Chính thức giảm thuế VAT đến 30/6/2025 Đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT 2% tới hết năm 2026 với nhiều hàng hoá |
![]() |
Đề xuất giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026: Hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng. Ảnh Hoàng Hà |
Ủng hộ giảm thuế trên tất cả mặt hàng đến cuối năm 2026
Chiều 21/5, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại tổ về một số dự án luật và dự thảo nghị quyết, trong đó có Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình cao với đề xuất của Chính phủ trong việc kéo dài chính sách giảm 2% thuế suất VAT đến hết năm 2026 và mở rộng áp dụng cho tất cả mặt hàng, thay vì chỉ một số nhóm như hiện hành.
Tại Tổ 2, nơi thảo luận của Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, phần lớn đại biểu đồng thuận với sự cần thiết phải tiếp tục ban hành nghị quyết giảm thuế VAT cho giai đoạn 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026. Đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh bất định của kinh tế toàn cầu, nhất là việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia, Việt Nam cần phát huy nội lực, thúc đẩy sản xuất – tiêu dùng nội địa để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% và hướng tới hai con số.
Theo ông Tuấn, chính sách giảm thuế VAT trong thời gian qua đã giúp nhiều doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo việc làm và kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý hiện vẫn chưa có đánh giá tổng thể về tác động của việc giảm thuế đến tiêu thụ hàng hóa, từ đó chưa đủ cơ sở để tối ưu hoá chính sách. Do vậy, ông đề xuất tiếp tục thực hiện nghị quyết giảm thuế đến hết năm 2026 và mở rộng đối tượng áp dụng trên toàn bộ hàng hóa, thay vì giới hạn.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng lo ngại giảm thuế sẽ làm giảm thu ngân sách là chưa thuyết phục. Thực tế triển khai vừa qua cho thấy, dù giảm thuế, nguồn thu ngân sách vẫn tăng nhờ sản xuất – tiêu dùng được kích thích mạnh mẽ. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, theo ông Ngân, cần thúc đẩy cả khối bán buôn – bán lẻ và tiêu dùng, nên chính sách giảm thuế VAT cần bao phủ toàn diện, kể cả các nhóm ngành như công nghệ, viễn thông.
![]() |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. |
Đề nghị đánh giá kỹ tác động, bảo đảm an toàn tài khóa
Tại Tổ 13 gồm các đoàn Hậu Giang, Bắc Ninh, Lào Cai, Đắk Lắk, đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) cũng bày tỏ thống nhất với đề xuất giảm thuế của Chính phủ. Ông cho rằng việc mở rộng diện áp dụng giảm thuế là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, đại biểu cũng nhấn mạnh cần đánh giá kỹ hơn tác động của chính sách đến nguồn thu ngân sách, bảo đảm mục tiêu ổn định tài khóa trung hạn, tránh ảnh hưởng đến các chính sách thuế khác như thuế bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt.
Ông đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để khắc phục bất cập, đặc biệt là đối với các lĩnh vực, nhóm hàng hóa đang bị loại trừ khỏi diện được giảm thuế. Chính sách cần rõ ràng, dễ thực hiện và thuận tiện cho người nộp thuế.
Chính phủ đề xuất kéo dài chính sách giảm thuế VAT đến 2026
Ngày 13/5/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Theo đó, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện đang áp dụng mức thuế 10% (giảm còn 8%), trừ các lĩnh vực như viễn thông, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, sản phẩm kim loại, khai khoáng (trừ than) và hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng). Thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, từ năm 2022 đến đầu 2025, chính sách giảm VAT đã được thực hiện và mang lại hiệu quả rõ rệt. Chính sách không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất mà còn tăng khả năng sinh lợi, qua đó thúc đẩy tiêu dùng, tạo công ăn việc làm và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Dự kiến số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 121.740 tỷ đồng trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026. Tuy nhiên, với hiệu ứng lan tỏa từ việc kích cầu tiêu dùng, tăng trưởng sản xuất và tạo việc làm, việc giảm thuế VAT được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch và các biến động toàn cầu.
![]() |
![]() |