Anh gia nhập CPTPP, trợ lực giúp tôm Việt sang Anh thuận lợi FTA mở rộng đường cho hàng Việt vươn xa Dệt may Việt chủ động đón cơ hội FTA |
![]() |
Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội mở rộng thị trường và định vị thương hiệu hàng hóa Việt trên bản đồ thương mại toàn cầu. |
FTA và CEPA: Cạnh tranh trong hội nhập, cơ hội định vị thương hiệu hàng Việt
Theo Quyết định 1970/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc khai thác các FTA thế hệ mới và CEPA sẽ được thực hiện theo hướng chuyên sâu, hỗ trợ doanh nghiệp tối đa để khai thác cơ hội thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu. Vào tháng 5/2025, Việt Nam và UAE đã ký CEPA, đánh dấu bước tiến quan trọng, dịch chuyển hợp tác kinh tế song phương sang tầm cao mới. CEPA cho phép xóa bỏ thuế với hơn 90% mặt hàng, tạo thuận lợi lớn cho các ngành dệt may, điện tử, nông sản, công nghệ cao.
Chỉ khoảng 37% doanh nghiệp Việt khai thác ưu đãi thuế quan từ các FTA hiện hành do khó khăn về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật. Với FTA thế hệ mới, doanh nghiệp càng buộc phải nâng cao năng lực quản trị chuỗi cung ứng, tuân thủ các cam kết khắt khe hơn về môi trường, lao động, minh bạch thông tin. Việc không tận dụng được các ưu đãi thuế quan khiến hàng hóa Việt Nam đối mặt với bất lợi về giá cả so với đối thủ cạnh tranh.
Các Cục chức năng thuộc Bộ Công Thương đang tăng cường cung cấp thông tin cập nhật cho doanh nghiệp, từ nguyên liệu, thị trường đến rào cản kỹ thuật, đặc biệt trong các ngành có tỷ trọng lớn như dệt may, nông sản, điện tử. Bên cạnh đó, việc xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu toàn diện về thông tin thị trường xuất khẩu cũng được chú trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin chuẩn xác, nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, các chương trình xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, không chỉ ở thị trường truyền thống như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản mà còn mở rộng sang các thị trường ngách và thị trường mới như Halal, Saudi Arabia, Ai Cập, UAE. Điều này góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.
Thử thách nâng cao năng lực cạnh tranh: Điều kiện tất yếu để định vị thương hiệu hàng Việt
FTA thế hệ mới đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ tuân thủ về thuế quan mà còn cả tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ. Trong bối cảnh các chính sách thuế quan mới như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU bắt đầu có hiệu lực từ năm 2026, doanh nghiệp buộc phải đầu tư vào chuyển đổi số, công nghệ sạch, giảm phát thải carbon nếu muốn duy trì khả năng xuất khẩu vào thị trường EU.
Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch hành động với các chương trình đồng bộ: hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, công nghệ, chuyển giao công nghệ, kết nối thương mại điện tử, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại chuyên sâu theo từng ngành hàng tại các thị trường trọng điểm như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN... đồng thời mở rộng xúc tiến sang thị trường Halal, Trung Đông, châu Phi.
Đáng chú ý, hoạt động xúc tiến thương mại nội địa cũng được chú trọng nhằm gia tăng tiêu thụ hàng hóa Việt, thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước. Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước chủ trì tổ chức các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới. Qua đó giúp người dân các địa phương tiếp cận, tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng tốt do Việt Nam sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Cùng với đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số được giao chủ trì phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế triển khai các chương trình kết nối thương mại điện tử, liên kết vùng trong thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trên môi trường trực tuyến. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất địa phương khi muốn mở rộng kênh bán hàng trực tuyến, nâng cao giá trị thương hiệu, hình ảnh địa phương cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ tại nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Chính việc tối ưu hóa đồng bộ chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp Việt định vị được thương hiệu trên bản đồ toàn cầu, từ thị trường truyền thống đến thị trường ngách như Trung Đông, châu Phi, Halal. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết vẫn là sự chủ động đổi mới của chính các doanh nghiệp, đi cùng với sự đồng hành sát sao từ các cơ quan chức năng. Nếu không tận dụng tốt các cam kết FTA, CEPA, hàng hóa Việt sẽ khó giữ vững vị thế trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.
![]() |
![]() |
![]() |