Kích cầu du lịch Thái Nguyên: Đa dạng sản phẩm, tăng cường trải nghiệm 4 điểm du lịch kín khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 |
![]() |
Kích cầu tiêu dùng nội địa: Chìa khóa tăng trưởng bền vững năm 2025. |
Doanh nghiệp chuyển hướng, thị trường nội địa lên ngôi
Trước những biến động địa chính trị và rủi ro về thuế quan, đặc biệt là chính sách áp thuế đối ứng tạm hoãn 90 ngày của Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động tái cơ cấu sản xuất, dồn lực cho thị trường nội địa. Từ chỗ chỉ dành 10–20% sản lượng cho thị trường trong nước, nay không ít doanh nghiệp đã tăng tỷ trọng này lên 95%, coi tiêu dùng nội địa là “cứu cánh” trong giai đoạn khó khăn.
Tổng Công ty May 10 là một trong những đơn vị tiên phong. Đại diện doanh nghiệp cho biết đã chuyển hướng từ phục vụ đơn hàng xuất khẩu sang thiết kế sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng Việt, đồng thời mở rộng hệ thống phân phối, đầu tư công nghệ để hạ giá thành và nâng cao năng suất. Những nỗ lực này đang mang lại hy vọng tăng trưởng mới, khơi dậy sức mua trong dân cư.
Theo ông Trần Anh Thắng (Eximbank), chính sách thuế mới của Hoa Kỳ với hàng Trung Quốc có thể khiến giá hàng nhập khẩu tăng mạnh, mở ra cơ hội cho hàng Việt chiếm lĩnh thị trường. “Đây là thời điểm vàng để phát động chiến dịch 'Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt' một cách thiết thực”, ông nhấn mạnh.
Phân tích từ Bộ Công Thương cũng cho thấy nội lực thị trường trong nước đang được củng cố. GDP quý I/2025 tăng 6,93%, tạo dư địa tích cực cho tiêu dùng. Việc đẩy mạnh đầu tư công đã cải thiện thu nhập, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, hạ tầng. Cùng với chính sách giảm thuế VAT, hỗ trợ lãi suất, nâng lương tối thiểu và phát triển thương mại điện tử, sức cầu nội địa đang từng bước phục hồi.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những thách thức còn tồn tại. Nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm vào siêu thị do chi phí và thủ tục phức tạp. Hạ tầng thương mại chưa đồng đều, logistics đắt đỏ, thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển nhanh khiến hàng ngoại dễ tiếp cận người tiêu dùng hơn. Bên cạnh đó, tâm lý thắt chặt chi tiêu, chỉ mua sắm hàng thiết yếu cũng ảnh hưởng đáng kể đến tổng mức bán lẻ.
Chính sách đồng bộ để đánh thức sức mua
![]() |
Ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). |
Nhằm tháo gỡ điểm nghẽn và “đánh thức” tiềm năng thị trường nội địa, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 08/CT-BCT yêu cầu các đơn vị, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp phấn đấu nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lên khoảng 12% trong năm 2025 – mức tăng cao hơn nhiều so với mức bình quân chưa bao giờ vượt 9% trong suốt thập kỷ qua.
Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước Trần Hữu Linh nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp trọng tâm: hoàn thiện chính sách pháp luật; nâng cao năng lực doanh nghiệp; tăng cường giám sát thị trường và xúc tiến thương mại; phát triển hạ tầng thương mại. Ông khẳng định việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thúc đẩy mô hình bán lẻ hiện đại (outlet, logistics) sẽ là “chìa khóa” để tăng sức cạnh tranh.
Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đang đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT từ 1/7/2025 đến hết năm 2026, mở rộng phạm vi áp dụng, đồng thời kêu gọi Quốc hội sớm thông qua để tạo động lực cho sản xuất - tiêu dùng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, trong 3 năm 2022–2024, chính sách giảm VAT đã giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm hơn 123.800 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dư nợ tín dụng tiêu dùng năm 2024 đạt gần 2,89 triệu tỷ đồng nhưng tỷ lệ lại giảm từ 15% xuống 12%, cho thấy sức mua phục hồi chưa mạnh. Theo ông Trần Anh Thắng, cần có các gói tín dụng ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh vay tiêu dùng xanh và triển khai chương trình trả góp 0% cho hàng Việt.
Tại Tọa đàm do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, các chuyên gia nhất trí rằng tiêu dùng nội địa là “pháo đài” chống lại bất ổn thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, để “pháo đài” này vững chắc, cần sự chung tay của Nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp. Như lời GS Trần Đình Thiên cảnh báo, nếu không kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, tiêu dùng nội địa sẽ khó đảm nhận vai trò trụ cột tăng trưởng trong giai đoạn đầy biến động.
![]() Một trong những giải pháp kích cầu quan trọng của Tỉnh Thái Nguyên là đa dạng sản phẩm dịch vụ du lịch để tạo sức ... |
![]() Hướng đến mục tiêu đón 5 – 5,5 triệu lượt khách và thu về 11.000 – 12.000 tỷ đồng trong năm 2025, TP. Huế đang ... |