Hàng Việt mở rộng cánh cửa vào Á Âu Cơ hội cho hàng Việt ra thế giới Từ FTA thế hệ mới đến CEPA: Cơ hội và thách thức định vị thương hiệu hàng Việt |
Hàng Việt và những thách thức từ hội nhập
![]() |
Người tiêu dùng trẻ tại siêu thị hiện đại với lựa chọn đa dạng giữa hàng nội và hàng ngoại – minh chứng cho áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường nội địa. |
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thị trường nội địa không còn là “sân nhà” dễ bảo vệ cho hàng Việt như trước. Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã mở ra cánh cửa lớn cho hàng hóa từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam, đặc biệt trong hệ thống bán lẻ hiện đại và các kênh thương mại điện tử.
Theo Bộ Công Thương, tại nhiều chuỗi siêu thị lớn, tỷ lệ hàng ngoại nhập hiện chiếm từ 30–50%, đặc biệt trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh. Không chỉ vượt trội về giá cả, hàng ngoại còn đầu tư mạnh vào bao bì, hình ảnh và chiến lược truyền thông thương hiệu – những yếu tố mà phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn còn yếu hoặc triển khai rời rạc.
Ở góc độ người tiêu dùng, thế hệ trẻ Việt Nam ngày càng ưa chuộng sản phẩm ngoại, xem đó như một “chuẩn mực sống hiện đại”. Các khảo sát thị trường cho thấy người tiêu dùng trong độ tuổi 25–40 dễ bị ảnh hưởng bởi thương hiệu, trải nghiệm số hóa và các chiến dịch tiếp thị cá nhân hóa – những lợi thế mà hàng Việt hiện chưa theo kịp.
Ngay cả tại vùng nông thôn và thị trường truyền thống – từng được xem là “pháo đài cuối cùng” của hàng nội – xu hướng tiêu dùng hàng ngoại giá rẻ cũng đang gia tăng rõ rệt. Nhiều tiểu thương cho biết hàng ngoại hiện dễ nhập, dễ bán hơn nhờ chính sách phân phối linh hoạt và mạng lưới hậu cần hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế Hoàng Trọng Thủy nhận định: “Điểm yếu lớn nhất của hàng Việt hiện nay là thiếu tính đồng bộ từ sản xuất đến phân phối. Trong khi hàng ngoại có chiến lược rõ ràng, bài bản từ thiết kế sản phẩm đến kênh bán hàng, hàng Việt vẫn đang phụ thuộc nhiều vào lòng yêu nước – yếu tố chỉ hiệu quả trong giai đoạn đầu nhưng không thể là lợi thế cạnh tranh bền vững.”
Vấn đề đặt ra không chỉ là nâng cao chất lượng sản phẩm – vốn đã trở thành điều kiện tiên quyết trong cạnh tranh hiện đại – mà còn là yêu cầu cấp thiết phải kiến tạo lại hệ sinh thái hỗ trợ hàng Việt từ gốc rễ. Hệ sinh thái này không thể chỉ tồn tại dưới dạng các nỗ lực riêng lẻ, mà cần được thiết kế theo hướng liên thông, đồng bộ giữa các mắt xích cốt lõi: kênh phân phối hiện đại, logistics chuyên biệt cho hàng nội, truyền thông thương hiệu bài bản và hành lang chính sách ổn định, minh bạch. Chỉ khi các yếu tố này được phát triển một cách chuyên nghiệp và gắn kết, hàng Việt mới đủ năng lực giữ vững chỗ đứng trong nước và vươn ra khu vực.
Củng cố hệ sinh thái phân phối nội địa
![]() |
Gian hàng hàng Việt trên sàn thương mại điện tử được đầu tư hình ảnh, giúp doanh nghiệp nhỏ tiếp cận người tiêu dùng nhanh hơn trong thời đại số. |
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, việc củng cố hệ sinh thái phân phối hàng Việt trở thành yêu cầu sống còn. Đây không chỉ là câu chuyện của hạ tầng vật lý như chợ hay siêu thị, mà là sự chuyển dịch sang hệ sinh thái phân phối hiện đại – bao gồm sàn thương mại điện tử, trung tâm phân phối thông minh, logistics chuyên sâu và cơ sở dữ liệu thị trường nội địa.
Trong 5 năm qua, Bộ Công Thương đã tích cực thúc đẩy phát triển các kênh phân phối hàng Việt thông qua chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với chuyển đổi số. Các nền tảng như Tiki, Sendo, Postmart hay Voso đã mở rộng gian hàng Việt, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng.
Ở lĩnh vực logistics, việc đưa vào hoạt động 6 trung tâm logistics cấp I cùng hàng chục nghìn kho bãi trên cả nước đang giúp hàng Việt cắt giảm chi phí vận chuyển – đặc biệt với nhóm nông sản, thực phẩm vốn nhạy cảm về thời gian bảo quản. Tuy nhiên, sự kết nối liên vùng và tính đồng bộ giữa các khâu trong chuỗi giá trị vẫn còn hạn chế.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến giữa năm 2025, cả nước có hơn 1.200 siêu thị và trên 300 trung tâm thương mại – tăng gần 50% so với năm 2020. Đây là hệ thống phân phối quan trọng để tăng cường nhận diện thương hiệu và xây dựng niềm tin với người tiêu dùng. Song, đưa hàng Việt vào kênh phân phối hiện đại vẫn gặp nhiều rào cản, từ tiêu chuẩn kỹ thuật, khả năng quản trị chuỗi cung ứng đến năng lực tiếp thị.
Một thách thức khác là việc xây dựng thương hiệu cho hàng Việt còn yếu và manh mún. Nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn phụ thuộc vào nhà phân phối hoặc kênh bán lẻ truyền thống, chưa đầu tư bài bản cho xây dựng thương hiệu. Trong môi trường tiêu dùng hiện đại – nơi thương hiệu gắn với niềm tin và trải nghiệm – sự thiếu vắng nhận diện đồng nghĩa với mất lợi thế ngay tại thị trường nội địa.
Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh: “Không thể chỉ kêu gọi lòng yêu nước để bán hàng Việt. Muốn cạnh tranh dài hạn, cần sản phẩm chất lượng, hệ thống phân phối hiệu quả, chiến lược truyền thông rõ ràng và trải nghiệm người tiêu dùng nhất quán.”
Về phía chính sách, cần tiếp tục cải cách thể chế, minh bạch hóa quy trình kiểm định, hỗ trợ tín dụng và phát triển trung tâm nghiên cứu thị trường nội địa. Đặc biệt, các chính sách ưu tiên như quy hoạch hệ thống logistics, miễn giảm chi phí vận chuyển cho hàng Việt tại vùng sâu vùng xa, hoặc ưu đãi thuê mặt bằng cho sản phẩm nội địa tại trung tâm thương mại nên được cụ thể hóa và thực thi hiệu quả.
Hàng Việt đang đứng trước thời điểm chuyển mình quan trọng. Thị trường nội địa ngày nay không còn là “phao cứu sinh” mặc định cho doanh nghiệp trong nước. Chỉ khi được hậu thuẫn bởi một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện – từ sản xuất, logistics, thương hiệu đến thể chế – hàng Việt mới có thể giành lại niềm tin tiêu dùng và giữ vững vị thế trên chính sân nhà của mình.