Gạo Việt Nam chinh phục thế giới: Bài toán vừa lượng, vừa chất trong xuất khẩu Từ chiến lược đến thị trường: Gạo Việt vươn tầm toàn cầu |
![]() |
Lễ xuất khẩu lô hàng “Gạo Việt xanh phát thải thấp” sang thị trường Nhật Bản. |
Kỳ tích giữa thách thức và động lực từ chính thị trường toàn cầu
Trong bối cảnh thị trường gạo toàn cầu dư cung, giá giảm, Việt Nam vẫn giữ vững phong độ xuất khẩu. Tính đến giữa năm 2025, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt kỷ lục 4,9 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so với cùng kỳ năm trước, giữa lúc Thái Lan bị ảnh hưởng nặng với mức giảm sản lượng lên đến 30%. Gạo Việt vẫn “chắc chân” ở các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, các nước châu Phi.
Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) – nhận định rằng: “Kỳ tích này đến từ sự khác biệt mà gạo Việt tạo ra nhiều năm qua với các bộ giống OM, ĐT có chất lượng vượt trội”. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế: Gạo Việt vẫn chưa định vị được thương hiệu rõ ràng tại các thị trường cao cấp. Đề án 1 triệu ha vì thế trở thành cú hích chiến lược giúp nâng tầm thương hiệu và mở rộng thị phần.
Lấy ngành cà phê làm ví dụ, ông Nam phân tích: Nhờ vào các mô hình canh tác bền vững theo chuẩn 4C, Việt Nam đang là nước đi đầu trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới như chống phá rừng (EUDR). Ngành gạo cũng hoàn toàn có thể học hỏi mô hình này: “Nếu chúng ta sản xuất được gạo vừa sạch vừa xanh, thì sẽ bắt trúng xu hướng tiêu dùng toàn cầu”.
Đề án 1 triệu ha: Từ thử nghiệm đến triển vọng phát triển bền vững
Ngày 5.6.2025, Việt Nam lần đầu tiên ra mắt thị trường thế giới sản phẩm "gạo phát thải thấp" mang thương hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp” từ Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL. Đặc biệt, lô hàng đầu tiên gồm 500 tấn gạo Japonica đã xuất thẳng vào thị trường khó tính bậc nhất là Nhật Bản với giá lên đến 820 USD/tấn – vượt xa mặt bằng chung.
Ông Phạm Thái Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty Trung An (Cần Thơ) – cho biết: Sau thành công đầu tiên, công ty dự kiến xuất tiếp 3.000 tấn sang Nhật và đang mở rộng sang Úc. Hai dự án quy mô lớn tại An Giang (50.000 ha) và Cần Thơ (15.000 ha) cũng đã được trình nộp, hướng đến mục tiêu 100.000 ha lúa phát thải thấp đến năm 2030. “Nhu cầu thị trường rất lớn. Hiệu quả đã rõ ràng. Cần bắt tay vào làm ngay chứ không thể thí điểm thêm nữa”, ông Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Trần Trương Tấn Tài – Tổng giám đốc Công ty Vinarice – kỳ vọng lớn vào xu hướng tiêu dùng mới. “Sản phẩm này hiện chỉ Việt Nam có. Đó là khác biệt lớn để tạo dựng thương hiệu gạo Việt”.
![]() |
Cơ giới hóa thu hoạch lúa trong mô hình của Đề án 1 triệu ha lúa tại HTX Nông nghiệp Hưng Lợi - Ảnh: VGP/LS |
Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ NN-MT Trần Thanh Nam cho biết: Trong vụ hè thu 2025, Bộ triển khai thêm 11 mô hình tại các vùng sinh thái khác nhau để đo giảm phát thải. Hiện tổng cộng 101 mô hình đã triển khai trên diện tích 4.518 ha, hiệu quả kinh tế tăng thêm 3 – 5 triệu đồng/ha. Riêng mô hình tại Đồng Tháp đạt năng suất 7,1 tấn/ha, lợi nhuận gần 28 triệu đồng/ha, giảm phát thải đến 3,13 tấn CO₂/ha/vụ.
TS Đào Minh Sô – Trưởng bộ môn Cây lương thực (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) – cho rằng: Đề án đã thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, giúp họ hướng đến canh tác bền vững, nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường. Trong khi đó, TS Trần Minh Hải – Phó Chủ tịch VIETRISA – nhấn mạnh: Muốn mở rộng quy mô sản xuất, cần nâng cao năng lực hợp tác xã, đồng nhất về giống và kỹ thuật để đảm bảo liên kết bền vững với doanh nghiệp.
Tư duy "nghĩ lớn, làm lớn" để vươn tới thị trường cao cấp
Tại cuộc làm việc ở Cần Thơ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đề án 1 triệu ha là sáng kiến chưa từng có trên thế giới, không chỉ mang ý nghĩa về sản xuất mà còn về chính trị và tinh thần quốc gia. Ông yêu cầu các địa phương hoàn thành quy hoạch vùng chuyên canh trong quý 3/2025 và các bộ ngành vào cuộc đồng bộ, từ vốn, quy trình kỹ thuật đến mở cửa thị trường.
Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ NN-MT hoàn thiện quy trình canh tác giảm phát thải, ban hành hướng dẫn đo đạc, báo cáo và thẩm định phát thải (MRV), đề xuất cơ chế tín chỉ carbon và xây dựng chiến lược thương hiệu gạo Việt phát thải thấp. Đây được xem là bước đi căn bản để đảm bảo tính minh bạch và khả năng tiếp cận thị trường quốc tế.
![]() |
'Gạo phát thải thấp - low carbon' của Việt Nam đã lên đường vào thị trường Nhật Bản vào ngày 5/6. Ảnh: Minh họa |
Ông Đỗ Hà Nam cho rằng: Muốn thành công ở các thị trường cao cấp như Nhật Bản, EU, Mỹ, Úc, Trung Quốc…, phải chọn giống lúa phù hợp như Japonica hoặc ST25. Nếu chỉ sản xuất giống thường, dù “xanh” nhưng vẫn khó đáp ứng khẩu vị và tiêu chuẩn của người tiêu dùng khó tính.
Theo ông Phạm Thái Bình, trong khi gạo phẩm cấp thấp đang dư thừa, thì gạo chất lượng cao – đặc biệt là phát thải thấp – lại khan hiếm. Nông dân đã nhận thấy lợi ích, nhiều hợp tác xã muốn tham gia Đề án. Điều cần nhất lúc này là khung pháp lý rõ ràng và quy hoạch vùng sản xuất để tạo sự ổn định.
“Bản thân là doanh nhân và Chủ tịch VFA, tôi kêu gọi các doanh nghiệp lớn cùng chung tay phát triển Đề án 1 triệu ha. Đây chính là hướng ra, là tương lai của ngành hàng gạo Việt”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông cũng đánh giá, việc sáp nhập các địa phương và xây dựng bộ máy chính quyền hai cấp tạo thuận lợi lớn trong quy hoạch vùng: nơi trồng lúa, nơi nuôi tôm, cây ăn trái… Đây là cơ hội để người Việt “nghĩ lớn, làm lớn” và tạo dấu ấn khác biệt trên thị trường quốc tế.
![]() |
![]() |