Xuất nhập khẩu đến giữa tháng 10/2024 tăng trưởng tích cực Nhập khẩu tăng gần 8 lần, vì sao Campuchia vẫn không phải nhà cung cấp đậu tương lớn của Việt Nam? |
Kinh tế 10 tháng tăng trưởng ấn tượng, xuất siêu hơn 23,31 tỷ USD. |
Sáng 6/11, Tổng cục Thống kê công bố Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024. Theo đó, nhiều lĩnh vực đạt kết quả đáng ghi nhận, như: Thu hút đầu tư nước ngoài; xuất nhập khẩu; sản xuất công nghiệp; số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh.
10 tháng xuất siêu hơn 23,3 tỷ USD
Theo dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10 đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% (tương ứng tăng 3,35 tỷ USD) so với tháng 9. Ở chiều xuất khẩu vẫn duy trì được mức tăng 4,4%, với 35,59 tỷ USD và nhập khẩu đạt 33,6 tỷ USD, tăng 5,8%.
Lũy kế 10 tháng 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 648 tỷ USD, tăng 15,8%, tương ứng tăng 88,57 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 43,54 tỷ USD) và tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% (tương ứng tăng 45,03 tỷ USD), xuất siêu hơn 23,3 tỷ USD. Thương mại phục hồi tích cực, đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường lớn đều tăng 2 con số, nhờ đó cải thiện số thu ngân sách từ xuất nhập khẩu.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 10 năm 2024 ước đạt 5,91 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản 10 tháng đạt 15,21 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều mặt hàng nổi lên là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông sản. Cụ thể, khối lượng xuất khẩu gạo tháng 10 năm 2024 ước đạt 800.000 tấn với 505 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn với 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2024 ước đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước thì xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ đạt trên 8 triệu tấn vượt 5 tỷ USD.
Với mặt hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu cũng lập kỷ lục lịch sử khi thu về 6,34 tỷ USD chỉ trong 10 tháng, tăng mạnh 31,5% so với cùng kỳ năm 2023. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, xuất khẩu rau quả năm nay có thể vượt mốc 7 tỷ USD, tăng gần 20% so với năm ngoái.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhấn mạnh, Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay. Năm nay, chúng ta sẽ cán đích ở mức cao nhất về kim ngạch xuất khẩu nông sản. Tháng 10 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 5,91 tỷ USD. Hai tháng cuối năm, xuất khẩu chỉ cần đạt 5,5 tỷ USD/tháng, ngành nông nghiệp sẽ về đích 62 tỷ USD.
Trong lĩnh vực dệt may, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của ngành hàng này, chỉ sau Hoa Kỳ. Theo số liệu của EU, năm ngoái, EU nhập khẩu 115 tỷ Euro từ các nước thứ ba, giảm 17% so với năm 2022, trong đó 10 nhà cung cấp hàng đầu chiếm tới 82% (95 tỷ Euro). Trung Quốc, Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ là 3 nhà xuất khẩu hàng đầu sang EU, chiếm 69,1% thị phần, tiếp theo là Bangladesh ở mức 15,3% và Thổ Nhĩ Kỳ ở mức 12,8%. Việt Nam đứng thứ 6, đạt hơn 4,1 tỷ Euro, chiếm 4,3% thị phần.
Kinh tế EU bắt đầu hồi phục, sức mua được cải thiện đã thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong đó có hàng dệt may của Việt Nam. 9 tháng 2024, Việt Nam xuất khẩu sang EU27 một lượng hàng hóa trị giá 38,1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, dự kiến cả năm nay xấp xỉ 50 tỷ USD.
Những tháng cuối năm, cùng với các ngành hàng tiêu dùng khác, dệt may tiếp tục có cơ hội tăng trưởng tốt hơn nhờ nhu cầu gia tăng dịp lễ hội. Bên cạnh đó, hàng dệt may sang EU đang có những lợi thế hơn nhiều quốc gia xuất khẩu khác nhờ vào Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã bước sang năm thứ 5 thực thi.
Theo cam kết trong EVFTA, 100% hàng dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng thuế xuất nhập khẩu 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tạo động lực lớn cho việc mở rộng thị phần tại thị trường EU.
Hơn 202.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động
Cả nước có hơn 202.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 10 tháng. |
Tính riêng trong tháng 10, cả nước có gần 14.200 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 26,5% so với tháng trước.
Đồng thời, cũng trong tháng, gần 8.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 33,5% so với tháng trước và tăng 53,7% so với năm trước; 5.424 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 26,8% so với tháng trước.
Tính chung 10 tháng, cả nước có hơn 202.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 20.200 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Bên cạnh những điểm sáng trên, "bức tranh kinh tế" tháng 10 và 10 tháng cũng ghi nhận kết quả nổi bật đến từ một số lĩnh vực khác. Đơn cử như khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10 tăng cao, đạt 1,42 triệu lượt người, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng, khách quốc tế đạt hơn 14,1 triệu lượt người, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước; công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả; lạm phát được điểm soát; vận tải khách và hàng hóa tiếp tục mức tăng ấn tượng trong tháng 10, lần lượt là 8,8% và 13,2% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI tăng 1,9% so với năm trước
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/10/2024 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, đáng chú ý nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng ước đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng qua có 124 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 429,9 triệu USD, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước; có 21 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 43,2 triệu USD, giảm 75,1%.
Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 473,1 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Đối với đầu tư trong nước, từ đầu năm đến nay, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10/2024 ước đạt 68,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 495,9 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% kế hoạch năm và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 66,5% và tăng 24,6%).
Xuất nhập khẩu cả nước vượt mức 540 tỷ USD |
Xung lực mới cho hợp tác thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ |
7 doanh nghiệp trúng thầu nhập 121.000 tấn đường |