Gia Lai đặt mục tiêu đến 2030 trồng khoảng 800 ha sâm Ngọc Linh Khi sâm Ngọc Linh hội nhập môi trường số 15 quốc gia tham gia Lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP.HCM 2024 |
Xây dựng, phát triển Sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao. |
Sâm Ngọc Linh - Sâm Việt Nam, là loại dược liệu quý hiếm, sánh ngang những loại sâm trên thế giới như sâm Hàn Quốc, sâm Mỹ, sâm Nga, sâm Canada... Bên cạnh đó, Sâm Ngọc Linh cũng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nhất trong số những loại cây trồng hiện nay, đặc tính của nó chỉ sống được ở dưới tán rừng tự nhiên, nên việc trồng Sâm Ngọc Linh còn giúp bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sống.
Thời gian qua, công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây Sâm Ngọc Linh được tỉnh Quảng Nam rất quan tâm. Địa phương đã kêu gọi và phối hợp thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học (cấp quốc gia, cấp tỉnh) ứng dụng vào thực tiễn, cơ bản làm chủ được công tác gieo ươm, chăm sóc cây giống, đáp ứng được một phần nhu cầu cây giống đạt chất lượng để cung ứng cho phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Điều đặc biệt là Sâm Ngọc Linh vượt trội hơn với hàm lượng Saponin cao gấp 3 lần so với sâm Triều Tiên và gấp đôi sâm Trung Quốc và Mỹ. Saponin là hoạt chất tăng cường cho sức khỏe. Điều này đã giúp Sâm Ngọc Linh trở thành một trong những loại nhân sâm tốt nhất trên thế giới. Ở thời điểm hiện tại, 1 héc ta Sâm Ngọc Linh trồng 5 năm có thể thu về 75 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Sâm Ngọc Linh vẫn chỉ được sử dụng ở dạng thô cả lá và củ. Cũng chưa có nhiều người được tiếp cận với loại dược liệu quý này bởi giá vẫn quá cao. Làm sao để Sâm Ngọc Linh và sản phẩm Sâm Ngọc Linh phổ biến và tiến tới xuất khẩu?. Đó là bài toán mà địa phương cùng các Bộ ngành liên quan phải tính đến.
Các nhà khoa học khẳng định, Sâm Ngọc Linh có 52 hợp chất Saponin cao vượt trội các loại sâm khác trên thế giới. Trong khi Hàn Quốc đã xây dựng được ngành công nghiệp sâm lớn mạnh, các sản phẩm có mặt tại hơn 90 quốc gia thì Việt Nam vẫn loay hoay với công tác bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu, chưa xây dựng được ngành công nghiệp sâm tạo ra giá trị gia tăng lớn.
Tiềm năng rất lớn nhưng cần làm gì để nâng tầm Sâm Ngọc Linh thành thương hiệu Sâm Việt Nam, đưa Sâm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp mang lại giá trị tỷ đô mới là điều đáng bàn?
Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh
Rà soát tình hình sử dụng môi trường rừng của các dự án trồng Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. |
Để sớm đưa cây Sâm Ngọc Linh thành cây trồng mũi nhọn, dẫn dắt nhiều ngành kinh tế khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh và vươn tầm thế giới, Tỉnh ủy Quảng Nam vừa ban hành hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035...
Theo đó, mục tiêu là bảo tồn, xây dựng và phát triển Sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực của tỉnh, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển đời sống kinh tế - xã hội cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; gắn việc bảo tồn, phát triển Sâm Ngọc Linh với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, phát huy bản sắc văn hóa địa phương, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Bước đầu hình thành công nghiệp dược liệu với Sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh nói riêng và khu vực miền Trung nói chung.
Phát triển vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My và các vùng di thực khác trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 8.400ha để cung cấp nguồn nguyên liệu cho Trung tâm công nghiệp dược liệu và phục vụ cho chế biến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Tổng sản lượng Sâm Ngọc Linh đạt khoảng 100 tấn Sâm củ từ 05 năm tuổi trở lên/năm (diện tích khai thác khoảng 300 - 350 ha/năm). Xây dựng các khu bảo tồn nguyên vị (in-situ) và vườn sưu tập (ex-situ) nguồn gen cây Sâm Ngọc Linh tại các vùng sinh thái điển hình này.
Nâng cấp 02 khu vực bảo tồn nguồn giống gốc Sâm Ngọc Linh tại Trạm Dược liệu Trà Linh và Trại Sâm Tắk-Ngo có quy mô sản xuất đạt từ 300.000 - 500.000 cây giống/năm để sản xuất, cung ứng nguồn cây giống đảm bảo về số lượng và đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Hình thành từ 30 - 50 vườn Sâm Ngọc Linh có quy mô lớn cho hộ gia đình và doanh nghiệp; sản xuất từ 05 - 10 triệu cây giống Sâm Ngọc Linh 01 năm tuổi/năm, kể cả nguồn cây giống do 02 đơn vị bảo tồn sản xuất.
Tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn của GACP-WHO (khoảng 15 - 30% diện tích sản xuất được chứng nhận GACP-WHO). Xây dựng, phát triển sản xuất Sâm Ngọc Linh đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của các nước xuất khẩu; đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể từ Sâm Ngọc Linh tại các nước dự kiến xuất khẩu và từng bước đưa sản phẩm Sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế.
Duy trì, phát triển diện tích trồng Sâm Ngọc Linh đạt 10.000ha, tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ công tác chế biến và cung cấp nguồn nguyên liệu cho Trung tâm công nghiệp dược liệu.
Quảng Nam trở thành Trung tâm sản xuất, cung ứng cây giống Sâm Ngọc Linh; ổn định vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh, tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn GACP-WHO (khoảng 35 - 40% diện tích sản xuất được chứng nhận GACP-WHO). Phát triển Sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Để thực hiện đạt mục tiêu nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đưa ra các giải pháp cụ thể như tập trung rà soát, triển khai thực hiện tốt quy hoạch, đề án, dự án và hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về công tác quản lý, bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh; xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại và đầu tư hạ tầng vùng Sâm; chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về phát triển và quảng bá thương hiệu Sâm Ngọc Linh; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về quản lý, bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh; hình thành công nghiệp dược liệu, công nghiệp Sâm; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền.
Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án để triển khai thực hiện; đồng thời, tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hằng năm về công tác quản lý, bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.