo NLĐ |
Lỗ hổng hiện nay không chỉ đến từ người bán, mà còn ở nền tảng số và lực lượng thanh tra – kiểm tra. Dù đã có Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định rõ trách nhiệm của người quảng cáo, xử phạt hành chính vẫn là biện pháp chính – chưa đủ sức răn đe.
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, để làm sạch thị trường, các sàn thương mại điện tử cần xây dựng quy trình kiểm duyệt sản phẩm chặt chẽ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data để tự động phát hiện sản phẩm vi phạm và khóa tài khoản vi phạm. Đồng thời, phải phối hợp cơ quan chức năng để chia sẻ dữ liệu, truy vết hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, ông Phong nhấn mạnh, chống hàng giả trên môi trường số là nhiệm vụ chung – không chỉ của Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng và cả truyền thông.
Tuy nhiên, cơ chế thanh tra hiện hành vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của thương mại điện tử. PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan – Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM – chia sẻ: “Thanh tra hiện vẫn mang tính hình thức, phải lập danh sách trước, trình phê duyệt, tạo điều kiện cho cơ sở chuẩn bị đối phó. Trong khi đó, thanh tra đột xuất thì quy trình lại phức tạp và gây áp lực giải trình, khiến không ai muốn làm”.
Bà Lan cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Chính sự chồng chéo và thiếu quyền hạn điều tra là lý do vì sao đa số vụ hàng giả lớn đều do công an phát hiện chứ không phải lực lượng thanh tra chuyên ngành”.
Trước tình hình đó, VECOM đã khởi động các chương trình phối hợp truyền thông, tập huấn pháp luật và hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ sở hữu trí tuệ. Người tiêu dùng được kêu gọi nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ sản phẩm, không ham rẻ và chủ động tố giác vi phạm.
Công nghệ đang là con dao hai lưỡi. Nó có thể giúp hàng giả lừa đảo người tiêu dùng bằng hình ảnh đẹp, lời quảng cáo mượt, nhưng cũng chính công nghệ – nếu được sử dụng đúng – sẽ là chìa khóa để làm sạch thị trường, khôi phục niềm tin. Muốn vậy, cần hành động đồng bộ từ thể chế, nền tảng số, doanh nghiệp cho đến từng người tiêu dùng – những người cuối cùng gánh chịu hậu quả nếu niềm tin bị đánh tráo bằng công nghệ.
![]() |
![]() |
![]() |