Giành lại thị trường nội địa: Hàng Việt cần bệ đỡ vững vàng Xuất khẩu khởi sắc: Hàng Việt vươn tầm thế giới Đưa hàng Việt lên sàn Hoa Kỳ: Cơ hội lớn, cần bước đi đúng hướng |
Ưu tiên chưa đồng nghĩa với tin dùng tuyệt đối
![]() |
Người tiêu dùng đang lựa chọn sản phẩm tại siêu thị với quầy hàng đa dạng nhưng khó nhận diện thương hiệu Việt một cách rõ ràng. |
Sau 16 năm kể từ khi Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều kết quả đáng ghi nhận đã được xác lập. Theo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện hàng Việt chiếm khoảng 90% tại các điểm bán lẻ trong nước và từ 60–96% tại các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài. Sản phẩm nội địa ngày càng đa dạng về chủng loại, cải thiện rõ nét về chất lượng, mẫu mã hiện đại và giá cả cạnh tranh.
Tuy nhiên, mức độ hiện diện rộng rãi chưa đồng nghĩa với việc hàng Việt đã chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng. Các khảo sát thị trường gần đây cho thấy, vẫn còn một bộ phận không nhỏ khách hàng sính hàng ngoại – coi sản phẩm nhập khẩu là biểu tượng của chất lượng, uy tín và đẳng cấp. Quan niệm này đã tồn tại dai dẳng trên thị trường Việt Nam và trở thành rào cản vô hình đối với hàng nội.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ – lực lượng chiếm tỷ trọng lớn trong ngành hàng tiêu dùng – cũng gặp khó trong việc tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại. Các yêu cầu cao về chất lượng, bao bì, an toàn thực phẩm, chính sách hậu mãi hay quy trình đấu thầu nhiều khi vượt quá năng lực hiện tại của họ.
Một thách thức khác không thể bỏ qua là việc thiếu nhất quán trong nhận diện thương hiệu hàng Việt. Trên cùng một kệ hàng, người tiêu dùng khó phân biệt đâu là sản phẩm nội, đâu là sản phẩm ngoại. Các chứng nhận như “Hàng Việt Nam chất lượng cao” hay OCOP dù đã góp phần khẳng định giá trị sản phẩm, nhưng chưa tạo được sự đồng bộ và sức mạnh định vị tương đương các nhãn hiệu quốc tế như “Made in Japan” hay “Made in France”.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Thanh – Giám đốc Trung tâm Bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon Hà Đông – dù hàng Việt chiếm tới 85% tổng mặt hàng tại siêu thị, trong đó nhóm rau củ quả nội địa chiếm 95%, nhưng để tiêu thụ tốt, doanh nghiệp vẫn phải chủ động cải tiến mẫu mã, truyền thông thương hiệu và duy trì chất lượng ổn định.
Xây dựng thương hiệu mạnh để hàng Việt dẫn dắt thị trường
![]() |
Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm tại hội chợ thương mại – nỗ lực khẳng định chất lượng và xây dựng thương hiệu bền vững. |
Muốn chuyển từ “ưu tiên dùng” sang “lựa chọn mặc định” trong tiêu dùng nội địa, điều kiện tiên quyết là nâng cao giá trị thương hiệu hàng Việt. Theo bà Trần Thị Phương Lan – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, doanh nghiệp trong nước cần đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu – phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo hướng xanh, tuần hoàn và tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế. “Nếu chất lượng tốt, thương hiệu rõ ràng, giá cả hợp lý thì không có lý do gì người Việt lại không chọn hàng Việt”, bà Lan nhấn mạnh.
Cùng với đó, các chuyên gia cũng đề xuất cần phát triển đồng bộ hệ thống phân phối nội địa, bao gồm chuỗi siêu thị trong nước, kênh bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử. Một môi trường bán lẻ thuận lợi, minh bạch và công bằng là nền tảng để hàng Việt có năng lực thực sự được ưu tiên và phát triển. Nhà nước cũng cần đồng hành qua các chính sách hỗ trợ thiết thực như ưu đãi thuế, logistics, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước – tạo đà cho sản phẩm nội vươn xa cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Theo bà Lê Việt Nga – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp không nên chỉ trông chờ vào những chương trình khuyến mãi ngắn hạn. “Cần có chiến lược phát triển dài hạn, trong đó trọng tâm là xây dựng thương hiệu. Muốn vậy, doanh nghiệp phải tăng tốc chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị, tối ưu sản xuất để vừa kiểm soát giá thành, vừa nâng cao trải nghiệm khách hàng”, bà Nga phân tích.
Một tín hiệu tích cực là nhiều sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền hay nhãn hàng riêng của các chuỗi siêu thị nội như Co.op Mart, VinMart… đã và đang dần tạo được vị thế riêng trên thị trường. Những chiến dịch truyền thông như “Tự hào hàng Việt”, “Tháng hàng Việt”, “Lễ hội nông sản” không chỉ gia tăng mức độ hiện diện, mà còn giúp kết nối hiệu quả giữa nhà sản xuất – nhà phân phối – người tiêu dùng.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực sau hơn một thập kỷ rưỡi, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn cần một bước chuyển về chất. Thay vì đơn thuần vận động mang tính phong trào, giờ là lúc cần chuyển hóa thành hành động thực chất về kinh tế và thương hiệu. Chất lượng phải là nền tảng, thương hiệu phải là công cụ, còn niềm tin người tiêu dùng mới là thước đo thành công. Chỉ khi hàng Việt chinh phục được trái tim người tiêu dùng bằng năng lực nội tại, lựa chọn hàng Việt mới thực sự trở thành một phản xạ tự nhiên – không cần vận động, không cần khuyến mãi, không cần phân biệt.