Siêu thị, doanh nghiệp “tung chiêu” khuyến mại kích cầu mua sắm Tết Sức mua yếu, nhiều mặt hàng giảm giá tới 80% dịp cận Tết Bộ Công Thương: Dự kiến sức mua dịp Tết Giáp Thìn 2024 tăng trên 10% |
Các gian hàng bánh, kẹo, mứt Tết luôn chật kín người mua. Ảnh Chí Tâm |
Sức mua phục hồi
Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước đạt 524,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3% ), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,1%).
Tổng cục Thống kê nhận định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 1/2024 đạt quy mô cao hơn so với cùng kỳ các năm trước do nhu cầu tiêu dùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 407,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 22,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,4%; lương thực, thực phẩm tăng 6,2%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 2,5%; hàng may mặc tăng 1,5%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như Quảng Ninh tăng 11%; Hải Phòng tăng 10,4%; Đà Nẵng tăng 9,2%; Đồng Nai tăng 8,1%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,5%; Bình Dương tăng 7,0%; Hà Nội tăng 6,1%; Bình Định tăng 4,2%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 01/2024 ước đạt 58,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Đà Nẵng tăng 29,9%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 14,7%; Hà Nội tăng 10,8%; Thừa Thiên - Huế tăng 9,3%; Bắc Ninh tăng 8,1%; Bình Định tăng 7,0%; Bình Dương tăng 6,6%.
Doanh thu du lịch lữ hành tháng 01/2024 ước đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tháng 01/2024 của một số địa phương so với cùng kỳ năm trước như sau: Hà Nội tăng 24,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 22,8%; Đồng Nai tăng 9,1%; Quảng Ninh tăng 9%; Hải Phòng tăng 4,9%; Kiên Giang giảm 3,9%; Trà Vinh giảm 5,7%; Bình Thuận giảm 7,2%; Phú Yên giảm 24,6%.
Doanh thu dịch vụ khác tháng 01/2024 ước đạt 53,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể mức tăng, giảm tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 17,2%; Lâm Đồng tăng 15,3%; Cần Thơ tăng 13,7%; Kiên Giang tăng 11,8%; Hà Tĩnh tăng 10,8%; Bình Dương tăng 9,4%; Hải Phòng tăng 8,4%; Hà Hội tăng 6,5%; Ninh Bình tăng 5,3%; Thừa Thiên - Huế giảm 2,3%; Thái Nguyên giảm 5,8%; Phú Thọ giảm 8,8%; Đà Nẵng giảm 34,9%.
Tăng cường kiểm soát hàng hóa dịp Tết
Lực lượng chức năng niêm phong hàng hóa không rõ nguồn gốc của một cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh trên địa bàn huyện Phước Long - Bạc Liêu. Ảnh: T.Q |
Càng gần đến Tết Nguyên đán, thị trường các loại bánh, mứt, kẹo càng sôi động. Tuy nhiên, cùng với sự đa dạng về chủng loại, mối lo về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng gia tăng. Ngành chức năng ở các địa phương đang tăng cường kiểm tra kiểm soát nhằm ổn định thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian cao điểm trước, trong và sau Tết.
Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi gian lận thương mại (GLTM), các lực lượng chức năng trong tỉnh Bạc Liêu đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát.
Bên cạnh tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất - kinh doanh, các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng còn tăng cường kiểm soát trên các tuyến đường bộ lẫn đường sông để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa. Trong đó, tập trung vào các nhóm hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao, các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
Tại cửa hàng thời trang V. (Phường 7, TP. Bạc Liêu), đoàn kiểm tra đã phát hiện cửa hàng có nhiều vi phạm như: kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, nhiều mặt hàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Đoàn đã tiến hành niêm phong một số hàng hóa vi phạm.
Tại các chợ truyền thống - nơi tập trung lượng hàng hóa dồi dào trong dịp Tết, qua kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh tạp hóa, đoàn kiểm tra cũng phát hiện nhiều sản phẩm bánh kẹo không có nhãn, không có phụ đề tiếng Việt, không niêm yết giá; nhiều sản phẩm như mỹ phẩm, gia vị qua kiểm tra là hàng nhái, hàng kém chất lượng…
Đối với thực phẩm, để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, đoàn kiểm tra cũng đã tổ chức kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống, các kho đông lạnh có quy mô lớn trong địa bàn tỉnh, qua đó, phát hiện, thu giữ nhiều sản phẩm là thịt đông lạnh không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể như, qua kiểm tra tại hộ kinh doanh V.V (huyện Phước Long), đoàn kiểm tra phát hiện trên 200kg đùi tỏi gà đông lạnh có xuất xứ từ Mỹ không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, chưa xuất trình được hóa đơn, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Ngoài ra, còn phát hiện một số sản phẩm như chả cá, cánh gà, dồi trường… không có bao bì, nhãn và không niêm yết giá. Số thực phẩm này chủ yếu bán cho các khách hàng là quán ăn, quán nhậu, người bán hàng rong…
Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ thị trường ổn định, từ đầu tháng 12/2023 đến nay, các sở, ngành chức năng tỉnh Thái Bình đã tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, an toàn thực phẩm. Trong đó, riêng lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 120 vụ, phát hiện và xử lý 82 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 200 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, vi phạm quy định an toàn thực phẩm, về lĩnh vực y tế, giá, thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Thái Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình cho biết: Chúng tôi đang tiếp tục chỉ đạo và huy động lực lượng tập trung kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông hàng hóa trên địa bàn, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không để nảy sinh phức tạp trên địa bàn. Lực lượng quản lý thị trường sẽ đi sâu kiểm tra, xử lý vi phạm trong một số lĩnh vực, ngành hàng như thực phẩm công nghiệp, xăng dầu, quần áo, điện tử, điện lạnh... những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp tết để người dân yên tâm mua sắm, đón tết vui tươi.