Tiêu dùng nội địa phục hồi mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm Giải pháp nào kích cầu tiêu dùng nội địa theo hướng bền vững? Đầu tư công và tiêu dùng nội địa sẽ là đòn bẩy tăng trưởng năm 2025 |
![]() |
Giải pháp nào kích cầu tiêu dùng nội địa? Ảnh Internet |
Thị trường trong nước là "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp
Hôm 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện 47 về giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan, địa phương có giải pháp tăng kết nối, kích cầu tiêu dùng nội địa.
Công điện được ban hành trong bối cảnh từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình thế giới xuất hiện nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, chiến tranh thương mại xảy ra diện rộng, triển vọng kinh tế thế giới suy giảm… đặt ra nhiều khó khăn, thách thức.
Trong nước, căn cứ vào thực tiễn và yêu cầu phát triển đặt ra, theo đề xuất của Chính phủ, Trung ương, Bộ Chính trị đã có kết luận điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên và hai con số trong những năm tiếp theo, trên cơ sở đó Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết để triển khai thực hiện.
Tại "Hội nghị về các giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng", ông Trần Hữu Linh - cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước - nhấn mạnh vai trò then chốt của thị trường nội địa trong việc duy trì đà tăng trưởng.
"Thị trường trong nước không chỉ là nơi tiêu thụ sản phẩm mà còn là "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều thách thức, đặc biệt tại một số thị trường lớn đang áp dụng chính sách bảo hộ".
Theo ông Phan Văn Chinh - phó cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, thị trường nội địa là sự kết hợp giữa nguồn cung sản xuất, nhu cầu tiêu dùng và hệ thống phân phối. Việc phát triển hệ sinh thái phân phối từ chợ truyền thống đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hay nền tảng số là yếu tố thiết yếu để mở rộng tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng.
Cần nhiều giải pháp để gỡ khó
![]() |
Doanh nghiệp cần thích ứng nhanh với xu hướng mới. |
Ông Phan Văn Chinh, nhìn nhận các chương trình hỗ trợ như giảm thuế VAT, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp bán lẻ, thúc đẩy đầu tư công giúp tăng thu nhập cho người lao động trong các ngành xây dựng, hạ tầng qua đó thúc đẩy tiêu dùng.
Trước bối cảnh hiện tại, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi với xu hướng mua sắm online và nhu cầu về sản phẩm xanh, có nguồn gốc rõ ràng.
Ông Linh kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, doanh nghiệp và toàn xã hội để phát huy chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tài chính tín dụng - quản lý nhà nước. Từ đó, xây dựng thị trường nội địa năng động, hiện đại và bền vững.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan cho rằng, các doanh nghiệp ngành bán lẻ phải tích cực ứng dụng chuyển đổi số để bắt kịp xu thế về các chuỗi cung ứng liên kết chặt chẽ với nhau; triển khai bán hàng đa kênh, phục vụ du lịch, mua sắm, trải nghiệm của người dân. Từ đó, tăng niềm tin và kích cầu tiêu dùng của người dân.
Bên cạnh đó, giữa nhà sản xuất, hệ thống phân phối và người tiêu dùng cần kết hợp chặt chẽ với nhau nhằm hướng đến sản xuất xanh, tiêu dùng xanh. Tất cả hướng đến phục vụ quyền lợi của người tiêu dùng, khi đó người tiêu dùng sẽ có niềm tin vào sản phẩm.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân), để GDP đạt trên 8% và hướng đến tăng trưởng 2 con số thì tiêu dùng nội địa cần tăng khoảng 12%, cao hơn mức trung bình 8% của 5 – 10 năm qua. Vì vậy, kích cầu tiêu dùng trong nước trở thành ưu tiên hàng đầu, thông qua các chính sách giảm thuế, hỗ trợ lãi suất và đẩy mạnh chương trình khuyến khích chi tiêu.
Chính phủ đã tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đến hết ngày 30/6. Mới đây, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất mở rộng đối tượng giảm thuế VAT cho 6 tháng cuối năm nay và năm 2026.
Góc độ cơ quan quản lý, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng phối hợp với sở ngành ở địa phương, các doanh nghiệp để triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, kết hợp với việc triển khai chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Xây dựng chính sách và các chương trình kích cầu tiêu dùng, các chương trình khuyến khích mua sắm tập trung trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng để mang hàng hóa đến gần với người tiêu dùng hơn, cần có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, phân phối hàng hóa; hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp triển khai bán hàng trên sàn thương mại điện tử, online.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình bình ổn thị trường kết hợp với các chương trình kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại trong các giai đoạn tiêu dùng cao điểm để vừa góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát vừa kích cầu tiêu dùng.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản sang thị trường mới thay thế thị trường xuất khẩu đang gặp khó; phối hợp triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản tại các vùng trồng quy mô lớn.