Sâm Ngọc Linh Sơn La – Tấm chân tình của người con vùng đất Mai Sơn Kon Tum: Đầu tư hệ thống kiểm định sâm Ngọc Linh Một số phương pháp phân biệt sâm Ngọc Linh thật, giả |
Hạt sâm Ngọc Linh được bán giá 2,3 triệu đồng/kg trên chợ mạng |
Từng là loại cây mọc hoang dại trên dãy núi Ngọc Linh thuộc địa phận của tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, sâm Ngọc Linh được các nhà khoa học phát hiện và xác định là một trong 5 loại nhân sâm tốt nhất thế giới.
Chính vì vậy, hạt sâm Ngọc Linh cũng trở thành loại hạt đắt nhất Việt Nam khi có giá đắt hơn vàng, lên đến 110-120 nghìn đồng/hạt. Trung bình, cứ khoảng trên 2.000 hạt sẽ được 1kg. Như vậy, 1kg hạt sâm Ngọc Linh sẽ có giá từ 220-240 triệu đồng.
Với giá trị cao nên thời gian gần đây, trên các chợ online và các trang thương mại điện tử, hạt sâm Ngọc Linh bất ngờ được rao bán với giá rẻ chưa từng có, chỉ từ 5 nghìn đồng/hạt.
“Hạt sâm Ngọc Linh giá chỉ 100 nghìn đồng 20 hạt. Nếu khách mua số lượng lớn, giá chỉ 2,5 triệu đồng/kg. Hạt đã sấy khô, về chỉ việc gieo xuống là tỷ lệ mọc mầm 100%”, một người bán hạt sâm Ngọc Linh trên chợ online rao.
Không chỉ vậy, trên các trang thương mại điện tử, hạt sâm Ngọc Linh cũng được rao bán với giá rất rẻ, sẵn hàng từ 5-10kg. Khi được hỏi, người bán nào cũng cam kết hàng chuẩn 100% nhưng làm cách nào để biết hàng chuẩn hay không thì lại không trả lời được.
Tương tự, một đầu mối tên Diệu Linh chuyên đặc sản vùng cao Tây Bắc ở Thanh Xuân (Hà Nội), dịp này cũng liên tục rao bán hạt sâm Ngọc Linh với giá từ 2,3-2,6 triệu đồng/kg tùy loại.
Theo chị Linh, mỗi năm chỉ có một mùa cây sâm Ngọc Linh cho hạt. Loại hạt này khi chín đỏ có vị ngọt và thơm đậm. Do đó, có thể dùng hạt sâm để ngâm rượu dùng, hoặc đem hạt gieo trồng lấy củ và lá.
"Đang vào mùa thu hoạch nên hạt chín đỏ. Khách thường đặt mua 1-2kg về ngâm rượu hoặc hãm nước uống", chị Linh nói. Thế nên, tuần trước chị về được 3 chuyến hàng, ước khoảng 40kg hạt sâm.
Đây được xem là mức giá rẻ khó tin, bởi hạt sâm Ngọc Linh trồng ở Quảng Nam hay Kon Tum thường có giá từ 200-240 triệu đồng/kg, bán theo hạt giá lên tới 100.000 đồng/hạt.
Hạt sâm Ngọc Linh trồng ở Quảng Nam hay Kon Tum thường có giá từ 200-240 triệu đồng/kg |
Trả lời báo chí, chị Nguyễn Thị Hồng Thương, trú tại xã Trà cang, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, giá hạt sâm Ngọc Linh tại vườn nhà chị hiện tại là 110-130 nghìn đồng/hạt mà không đủ hàng để bán.
“Mỗi cây sâm Ngọc Linh trồng 4 năm mới ra hoa và đậu quả, mỗi cây chỉ cho một nhánh, rất ít cây cho 2-3 nhánh mà mỗi nhánh cho đúng 1 bông. Có cây thì cho vài chục hạt, có cây chỉ vài hạt, thậm chí là không có hạt”, chị Thương phân tích.
Bên cạnh đó, hầu hết người trồng sâm ở vùng núi Ngọc Linh đều sẽ giữ lại hạt để ươm cây chứ rất ít người bán. Vì vậy, loại hạt này lúc nào cũng khan hiếm và “cháy hàng”, không có để rao bán với giá “rẻ như cho” trên các chợ online.
Chị Thảo - chủ vườn 10 ha sâm Ngọc Linh ở Kon Tum - cho biết năm nay số lượng cây ra hoa, đậu hạt không nhiều nên sản lượng hạt sâm thấp. "Mùa này, vườn nhà tôi chỉ thu được khoảng 500 hạt. Các đầu mối đặt mua với giá 110.000 đồng một hạt nhưng tôi không bán mà để nhân giống", chị Thảo nói.
Nhiều nhà vườn ở Kon Tum khác cũng cho biết số lượng cây sâm lâu năm chưa nhiều, sản lượng hạt rất thấp và đa phần để nhân giống chứ không bán ra ngoài. Do đó, những đầu mối rao bán với giá siêu rẻ chắc chắn không phải 100% sâm Ngọc Linh.
Một cây sâm cho hạt đang chín màu đỏ |
Trả lời báo VnExpress, ông Trần Đức An, Giám đốc Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, Kon Tum, cho biết hoa, hạt, lá và củ sâm Ngọc Linh rất hiếm. Tỷ lệ gieo trồng để sống sót của giống này không nhiều.
Theo ông, thông thường cây sâm Ngọc Linh trồng 4 năm mới ra hoa và đậu quả. Khi đến mùa, mỗi nhánh sẽ có một bông. Tuy nhiên, cây sâm Ngọc Linh thường chỉ có một nhánh, rất ít cây có 2-3 nhánh. Thế nên, lượng hoa lại càng ít và lượt quả đậu không nhiều, số hạt còn sót lại trên hoa thưa thớt chứ không dày như sâm trồng ở Lai Châu hay Vân Nam (Trung Quốc). Bên cạnh đó, đa phần các hộ trồng sâm Ngọc Linh ở Kon Tum lấy hạt để nhân giống, ít bán ra thị trường. Do đó, việc các đầu mối rao bán hạt sâm với giá 5.000 đồng, theo ông An không phải sâm Ngọc Linh chuẩn.
Ông An khuyên, để mua đúng hàng thuần chủng, người tiêu dùng nên chọn lọc cây giống chuẩn hoặc kiểm tra ADN của sản phẩm mua mới phân biệt được chắc chắn đâu là hàng Ngọc Linh chuẩn và đâu là hàng Trung Quốc.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin, bình quân mỗi cây sâm Ngọc Linh ra hoa kết trái đến khi chín cho khoảng 30 đến 40 hạt. Mỗi lon hạt tương đương khoảng 1.000 hạt, cách đây 2 năm có giá hơn 40 triệu đồng, còn hiện nay hạt giống sâm được bà con bán tính theo hạt, mỗi hạt giống sâm có giá trên 100 nghìn đồng.
Tại tọa đàm "Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam" mới đây, cơ quan chức năng các địa phương thừa nhận, củ sâm, hạt sâm, cây giống sâm Trung Quốc đang tràn sang Việt Nam bán với giá rẻ.
Trả lời Báo Tuổi Trẻ, ông Võ Trung Mạnh - chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) - cho hay huyện đã phát hiện nhiều trang mạng xã hội đăng tải hình ảnh và thông tin theo ông là không đúng sự thật về giá lá, hạt sâm Ngọc Linh.
Cụ thể trang "Green Farm" đăng bán một hạt sâm Ngọc Linh giá 10.000 đồng, khi mua số lượng lớn (combo) còn được tặng thêm quà tặng.
Trang này đăng bán 50 hạt sâm với giá 150.000 đồng tặng thêm thuốc kích rễ và công thức ươm trồng; 100 hạt với giá 300.000 đồng tặng thêm 10 hạt, thuốc kích rễ và công thức ươm trồng; 150 hạt với giá 450.000 đồng, tặng 20 hạt, thuốc kích rễ và công thức ươm trồng. Còn cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi rao bán với giá 300.000 đồng/cây.
Ông Mạnh khẳng định các thông tin trên là không đúng sự thật. Theo ông, trên thị trường nếu mua với số lượng 100 hạt thì giá phải từ 10-12 triệu đồng.