Thương hiệu thời trang Việt "đuối" ngay trên sân nhà
Thương hiệu Lep' dừng lại bằng một bài đăng cảm động vào ngày 14/11. |
Catsa, Elpis, Lep' vừa thông báo khép lại hành trình của mình để lại không ít hụt hẫng và tiếc nuối. Việc nhiều thương hiệu lớn rời cuộc chơi phản ánh một bức tranh đầy khốc liệt của thị trường bán lẻ thời trang Việt.
Lep', sau 8 năm xây dựng hình ảnh thương hiệu với những thiết kế đậm chất nữ tính như váy hoa và áo dài, đã dừng lại bằng một bài đăng cảm động vào ngày 14/11. Những lời tâm sự của founder Ngọc Trâm “không còn theo kịp guồng quay chóng mặt của thị trường” đã khiến hàng nghìn fan của thương hiệu không khỏi bồi hồi. Trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, những cuộc bàn luận vẫn không ngừng sôi nổi, như một cách cộng đồng yêu thời trang tiếc nuối và trân trọng hành trình của Lep'.
Trước đó, vào cuối tháng 8, CATSA – local brand fast fashion với 13 năm “ghi điểm” bởi phong cách tối giản dành cho nam giới cũng đã lặng lẽ đóng cửa toàn bộ 22 cửa hàng. Founder Linh Cát thẳng thắn chia sẻ rằng việc kết thúc này đã được lên kế hoạch từ cuối năm 2023, khi thương hiệu đạt tới ngưỡng phát triển khó bứt phá hơn nữa.
Elpis, thương hiệu thời trang thiết kế 10 năm tuổi của hot KOL Lucie Nguyễn, cũng không nằm ngoài làn sóng này. Những thiết kế nữ tính, sang trọng từng gắn liền với hình ảnh của dàn sao Việt đình đám như Ninh Dương Lan Ngọc, Tiểu Vy, Ngọc Trinh, nay chỉ còn là ký ức đẹp trong lòng người hâm mộ. Theo phân tích, quyết định đóng cửa của Elpis phần nào đến từ định hướng cá nhân của người sáng lập.
Một thương hiệu thời trang giới trẻ khác là Miêu có tuổi đời 13 năm tại TP.HCM cũng đóng cửa trong năm nay. Thương hiệu Ivy Moda chuyên thời trang nam và nữ, vừa qua cũng ngừng kinh doanh mảng thời trang nam sau 5 năm hoạt động.
Nhìn lại năm 2010, từng là giai đoạn bùng nổ của thời trang Việt, khi hàng loạt thương hiệu nổi bật như The Blues, Canifa, PT2000, Nem, Elise, IVY moda... ra đời, phủ sóng tại các tuyến phố lớn ở Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên sau hơn một thập niên, nhiều cái tên đã thu hẹp, thậm chí dần biến mất...
Cạnh tranh khốc liệt từ thương hiệu quốc tế
Một cửa hàng của thương hiệu Uniqlo. |
Thị trường thời trang Việt Nam đang đối mặt với áp lực nặng nề từ sự đổ bộ của các thương hiệu quốc tế như Zara, H&M và Uniqlo. Không chỉ mang đến sản phẩm đa dạng, các "ông lớn" này còn kết hợp chiến lược giá cạnh tranh cùng mô hình kinh doanh tinh gọn, tạo nên sức ép không nhỏ cho các thương hiệu nội địa.
Theo Báo Thanh Niên, trong vòng hơn 2 tháng qua, nhãn hàng thời trang Uniqlo (Nhật Bản) đã mở thêm 3 cửa hàng mới tại các trung tâm thương mại Vincom Plaza Imperia (Hải Phòng), Parc Mall (TP.HCM) và Aeon ở Huế, nâng tổng số cửa hàng bán lẻ tại thị trường Việt Nam lên 26 cửa hàng sau gần 5 năm. Tương tự, thương hiệu H&M (Phần Lan) sau khi ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017, đến nay đã có mặt tại 5 tỉnh, thành phố với 13 cửa hàng. Trước làn sóng mua sắm online phát triển mạnh, H&M cũng kịp ra mắt cửa hàng trực tuyến tại thị trường Việt Nam cách đây 1 năm rưỡi.
Trong khi đó, theo Báo Tuổi Trẻ, TokyoLife đã có mặt ở hàng chục tỉnh thành với số lượng lớn cửa hàng, trong đó Hà Nội 39 cửa hàng, Hải Phòng 9 cửa hàng, Quảng Ninh 9 cửa hàng...
Theo nhân viên của hệ thống này, TokyoLife là thương hiệu Việt nhưng không hoàn toàn bán hàng Việt, và chủ động bán đa dạng mặt hàng với giá cạnh tranh. Cụ thể, quần áo, thời trang chủ yếu được sản xuất trong nước; còn mỹ phẩm, làm đẹp chủ yếu nhập từ Nhật Bản; đồ gia dụng, đồ nhựa... sản xuất từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.
Để "lấy lòng khách", đơn vị thường xuyên tung ra các chương trình giảm giá, đặc biệt dịp Black Friday đang áp dụng giảm giá đến 50% cho lượng lớn sản phẩm thuộc hầu hết ngành hàng; đơn hàng từ 279.000 đồng trở lên miễn phí giao hàng.
Trả lời Báo Thanh Niên, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú bày tỏ sự buồn rầu khi nói đến tình cảnh "người khổng lồ" dệt may nhưng không có các nhãn hàng thời trang nội địa có giá trị cao. Nguyên nhân, theo ông Phú, là DN chỉ lo làm hàng xuất khẩu, còn thị trường nội địa 100 triệu dân lại bỏ quên trong thời gian quá dài. Trong đại dịch Covid-19, khi thị trường xuất khẩu có thời gian dài gặp khó khăn vì đơn hàng giảm sút, một số DN quyết định quay lại thị trường nội địa. Tuy nhiên, để thành công thì không dễ, bởi chúng ta bỏ quên thị trường lớn này quá lâu. Thứ 2, hàng dệt may VN vẫn còn rất yếu để cạnh tranh với hàng ngoại về giá cả, mẫu mã. Bên cạnh đó, quan hệ giữa sản xuất và bán lẻ rất lỏng lẻo. Nhà sản xuất cũng là nhà bán hàng, không kết nối chặt chẽ và đưa được hàng may mặc vào các hệ thống phân phối lớn, trung tâm thương mại. Thứ 3, chi phí sản xuất cao hơn nhiều quốc gia đang cạnh tranh cùng mặt hàng với chúng ta. Trong đó, hệ thống logistics lạc hậu, hạ tầng phân phối trì trệ, giá cả thiếu minh bạch khiến nhà sản xuất thiệt thòi, người tiêu dùng cũng không hưởng lợi nên khiến hàng "made in Vietnam" vốn khó khăn để gầy dựng, lại càng khó hơn.
"Để có thương hiệu thời trang Việt đúng nghĩa, phải khắc phục những điểm yếu, phải tổ chức được phân phối hàng hóa từ sản xuất thẳng đến tay người tiêu dùng, không để người tiêu dùng chịu quá nhiều chi phí vì logistics yếu kém, vì những tầng nấc trung gian, đẩy mạnh chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái, có chiến lược hỗ trợ xây dựng tập đoàn sản xuất phân phối đủ mạnh làm chủ sân nhà…", chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nói thẳng.
Nhiều thương hiệu thời trang Việt tự khai tử trong cơn bão hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ |
Sau Lep', đến lượt thương hiệu thời trang Meo thông báo đóng cửa |