Vượt rào cản chất lượng – Nông sản Việt trên đường vươn tầm quốc tế Từ Bắc Giang đến San Francisco: Hành trình khẳng định vị thế nông sản Việt Nông sản Việt: Giải cứu hay đổi mới để lớn mạnh? |
Doanh nghiệp mắc kẹt vì sản phẩm thô
![]() |
Nông dân thu hoạch thanh long tại vùng trồng trọng điểm, nhưng sản phẩm chủ yếu xuất thô khiến giá trị chưa được nâng cao. |
Trong suốt nhiều năm qua, dù sở hữu lợi thế tài nguyên bản địa phong phú, nông sản Việt vẫn chủ yếu xuất thô, chế biến đơn giản, làm giảm mạnh giá trị gia tăng và khiến nhiều doanh nghiệp (DN) bị “mắc kẹt” trong cuộc cạnh tranh không cân sức trên thị trường quốc tế.
Một trong những ngành hàng điển hình cho hiện tượng này là chuối. Theo thống kê đến giữa năm 2025, Việt Nam có hơn 161.000 ha diện tích trồng chuối, năng suất bình quân đạt 207 tạ/ha. Năm 2024, chuối mang về 380 triệu USD cho xuất khẩu, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 9 toàn cầu về xuất khẩu chuối. Tuy vậy, phần lớn lượng chuối xuất khẩu vẫn là hàng tươi, chủ yếu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Trong khi đó, các sản phẩm chế biến sâu như chuối sấy, chuối bột, chuối ép... vẫn phát triển nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ và chưa xây dựng được thương hiệu mạnh.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Võ Quan Huy – Giám đốc một DN xuất khẩu chuối ở Đồng bằng sông Cửu Long – thẳng thắn cho rằng: “Muốn nâng tầm ngành chuối, Việt Nam cần đầu tư bài bản cho chuỗi chế biến và đẩy mạnh khai thác các giá trị từ phụ phẩm như thân, lá, hoa chuối... Đây là cách giúp ngành thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường chuối tươi, đồng thời tạo ra giá trị mới”.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở ngành hàng dứa. Hiện cả nước có hơn 52.500 ha trồng dứa, sản lượng dự kiến đạt hơn 800.000 tấn vào năm 2026. Dù đã xuất khẩu được sang EU, Mỹ, Nhật Bản... nhưng chủ yếu vẫn là dứa tươi, dứa đóng hộp và nước ép – những sản phẩm có giá trị chưa cao. Theo giới chuyên gia, nếu không đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm như mứt dứa, dứa sấy, dứa lên men... ngành hàng này sẽ rất khó cạnh tranh bền vững trong tương lai.
Không chỉ ở cây trồng, tình trạng phụ phẩm nông nghiệp bị lãng phí cũng khiến Việt Nam mất đi một nguồn tài nguyên quý giá. Mỗi năm, nước ta thải ra hơn 2 triệu tấn vỏ trái cây, trong đó riêng vỏ xoài và vỏ thanh long đã chiếm đến 40%. Tuy nhiên, phần lớn lượng rác thải này vẫn chưa được tái sử dụng một cách hiệu quả.
Chế biến sâu mở đường cho giá trị mới
![]() |
Dây chuyền chế biến sâu nông sản hiện đại giúp tăng giá trị xuất khẩu và giảm thiểu tình trạng “được mùa mất giá”. |
Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp Việt đã chủ động tìm đường khác biệt, đầu tư vào sáng tạo chế biến sâu để đưa nông đặc sản bản địa lên một tầm cao mới – cả về giá trị, thương hiệu lẫn trải nghiệm người tiêu dùng. Trường hợp nổi bật là Công ty TNHH Tân Nhiên, đơn vị vừa giành chứng nhận OCOP 5 sao Quốc gia năm 2025 với sản phẩm bánh tráng không nhúng nước – một cải tiến tưởng chừng nhỏ nhưng đã tạo ra sự đột phá lớn. Tại hội chợ nhà thu mua Hàn Quốc, sản phẩm này gây tò mò và được đón nhận nồng nhiệt nhờ sự tiện dụng: mỏng, dẻo, mềm, không cần nhúng nước, có thể cuốn và ăn ngay. Chính điều này giúp bánh tráng Việt tiếp cận thị trường nước ngoài dễ dàng hơn mà không đánh mất bản sắc truyền thống.
Không dừng lại ở đó, theo ông Đặng Khánh Duy – Tổng Giám đốc Công ty Tân Nhiên – yếu tố làm nên sự khác biệt không chỉ là kỹ thuật, mà còn là khát vọng và triết lý phát triển tử tế. “Muốn giữ được hồn quê thì không thể mãi dừng ở truyền thống. Cần kết hợp giữa bản sắc và cải tiến, giữa văn hóa và công nghệ, giữa chất lượng và trải nghiệm hiện đại”, ông Duy nói. Ông cũng khẳng định: “Khác biệt không để nổi bật – mà để tạo ra giá trị thật”.
Từ sản phẩm bánh tráng, Tân Nhiên tiếp tục mở rộng hệ sinh thái đặc sản Tây Ninh như muối tôm, bánh tráng trộn, nước chấm... Tất cả đều được phát triển với cùng tinh thần sáng tạo, tử tế và bài bản. Theo ông Duy, ba trụ cột mà DN theo đuổi là truy xuất nguồn gốc – tự động hóa – đội ngũ lành nghề. Đây chính là nền tảng để kiểm soát chất lượng, tăng sức cạnh tranh và liên tục đổi mới.
Câu chuyện sáng tạo cũng không dừng lại ở sản phẩm tiêu dùng. Một nhóm khởi nghiệp trẻ – S2M (Sustainable to Mekong) – đã sử dụng công nghệ tái chế sinh học để biến vỏ xoài và vỏ thanh long thành chất liệu thuộc da sinh học cao cấp, được mệnh danh là “kim cương xanh” trong ngành thời trang bền vững. Với texture đặc trưng, khả năng chống nước và kháng khuẩn tự nhiên, loại da này không chỉ thân thiện môi trường mà còn tạo ra chuỗi giá trị hoàn toàn mới từ thứ vốn bị coi là phế phẩm.
Chia sẻ về dự án, bà Nguyễn Thị Thanh Vân – người sáng lập S2M – nói: “Chúng tôi không chỉ muốn thay đổi ngành thuộc da, mà muốn thay đổi cách thế giới nhìn nhận về rác thải. Đây là hành trình biến rác thành vàng, từ phòng thí nghiệm ra thị trường toàn cầu”.
Đứng ở góc độ quản lý, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường – khẳng định: “Việt Nam có đủ tiềm năng để đưa trái cây trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực nếu biết tận dụng lợi thế tự nhiên, đặc biệt là đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu bài bản”.
Sáng tạo trong chế biến sâu không chỉ là công nghệ, mà là chiến lược phát triển thương hiệu đặc sản Việt một cách bền vững. Từ bánh tráng đến chuối, từ vỏ xoài đến nước chấm, mỗi sản phẩm nếu được cải tiến đúng hướng đều có thể trở thành niềm tự hào của nông nghiệp Việt. Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp cần dám nghĩ lớn, đầu tư bài bản, kết hợp văn hóa truyền thống với công nghệ hiện đại – và đặc biệt, phải “dám làm khác, và làm bằng trái tim”.