Ngành dừa sẵn sàng chinh phục cột mốc tỷ đô Ngành dừa trước ngưỡng tái cấu trúc bắt buộc Ngành dừa tỷ đô và nghịch lý nhập khẩu |
Giá dừa tăng cao mở ra cơ hội lớn cho nông dân
![]() |
Thu hoạch dừa tại vùng nguyên liệu trọng điểm của Việt Nam. |
Khoảng vài tháng gần đây, giá dừa khô và dừa uống nước tại Đồng bằng sông Cửu Long liên tục duy trì ở mức cao. Có thời điểm, giá dừa khô thu mua tại tỉnh Vĩnh Long lên tới 220.000 đồng/chục (12 trái), giúp nhiều nhà vườn phấn khởi. Hiện nay, dù giá giảm nhẹ xuống còn khoảng 160.000 – 170.000 đồng/chục, không khí trao đổi, bàn luận về giá dừa vẫn diễn ra khắp nơi – từ chợ đến quán cà phê.
Ông Phạm Trọng Kiên, một nông dân tại xã Đồng Khởi (tỉnh Vĩnh Long), chia sẻ: “Sau dịch Covid-19, giá dừa có lúc chỉ mười mấy đến hai mươi ngàn mỗi chục. Gần đây, giá tăng gấp 10 lần, giúp cuộc sống bà con đỡ hơn”. Theo ông Kiên, trồng dừa không quá vất vả, ba năm mới phải bồi đất hai lần, khoảng bốn tháng mới bón phân một lần.
Nguyên nhân giá dừa tăng không chỉ đến từ thị trường trong nước, mà còn do bối cảnh quốc tế thuận lợi. Các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, biến đổi khí hậu và sâu bệnh những năm qua khiến năng suất dừa sụt giảm tại nhiều nước châu Á, từ đó làm giá tăng lên. Đặc biệt, năm 2023, Mỹ chấp thuận nhập khẩu chính ngạch dừa tươi từ Việt Nam, tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp nông sản mở rộng thị trường.
Tháng 8/2024, Trung Quốc cũng chính thức mở cửa nhập khẩu chính ngạch đối với trái dừa Việt Nam, kéo theo nhiều sự kiện giao thương giữa hai nước. Truyền thông Trung Quốc ghi nhận chất lượng dừa Việt Nam cao, giá cạnh tranh, từ đó giúp mở rộng tiếp cận các thị trường tiềm năng khác như Trung Đông và châu Âu.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 200.000 ha vùng nguyên liệu dừa, sản lượng khai thác trung bình 2 triệu tấn mỗi năm. Kim ngạch xuất khẩu ngành dừa đã tăng từ 180 triệu USD năm 2009 lên hơn 1 tỷ USD trong năm 2024. Từ trái dừa, Việt Nam đã chế biến được hơn 60 sản phẩm, trong đó hơn 35 sản phẩm được xuất khẩu đến 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong chuỗi sản phẩm từ dừa, nhóm thực phẩm, mỹ phẩm và y dược đóng góp 43% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gỗ, giá thể nông nghiệp chiếm khoảng 20%, nhóm nguyên liệu như dầu dừa thô, nước cốt dừa cấp đông khoảng 10%. Đặc biệt, nhóm dừa tươi – nguyên liệu đầu vào quan trọng – hiện chiếm tới 27% giá trị xuất khẩu toàn ngành.
Phát triển bền vững phải đi cùng chế biến sâu và vùng trồng chuẩn hóa
![]() |
Chế biến và tiêu thụ sản phẩm dừa theo hướng liên kết chuỗi. |
Theo ông Cao Bá Đăng Khoa – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, việc giá dừa tăng cao đang tạo lợi nhuận tốt cho nông dân, nhưng lại gây áp lực cho doanh nghiệp chế biến. Doanh nghiệp khó tăng giá sản phẩm trên thị trường quốc tế trong khi chính họ mới là đầu ra ổn định và lâu dài cho người trồng dừa.
Trong bối cảnh đó, ngành dừa đang nỗ lực chuyển từ xuất khẩu thô sang phát triển chế biến sâu và dừa hữu cơ. Tại xã Đồng Khởi (Vĩnh Long), Hợp tác xã Nông nghiệp Định Thủy hiện có 530 ha dừa hữu cơ, trung bình mỗi tháng cung cấp từ 120.000 – 150.000 trái dừa cho doanh nghiệp. Nhờ sản xuất hữu cơ, nông dân được doanh nghiệp hỗ trợ thêm 15.000 – 20.000 đồng/chục, nâng cao thu nhập rõ rệt.
Ông Trần Văn Đức – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Dừa Bến Tre – khẳng định xu hướng canh tác hữu cơ là tất yếu. Theo ông, người tiêu dùng trong nước và quốc tế ngày càng ưu tiên các sản phẩm tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Do đó, canh tác và chế biến theo chuẩn organic sẽ là hướng đi không thể đảo ngược cho ngành dừa Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Dừa Việt Nam đang triển khai nhiều kế hoạch chiến lược. Thứ nhất, đã trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất áp thuế 10% đối với xuất khẩu dừa thô chưa qua chế biến nhằm ổn định nguồn nguyên liệu trong nước, hạn chế chảy máu nguyên liệu. Đồng thời, kiến nghị cấm xuất khẩu tiểu ngạch đối với dừa đã làm khô và dừa nguyên sơ, nhằm thu hút đầu tư vào các vùng nguyên liệu.
Thứ hai, ngành dừa đang chuẩn hóa giống cây trồng theo địa phương, đồng thời khuyến khích lai tạo giống dừa mới chất lượng cao hơn. Thứ ba, cần đẩy mạnh nghiên cứu phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chuyên biệt cho cây dừa. Thứ tư, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp và nông dân để tránh phụ thuộc vào tín dụng đen.
Đặc biệt, từ tháng 8/2025, ngành dừa sẽ thí điểm kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu dừa, trong đó có hỗ trợ vốn cho nông dân và đơn vị thu mua. Mục tiêu là đảm bảo cân bằng giữa lợi ích nông dân và doanh nghiệp, từ đó giữ vững chuỗi giá trị nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị thương hiệu ngành dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế.