Giành lại thị trường nội địa: Hàng Việt cần bệ đỡ vững vàng Đưa hàng Việt lên sàn Hoa Kỳ: Cơ hội lớn, cần bước đi đúng hướng Hàng Việt chiếm ưu thế nhưng chưa chiếm niềm tin |
Hàng Việt đón sóng xuất khẩu số trên nền tảng toàn cầu
![]() |
Thanh toán số linh hoạt giúp hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu qua các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Amazon. |
Năm 2024, thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu ghi nhận sự bùng nổ mạnh mẽ, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á – nơi Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới với mức tăng ổn định 18–25% mỗi năm. Đây không chỉ là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế số Việt Nam mà còn tạo đà cho hàng hóa Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế thông qua các nền tảng xuyên biên giới.
Theo Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh, xu hướng xuất khẩu qua các sàn quốc tế như Amazon, eBay, Alibaba đang ngày càng phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp Việt. Một số thương hiệu tiêu biểu như gốm sứ Minh Long, đồ gia dụng Sunhouse hay rong nho Trường Thọ đã hiện diện trên “quầy, kệ” TMĐT toàn cầu. Amazon ghi nhận, trong vòng 5 năm qua, số lượng sản phẩm từ Việt Nam tăng hơn 300%, phản ánh sức hút ngày càng lớn của hàng Việt với người tiêu dùng quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp Việt đã tận dụng thành công lợi thế này. Công ty Nhựa quốc tế Anh Tú từ năm 2011 đã xuất khẩu qua sàn TMĐT và hiện có mặt tại 10 thị trường lớn, trong đó có Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Hợp tác xã Kiên Thuận (Lào Cai) cũng ghi nhận doanh thu xuất khẩu đạt 1 triệu USD nhờ kênh bán hàng trên Alibaba.com. Các sản phẩm chè của hợp tác xã hiện đã có mặt tại Bắc Mỹ, Trung Đông – những thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng và thương hiệu.
TMĐT xuyên biên giới không chỉ đơn thuần là hoạt động bán hàng, mà còn là kênh giúp doanh nghiệp Việt giao lưu, học hỏi và nâng cao trình độ quản trị, đồng thời hoàn thiện chất lượng hàng hóa gắn với xuất xứ Việt Nam. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đang lấy TMĐT làm trụ cột trong chiến lược thương mại số.
Tuy nhiên, cạnh tranh trên sàn TMĐT toàn cầu cũng ngày càng khốc liệt. Theo nền tảng dữ liệu Metric.vn, trong năm 2024 có đến 165.000 cửa hàng phải rời bỏ thị trường do kinh doanh không hiệu quả. Lý do đến từ chiến lược chưa rõ ràng, danh mục sản phẩm chưa phù hợp thị hiếu, năng lực vận hành còn yếu. Ngoài ra, các chi phí quảng cáo, hoa hồng, thuế có thể chiếm tới 35–45% doanh thu, khiến nhiều đơn vị nhỏ lẻ khó trụ vững nếu không có chiến lược bài bản.
Để thích nghi và tồn tại, theo Tiến sĩ Anh Nguyễn – Đại học RMIT, nhà bán hàng cần linh hoạt hơn trong việc áp dụng công nghệ và chăm sóc khách hàng. Thay vì đầu tư ồ ạt vào quảng cáo trả phí, các nhà bán hàng nhỏ có thể khai thác livestream, video ngắn, tiếp thị liên kết qua Facebook, TikTok… để duy trì lợi nhuận và tăng doanh thu hiệu quả.
Nâng tầm thương hiệu Việt bằng chất lượng và bản sắc
![]() |
Tăng trải nghiệm người dùng, kể câu chuyện sản phẩm và xây dựng thương hiệu là yếu tố giúp hàng Việt nổi bật giữa thị trường toàn cầu. |
Không dừng lại ở yếu tố giá thành, hàng Việt Nam đang từng bước định hình vị thế trên thị trường số toàn cầu thông qua chất lượng vượt trội và những câu chuyện mang đậm bản sắc văn hóa. Từ chiếc nón lá thủ công đến tinh dầu từ thảo dược bản địa, hàng hóa Việt ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên Amazon, Etsy, Alibaba… như những đại diện của văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Theo ông Lê Đức Anh – Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Bộ Công Thương), người tiêu dùng quốc tế hiện nay đặc biệt quan tâm đến giá trị văn hóa, câu chuyện nguồn gốc của sản phẩm. Đây chính là thế mạnh của Việt Nam – một quốc gia có truyền thống thủ công lâu đời và nguồn nguyên liệu phong phú.
Nhiều doanh nghiệp đã biết tận dụng xu hướng cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng thông qua hình ảnh 360 độ, video kể chuyện, hoặc giới thiệu người thợ làng nghề. Điển hình như Công ty Thảo dược An Nhiên không chỉ bán trà và tinh dầu đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế, mà còn truyền tải câu chuyện về người Dao Đỏ, người H’Mông – những cộng đồng đang gìn giữ tri thức bản địa gắn với sản phẩm. Cách làm này giúp sản phẩm “có hồn” và tạo kết nối cảm xúc mạnh mẽ với người tiêu dùng quốc tế.
Bên cạnh yếu tố văn hóa, chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố cốt lõi. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư đạt các chứng nhận quốc tế như FDA, HACCP, EU Organic hay Fairtrade. Những chứng chỉ này vừa mở cửa vào các thị trường khó tính, vừa khẳng định cam kết chất lượng và uy tín thương hiệu.
Ông Trương Văn Cường, chuyên gia từ Amazon Global Selling Đông Nam Á đánh giá, Việt Nam có tiềm năng lớn trong các ngành hàng gắn với văn hóa như thời trang thổ cẩm, đồ gỗ, thực phẩm đặc sản… Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả, doanh nghiệp cần đầu tư nghiêm túc vào thương hiệu, tiêu chuẩn và logistics – ba trụ cột của TMĐT hiện đại.
Về góc độ quản trị, chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe cho rằng, Việt Nam cần một chiến lược quốc gia về phát triển thương hiệu sản phẩm gắn với văn hóa dân tộc, đồng thời đầu tư hạ tầng TMĐT – từ kho hàng thông minh, logistics đến nền tảng vận hành số – để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Cục TMĐT và Kinh tế số đang phát triển hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến (Ecomex), triển khai sàn TMĐT hợp nhất cho các tỉnh, thành qua nền tảng sanviet.vn, đồng thời phối hợp với Amazon thực hiện chương trình “Thương hiệu Việt tăng trưởng toàn cầu” giai đoạn 2025–2027.
Chương trình sẽ tổ chức 20 khóa đào tạo xúc tiến TMĐT cho 1.000 doanh nghiệp và hỗ trợ 30 thương hiệu quốc gia tăng cường hiện diện trên Amazon. Cục Xúc tiến Thương mại cũng đang tích cực tham mưu cho Bộ Công Thương trong việc ký kết hợp tác với các sàn TMĐT lớn, xây dựng gian hàng quốc gia Việt Nam, từ đó đưa hình ảnh và sản phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng quốc tế.