Kon Tum: Đầu tư hệ thống kiểm định sâm Ngọc Linh Một số phương pháp phân biệt sâm Ngọc Linh thật, giả Chuyên gia “vạch trần” sự thật hạt sâm Ngọc Linh giá siêu rẻ 2,3 triệu đồng/kg |
Sâm Ngọc Linh được bán với giá siêu rẻ trên chợ mạng |
Sâm Ngọc Linh giá chỉ tử 250.000 đồng/củ
Sâm Ngọc Linh được xem là quốc bảo của Việt Nam vì quý hiếm, dược tính cao. Nhiều năm qua, hạt, hoa, lá, củ sâm đều quý và giá tăng cao tới vài chục triệu đồng một củ.
Nhưng gần đây, chúng được đăng bán rầm rộ trên mạng với giá chỉ vài trăm nghìn đồng một củ hoặc một cây.
Báo Vnexpress thông tin, anh Hòa ở Lai Châu đang rao bán 2 kg sâm Ngọc Linh loại trên 7 năm tuổi với giá bán lẻ 250.000 đồng một củ và cho biết mỗi tháng có vài kg. Theo anh này, đây là giống sâm Ngọc Linh được anh nhập từ Kon Tum khi mới vài tháng tuổi và đem về Lai Châu trồng nhiều năm qua.
"Vườn nhà tôi khoảng vài nghìn cây, mỗi tháng cho 1-2 kg để bán ra thị trường. Khách có thể kiểm tra chất lượng mới thanh toán. Số lượng hạn chế nên nếu khách mua chậm sẽ không có hàng", anh Hòa nói.
Tương tự, một đầu mối khác tại Lai Châu cũng rao bán loại 5 năm tuổi với giá 300.000 đồng một củ. Ông này cho biết vì là hàng trồng nên giá rẻ hơn so với lấy từ rừng. Loại này có trọng lượng 50-70 gram một củ.
Ngoài bán củ, ông còn bán cây giống loại 3-4 năm tuổi với giá chỉ khoảng 200.000 đồng và combo 10 hạt giống sâm Ngọc Linh khoảng 50.000 đồng.
Không chỉ trên mạng xã hội, tại các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, củ, cây giống và hạt sâm Ngọc Linh cũng được rao bán với giá vài trăm nghìn đồng. Đặc biệt, tại các cửa hàng online, giá bán khoảng 200.000-300.000 đồng một cây 4 năm tuổi. Loại trên 5 năm tuổi bao gồm cả củ và lá nặng tới 250 gram giá là 649.000 đồng. Đây là mức giá rẻ gấp 80-85 lần so với loại sâm Ngọc Linh bán tại các công ty ở Kon Tum.
Trong khi đó, tại các nhà vườn sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, giá bán mỗi hạt dao động 110.000-120.000 đồng. Loại cây giống một năm tuổi có giá 280.000 đồng, 2 năm là 600.000 đồng, 3 năm là 1,2-1,5 triệu đồng, loại 4 năm tuổi là 2 triệu đồng.
Với sâm củ, loại có trọng lượng 50-70 gram, giá bán 7-12 triệu đồng 100 gram. Loại củ trọng lượng trên mức này có giá 14-15 triệu đồng 100 gram. Riêng với loại nặng 200 gam một củ, giá lên tới 30 triệu đồng 100 gram. Tuy nhiên, loại có trọng lượng lớn này rất hiếm và đa phần các hộ dân phải trồng trên 15 năm tuổi hoặc khai thác tự nhiên mới có hàng bán ra thị trường.
Cách phân biệt sâm Ngọc Linh thật giả
Phân biệt sâm Ngọc Linh thật và giả qua hình thái bên ngoài củ sâm |
Bà Đặng Thị Kim Thảo - nhà vườn sở hữu 2.000 cây sâm Ngọc Linh ở Kon Tum - cho rằng hàng rao bán trên mạng với giá rẻ đa phần là củ tam thất Trung Quốc hoặc sâm Lai Châu (chứa saponin rất thấp). Còn củ sâm Ngọc Linh tại Kon Tum giá rất cao vì chứa 52 loại saponin quý hiếm và chỉ chúng mới có hoạt chất MR2.
Quan sát các sản phẩm mà người bán đăng, bà Thảo cho biết nhìn sơ về hình ảnh chúng khá giống nhau nhưng tìm hiểu kỹ sẽ thấy lá, thân, hoa và rễ hoàn toàn khác. "Lá sâm Lai Châu thường to, tròn. Còn lá Ngọc Linh dài, mỏng manh, thân xanh (1 số cây rừng có thân hơi tím ). Lá sâm Ngọc Linh giả có mặt trước nhiều lông còn mặt sau ít lông hơn hàng thật", bà Thảo nói.
Về rễ củ, sâm Ngọc Linh thật có các mắt lõm sâu vào thân, không tròn hẳn và mọc lệch nhau. Khi rửa sạch củ có màu vàng nâu hoặc màu xanh xám. Trong khi sâm giả, các mắt dày, mọc thẳng hàng.
Ngoài ra, bà Thảo cho biết loại sâm Ngọc Linh trên 10 năm tuổi tại vườn trồng tự nhiên, củ to nhất cũng chỉ khoảng 100 gram, nhưng trên các trang mạng nhiều củ nặng tới 250 gram. Điều này cho thấy sản phẩm không đảm bảo chất lượng, nếu giống có nguồn gốc Ngọc Linh thì đây là hàng sử dụng chất kích thích mới có thể tạo củ có trọng lượng lớn như vậy.
Sau đây là một số lưu ý cơ bản nhất để phân biệt sâm Ngọc Linh thật giả.
Sâm Ngọc Linh tự nhiên thật nhiều mắt, các mắt sâm lõm vào thân và xếp so le nhau. Dùng dao cắt thân thành từng lát mỏng và quan sát bên trong thì thấy phần củ có màu vàng nhạt còn phần thân hơi tím hoặc xám nhạt. Các vân trên lát cắt đều, xơ nhỏ. Khi đưa lên miệng nếm có vị đắng, dư vị về sau thì ngọt. Sâm thật có mùi thơm nồng đặc trưng của sâm, chỉ cần đưa lát sâm lên mũi ngửi là có thể nhận biết được mùi này.
Ngoài ra, vỏ sâm Ngọc Linh rất mỏng và nhẵn, nếu rửa sạch thì sẽ thấy có màu nâu vàng hoặc xanh xám. Còn nếu như sờ vào các loại sâm giả thì vỏ dày, sần sùi, bì bì, màu giống màu da tê giác.
Sâm Ngọc Linh trồng tự nhiên tại các vùng chuyên canh có hình dạng hơi khác với sâm được mọc tự nhiên. Kích thước và hình dáng sâm trồng khá đồng đều. Sâm trồng thì xung quanh thân có các nốt sẹo, rễ con phồng lên chứa chất dinh dưỡng nuôi cây nên tạo thành những cục, loại sâm trồng này có nhiều rễ, ít mắt hơn sâm tự nhiên và phần thân nhỏ hơn về phần củ.
Còn về phân biệt sâm Ngọc Linh và củ tam thất. Hình dạng thân của tam thất loằng ngoằng và dài hơn sâm Ngọc Linh. Trên thân tam thất hoang có chứa nhiều mắt. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng không phát hiện ra vì người bán lấy tam thất về đã bẻ hết các mắt, chỉ để lại một nhánh cho giống sâm Ngọc Linh thật. Tam thất không có củ chính, nếu có thì cũng nhỏ và hiếm rễ con bám quanh củ. Tam thất có vị đắng, cứng và nhiều xơ hơn so với sâm Ngọc Linh thật.
Trên thị trường hiện nay sâm Ngọc linh thật giả lẫn lộn. Nếu không có kĩ năng phân biệt thì khách hàng khó có thể nhìn ra. Vì vậy khi mua người tiêu dùng nên tiếp cận với những cơ sở uy tín, tránh mua đại trà với giá rẻ bất ngờ, vì giá quá rẻ so với mặt bằng chung thì chắc chắn là sâm giả hoặc là đã bị lấy đi hết dưỡng chất có trong sâm.
Cây sâm Ngọc Linh đạt kỷ lục với giá bán 868 triệu đồng có gì đặc biệt? |
Xe sang, sâm Ngọc Linh gây sốt thị trường tuần qua |
Sâm Ngọc Linh Sơn La – Tấm chân tình của người con vùng đất Mai Sơn |