![]() |
Xuất khẩu năm 2025 sẽ đối diện nhiều thách thức. |
Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do Trang VietnamBiz và Việt Nam Mới tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh ngày 8/11, các chuyên gia cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức liên quan đến rủi ro thương mại toàn cầu, song kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2025.
Xuất khẩu sẽ đối diện nhiều thách thức
Đây là nhận định của ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng ADB tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025. Theo ông Hùng, trong năm 2024, hai động lực tăng trưởng nổi bật là dòng vốn FDI tiếp tục duy trì xu hướng tích cực và xuất khẩu tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, với xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng khả quan một phần do dựa trên nền thấp của 2023.
Bước sang 2025, xu hướng chung của thị trường thế giới là hạ nhiệt, nên triển vọng tăng trưởng xuất khẩu 2025 có thể không duy trì được kết quả của 2024. Do đó, theo vị chuyên gia này, rất khó để trông chờ xuất khẩu tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng trong năm tới.
Mặt khác, đầu tư tư nhân trong nước cũng đang suy yếu, một phần thể hiện qua tăng trưởng tín dụng khó khăn. Cầu nội địa suy yếu thể hiện qua tiêu dùng chưa thực sự phục hồi.
“Trong khi đó, đầu tư nhà nước còn nhiều dư địa tăng trưởng. Do đó theo tôi, động lực tăng trưởng năm 2025 sẽ nằm trong tay Chính phủ, cụ thể là việc thúc đẩy mạnh mẽ chi tiêu chính phủ, bao gồm cả chi tiêu ngân sách và giải ngân đầu tư công. Điều này có thể kéo theo tiêu dùng nội địa và đầu tư tư nhân tăng thêm”, ông Nguyễn Bá Hùng nhận định.
Theo ông, động thái của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, cũng có thể tạo ra thách thức với xuất khẩu. "Các chủ trương của ông Trump nói, chúng ta khó có thể đánh giá liệu nó sẽ được tiến hành ở mức độ nào. Nhưng điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng thương mại thế giới. Do đó, xuất khẩu vốn là lĩnh vực đóng góp lớn với kinh tế Việt Nam, cũng sẽ gặp thách thức", ông Hùng phân tích.
"Theo đó, ngoài việc phát huy lợi thế đối ngoại, chúng ta cũng cần chú trọng kích cầu nội địa, để động lực tăng trưởng trở nên cân bằng hơn", ông Nguyễn Bá Hùng nhận định. Bên cạnh đó, một động lực quan trọng khác để tăng trưởng thời gian tới, theo ông, nằm trong tay Chính Phủ, đến từ việc giải ngân đầu tư công và chi tiêu ngân sách.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đến từ sự cải thiện nội lực
![]() |
Ông Phan Đức Hiếu. (Ảnh: Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025). |
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội khóa XV nhận định rằng cải cách thể chế cùng với các quyết sách dự án đầu tư mới sẽ là hai yếu tố then chốt mở ra kỳ vọng lạc quan cho những năm tiếp theo.
Ông Hiếu cho hay, về cải cách thể chế, Quốc hội dự kiến sẽ thực hiện nhiều nghị quyết thí điểm để giải quyết ngay các vấn đề cấp bách, chẳng hạn như nghị quyết thí điểm giải quyết vấn đề nhà ở thương mại.
“Theo luật đất đai hiện nay, để phát triển nhà ở thương mại, ngoài những dự án nhà nước đứng ra thu hồi đất thì nhà đầu tư (NĐT) chỉ có 2 cách triển khai là được thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất ở để làm nhà ở thương mại, chứ không được nhận thỏa thuận chuyển nhượng đất khác. Còn với NĐT đã đang có đất mà muốn chuyển mục đích đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thì theo quy định của luật đất đai, đất đó phải gồm cả hai loại đất đồng thời là đất ở và đất khác. Như vậy, các hình thức khác không được phép. Chính vì vậy, khi thông qua luật đất đai, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu việc cần thiết mở ra thêm các cơ hội khác để đầu tư nhà ở thương mại.
Hiện Chính phủ đã đệ trình Quốc hội thông qua một nghị quyết thí điểm, bao gồm việc cho phép các NĐT thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất khác mà không phải đất ở để phát triển nhà ở thương mại. Cùng đó, các NĐT đã có quỹ đất nay muốn chuyển mục đích để phát triển nhà ở thương mại thì cũng đặt ra thí điểm, ví dụ thí điểm loại đất gì. Nghị quyết thí điểm như vậy là mở hơn so với Luật Đất đai”, vị Đại biểu Quốc hội thông tin.
Về các quyết sách đầu tư công, ông Hiếu nhấn mạnh đến chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc Nam.
“Có thể không kỳ vọng nhiều vào hiệu quả tài chính từ dự án đường sắt tốc độ cao, tức là không kỳ vọng doanh thu thu về có thể bù đắp và có lãi. Hiện trên thế giới chỉ có 4 tuyến đường sắt có hiệu quả tài chính thôi.
Nhưng tôi kỳ vọng rất nhiều vào hiệu quả kinh tế xã hội tác động từ việc phát triển hệ thống đường sắt cao tốc này. Tôi kỳ vọng đó sẽ là động lực tạo nên những không gian kinh tế mới, bố trí lại các khu vực dân cư, đồng thời tạo ra những động lực phát triển kinh tế xã hội mới”, ông Hiếu nhận mạnh.
![]() |
![]() |
![]() |