Gạo Việt Nam vẫn sẽ là nguồn nhập khẩu chính của Philippines Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam xanh, hướng tới thị trường cao cấp Từ chất lượng đến bền vững: Gạo Việt chuyển mình |
Thương hiệu gạo chưa theo kịp thị phần
![]() |
Gạo Việt Nam xuất khẩu sang Philippines đang chịu áp lực cạnh tranh từ Myanmar và Thái Lan. |
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 4,9 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,54 tỷ USD – tăng 7,6% về khối lượng nhưng giảm 12,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nghịch lý đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho ngành gạo: sản lượng tăng nhưng giá trị không tăng tương ứng, phản ánh rõ nét sự thiếu vững chắc trong mô hình tăng trưởng hiện tại.
Dẫn đầu thị phần tại Philippines – thị trường tiêu thụ lớn nhất với tỷ trọng 43,4%, nhưng gạo Việt lại đang chịu sức ép ngày càng lớn từ Myanmar, Thái Lan và cả Pakistan. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, lượng gạo nhập từ Myanmar vào Philippines tăng vọt lên gần 300.000 tấn – vượt qua cả Thái Lan để chiếm vị trí thứ hai. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines giảm 17,4%. Điều này cho thấy thị trường đang bắt đầu phân hóa rõ nét theo tiêu chí giá cả và chất lượng, trong đó các sản phẩm có thương hiệu mạnh hoặc giá rẻ đang chiếm ưu thế.
Ở chiều ngược lại, tại các thị trường châu Phi như Bờ Biển Ngà và Ghana, tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam lần lượt đạt 88,6% và 61,4%. Tuy nhiên, đây vẫn là những thị trường “mới nổi”, mang tính thử nghiệm và chưa đảm bảo đầu ra ổn định lâu dài. Đặc biệt, phần lớn các lô hàng gạo xuất sang châu Phi và một số nước Trung Đông vẫn mang tính hàng hóa thô, chưa gắn với thương hiệu rõ ràng.
Ông Bùi Lê Quốc Bảo – Tổng giám đốc Công ty cổ phần TCO Holdings nhận định: “Với tình hình hiện tại, xuất khẩu gạo năm 2025 nhiều khả năng sẽ giảm cả về lượng lẫn giá trị do dư địa không còn nhiều, trong khi thế giới đang bước vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt. Việt Nam cần đầu tư mạnh cho chiến lược thương hiệu nếu không muốn bị lép vế ngay cả ở thị trường truyền thống”.
Một thực tế đáng lưu tâm là giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2025 đã giảm mạnh, chỉ đạt 517,5 USD/tấn – giảm 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này phần nào phản ánh sự thiếu gắn kết giữa thương hiệu với giá trị gia tăng sản phẩm. Gạo Việt chủ yếu vẫn được định vị ở phân khúc trung cấp, chưa tạo được chỗ đứng trong nhóm sản phẩm cao cấp, có thương hiệu rõ ràng và khả năng định giá cao hơn.
Cần chiến lược xây dựng dài hạn
![]() |
Doanh nghiệp Việt cần đầu tư vào thương hiệu và chế biến sâu để nâng giá trị gạo xuất khẩu. |
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt là yếu tố sống còn. Gạo thơm, gạo hữu cơ hay các sản phẩm gạo chế biến sâu như bún, mì, phở… đều là những phân khúc tiềm năng để tạo dấu ấn thương hiệu.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: “Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào giá thấp để duy trì xuất khẩu. Cần nâng tầm giá trị bằng cách phát triển thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm, chuyển dịch sang các phân khúc cao cấp và tận dụng các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc”.
Thực tế cho thấy, các đối thủ như Thái Lan và Ấn Độ đang gặp bất lợi về thuế khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, lần lượt phải chịu thuế 36% và 26% với gạo thơm. Đây là lợi thế rõ rệt cho gạo Việt – nếu xây dựng được thương hiệu mạnh và đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam cần khai thác triệt để cơ hội từ các thị trường ngách, nơi người tiêu dùng có nhu cầu cao về gạo sạch, gạo hữu cơ và sản phẩm chế biến. Đặc biệt, trong bối cảnh người tiêu dùng toàn cầu ngày càng quan tâm đến truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng, các mô hình sản xuất gạo theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ và carbon thấp cần được nhân rộng.
Bên cạnh đó, bài toán hậu cần và logistics cũng cần được đặt lại. Hiện nay, chi phí vận chuyển và bảo quản gạo xuất khẩu còn cao, làm giảm năng lực cạnh tranh. Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận quỹ phát triển logistics nông sản, đồng thời nâng cấp hệ thống kho lạnh, bãi đóng gói và kết nối vận chuyển.
Về lâu dài, ngành gạo Việt cần có chiến lược bài bản về xây dựng thương hiệu vùng nguyên liệu, thay vì xuất khẩu dưới danh nghĩa doanh nghiệp riêng lẻ. Các địa phương như Đồng bằng sông Cửu Long – vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo – có thể đi đầu trong việc xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu vùng miền.
TS. Nguyễn Văn Nam – chuyên gia thương hiệu nông sản nhận định: “Gạo Việt Nam đã có chất lượng, điều cần nhất hiện nay là kể được câu chuyện thương hiệu. Từ giống lúa, quy trình canh tác đến cách chế biến và đóng gói – tất cả phải truyền tải được giá trị văn hóa, chất lượng và tính bền vững để tạo sự khác biệt với gạo của Thái Lan hay Ấn Độ”.
Trong khi các quốc gia khác đã đầu tư hàng thập kỷ để nâng tầm thương hiệu quốc gia về gạo, thì Việt Nam vẫn còn thiếu một chiến lược truyền thông quốc tế bài bản. Việc xây dựng hình ảnh gạo Việt không chỉ nằm ở doanh nghiệp mà cần sự vào cuộc đồng bộ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương và hệ thống thương vụ nước ngoài.
Gạo Việt đã có lợi thế về chất lượng và thị phần, nhưng nếu không xây dựng thương hiệu rõ ràng, bài bản và lâu dài thì rất dễ mất vị thế. Trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường lúa gạo thế giới, giá rẻ không còn là yếu tố quyết định – mà là giá trị thương hiệu. Việt Nam cần hành động nhanh và quyết liệt hơn nếu muốn giữ vững vai trò quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu.