Giải pháp nào kích cầu tiêu dùng nội địa? Kích cầu tiêu dùng nội địa: Chìa khóa tăng trưởng bền vững năm 2025 Đề xuất giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026: Hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng |
Người dân chi tiêu nhiều hơn trước
![]() |
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Co.opmart trong dịp cao điểm giữa năm 2025, cho thấy sức mua nội địa đang phục hồi mạnh mẽ. |
Tình hình mua bán hàng hóa trong nước đang có dấu hiệu rất tích cực. Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong tháng 6 năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả nước đạt khoảng 570.200 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm đến nay, tổng số tiền chi tiêu của người dân cho mua sắm và dịch vụ lên tới 3,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,3% so với nửa đầu năm 2024.
Những con số này cho thấy người dân đã mạnh dạn mua sắm hơn sau thời gian khó khăn vì dịch bệnh. Không chỉ ở thành phố mà ngay cả vùng nông thôn, sức mua cũng đang tăng lên. Tâm lý tiêu dùng đã dần ổn định, người dân sẵn sàng chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu và cả sản phẩm chất lượng cao.
Nhiều chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu đáng mừng. Trong lúc hàng hóa xuất khẩu gặp khó vì các nước đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe, việc bán hàng trong nước trở thành chỗ dựa quan trọng giúp doanh nghiệp đứng vững. Không chỉ người sản xuất được hưởng lợi, mà người tiêu dùng cũng được tiếp cận nhiều mặt hàng đa dạng, giá cả hợp lý.
Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, nhận định rằng thị trường dịch vụ và bán lẻ sẽ tiếp tục là điểm sáng trong năm nay. Với dân số 100 triệu dân, đời sống ngày càng cải thiện, tầng lớp có thu nhập khá ngày càng đông – nên việc tiêu dùng trong nước sẽ còn tiếp tục tăng mạnh. Bà con nông dân cũng có thể thấy rõ điều này khi hàng hóa nông sản, thực phẩm và hàng thiết yếu ở quê ngày càng phong phú, giá cả được kiểm soát tốt.
Doanh nghiệp đẩy mạnh mở siêu thị mới
![]() |
Không gian trưng bày sản phẩm OCOP trong chuỗi bán lẻ hiện đại, góp phần kết nối hàng Việt đến người tiêu dùng mọi miền. |
Không chỉ người dân mua sắm nhiều hơn, mà các doanh nghiệp bán lẻ cũng đang mở rộng hoạt động trên khắp cả nước – kể cả ở vùng quê. Một ví dụ gần đây là Trung tâm thương mại Go! Hưng Yên chính thức khai trương vào ngày 16/7 vừa qua, sớm hơn tới 5 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Điều đáng nói là tại trung tâm này, Go! còn dành hẳn một khu vực riêng để trưng bày và bán các sản phẩm OCOP – tức là những đặc sản của các địa phương trên cả nước. Những sản phẩm quen thuộc với bà con như long nhãn, tương bần, hạt sen sấy giòn hay mật ong đều được bày bán tại đây. Điều này không chỉ giúp bà con tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt hơn, mà còn tạo thêm chỗ đứng cho hàng Việt trong các chuỗi siêu thị lớn.
Trong thời gian tới, Central Retail – đơn vị sở hữu hệ thống Go! – dự kiến mở thêm trung tâm thương mại tại Yên Bái. Trong khi đó, AEON – một thương hiệu lớn đến từ Nhật Bản – cũng có kế hoạch mở tới 100 điểm bán hàng tại Việt Nam từ nay đến năm 2030.
Các doanh nghiệp nội địa cũng rất tích cực. Saigon Co.op, đơn vị sở hữu hệ thống Co.opmart và Co.opFood, dự kiến mở thêm hơn 150 điểm bán trong năm 2025, nâng tổng số lên gần 1.000. Còn Bách Hóa Xanh – một chuỗi siêu thị quen thuộc với nhiều vùng nông thôn – đã có tới 2.180 cửa hàng tính đến cuối tháng 5. Trung bình mỗi ngày mở thêm 2–3 điểm bán mới.
Một đơn vị khác là WinCommerce (thuộc Tập đoàn Masan), dự kiến đạt mốc hơn 4.500 cửa hàng vào cuối năm nay, trong đó có đến 70% nằm ở khu vực nông thôn. Như vậy, không chỉ người dân ở thành phố mà bà con nông dân ở các vùng quê cũng ngày càng dễ tiếp cận với hàng hóa chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả ổn định.
Chuyên gia thương hiệu Vũ Tuấn Anh cho rằng việc các siêu thị đua nhau mở điểm bán mới là tín hiệu tích cực, thể hiện niềm tin vào thị trường tiêu dùng trong nước. Khi có nhiều kênh phân phối, bà con có thêm lựa chọn khi mua hàng, đồng thời các nhà sản xuất nông sản cũng có cơ hội đưa hàng vào chuỗi bán lẻ bài bản, thay vì phụ thuộc vào thương lái hay chợ truyền thống.
Khi việc xuất khẩu còn nhiều khó khăn, thì thị trường trong nước chính là hướng đi bền vững cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Đẩy mạnh bán hàng nội địa, mở rộng chuỗi siêu thị tới vùng nông thôn, kết nối sản phẩm OCOP vào hệ thống hiện đại – đó là những bước đi đúng đắn, giúp bà con yên tâm sản xuất, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, và kinh tế đất nước ổn định hơn trong thời gian tới.