Từ một loài cỏ dại mọc khắp các cánh đồng ngập mặn, phèn ở miền Tây, cây năng giờ đã thành một thứ đặc sản trời cho, giúp nhiều nông dân có thu nhập khá. |
Cây năng có tên khoa học là Eleocharis Dulcis, thuộc họ Cói. Loài cây này còn có một số tên gọi khác như Cây năn bộp, cây năn, cây mã thầy,... Chúng xuất hiện rất phổ biến tại nhiều quốc gia có khí hậu nhiệt đới ở châu Á, châu Phi. Cây năng tại Việt Nam xuất hiện phổ biến ở các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Cà Mau… song nơi có nhiều nhất có lẽ là vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng.
Đối với người dân miền Tây sông nước trù phú là vậy nhưng cũng có nhiều nơi đất trũng nhiễm phèn, nhiễm mặn khiến bà con nông dân không thể canh tác được bất kỳ loại cây trồng nào khác, cuộc sống vì thế mà trở nên khó khăn hơn. Song, ông trời thật sự không lấy hết của ai cái gì, những vùng đất này không thể trồng lúa nhưng bù lại cây năng cứ thế sinh sôi như một loài cây hoang dại.
Những bãi cây năng ngâm mình trong nước |
Đã có một thời, cây năng bị phá bỏ để trồng lúa nhưng không được, ngược lại khi năng ăn không hết bà con đem bán cho thương lái được giá cao nên phấn khởi hơn, cùng với đó, cuộc sống phát triển, nhu cầu tìm lại những món rau quê càng nhiều nên bà con đã mở rộng thêm diện tích trồng năng để tăng thêm thu nhập, đồng thời lưu giữ món sản vật quê hương.
Chạy dọc đường quốc lộ về phía Cà Mau, đi ngang khu vực Ngã Năm (Sóc Trăng) hay Hồng Dân, Giá Rai (Bạc Liêu) và về tới một số địa phương ở Cà Mau thấy những đám năng ngút ngàn trải dài cao quá đầu người ngâm sâu trong bùn lầy và lớn lên.
Năn bộp mọc nhiều ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. |
Cây năng có chiều dài từ 1-2m, thân màu xanh lục, thuôn dài và vót nhọn khi lên tới đỉnh ngọn. Bên trong thân đọt rỗng, bề ngang khá mập mạp nên khi ăn khá mọng nước, gần giống như dọc mùng. Loài thực vật này sinh sống phổ biến ở những nơi có nguồn nước nhiễm phèn vàng.
Cây năng mỗi năm có 2 mùa vụ, trong đó mùa nước nổi từ tháng 6 cho đến tháng 8 âm lịch là mùa chính, bà con nông dân rủ nhau đi thu hoạch về để bán cho thương lái, sau đó thương lái sẽ bán ra chợ đầu mối hoặc bán cho các nhà hàng, quán ăn,...
Người miền Tây thu hoạch đọt năng nhiều hơn mầm hoặc củ năng. |
Hiện giá bán rau năng trên nhiều khu chợ đang ở mức 120.000 đồng/kg. Nhiều hộ gia đình có thể sinh sống tốt với nghề trồng và thu hoạch rau năng. Chỉ với vài công đất trồng rau, người dân có thể thu về cả chục triệu đồng/tháng cực dễ dàng.
Rau năng chất lượng tốt nhất sẽ thường được hái vào ban đêm. Bởi nếu hái rau sau 6h sáng sẽ khiến chất lượng giảm sút, cây rau bị già đi nhiều và không còn ngon nữa. Vì thế cứ đến mùa thu hoạch năng là người dân gần như phải thức trắng đêm để thu hoạch cho kịp thời gian.
Đọt năn sau khi bóc tách hết vỏ có thể chế biến nhiều món ngon. |
Thay vì sử dụng củ năng hay mầm năng như những nơi khác, người miền Tây chủ yếu thu hoạch đọt năng chế biến ra nhiều món như gỏi, làm dưa chua, nhúng lẩu hoặc thậm chí ăn sống... Những người con xa quê lâu ngày về chẳng cần gì cao sang, đôi khi chỉ là vài món dân dã đậm miền xứ sở, dĩa dưa chua đọt năng, đọt năng xào tôm đất thơm ngọt cũng đủ nao lòng.
Nhìn những đọt năng non mởn, trắng mỡ chính là thành quả lao động vất vả của bà con nông dân, cả một ngày miệt mài trầm mình dưới nước sình bẻ cây năng, sau đó mới lột tách các lớp vỏ cứng bên ngoài để cho ra bó năng ngon mắt.
Năn bộp được chế biến thành các món ăn đa dạng. |
Bà con thu hoạch cây năng vào mùa nước nổi, lúc này cây năng sinh trưởng và phát triển rất mạnh, khi mùa mưa kết thúc cũng chấm dứt mùa năng. Bởi vậy, dù đi đường xa mùa này rất cực nhưng nhiều người vẫn khoái chạy xe về quê. Dù phải đội mưa về nhưng khi về đến nhà đã được mẹ chờ sẵn trên mâm cơm nóng hổi với những đặc sản mùa nước lũ, đĩa năng xào tép còn nóng hổi bốc khói nghi ngút có mùi tiêu nồng xộc lên mũi đã đủ ấm lòng.
Quây quần bên mâm cơm gia đình còn có ông bà, cha mẹ, có anh chị em cùng các món ăn quê mẹ nấu, có tiếng mưa tí tách rơi ngoài hiên nhà là điều tuyệt vời nhất đối với mỗi người.
Đọt năng có thể để ăn sống chấm với các món kho, cá rô chiên giòn, cá trê hay cá lóc nướng trui để cảm nhận hết hương vị ngọt ngào xen chút the the của mùi đất sình đã ngấm trong da thịt loại "cỏ dại" này.
Dưa chua đọt năng muối được làm vào dịp Tết ăn cùng thịt kho, bánh tét giúp đỡ ngán hơn, khi chua quá ăn không kịp còn có thể đem xào như dưa cải chua cũng không tồi.
Đọt năng xào tép ngon mê lòng. |
Hay như năng xào tép bạc, tôm đất lột vỏ rắc thêm miếng tiêu, miếng hành lá xắt nhuyễn cũng rất bắt cơm, sang hơn chút nữa có món cháo gỏi hoặc trộn gỏi không thôi cũng hấp dẫn, gỏi gà, gỏi vịt, gỏi tôm thịt đọt năng,... nghe thôi đã không cưỡng lại được.
Tiếp theo phải kể đến đọt năng nhúng lẩu, lẩu ngọt hay lẩu chua đều có thể ăn với đọt năng và tạo ra hương vị đặc trưng không bị hòa tan vào bất kỳ hương vị nào khác, nươc lẩu ngọt hay chua đọt năng cũng vẫn có độ giòn xốp nhất định. Đọt năng còn được đem đi làm nhân bánh bèo cùng thịt vịt bằm có vị ngọt thơm riêng biệt không phải lúc nào cũng có.