Tâm lý né thịt heo mùa dịch khiến chợ vắng hoe
![]() |
Lực lượng thú y kiểm tra, giám sát đàn lợn tại khu vực có dịch tả lợn châu Phi bùng phát – biện pháp nhằm khoanh vùng, ngăn dịch lây lan và ổn định thị trường. |
Ghi nhận tại các chợ lớn ở Đà Nẵng như Hòa Cường, Hàn, Cồn, Đống Đa cho thấy tình trạng chung là quầy thịt thưa vắng khách, người mua chỉ lác đác. Dù giá đã giảm từ 110.000 đồng xuống còn 85.000 đồng/kg, sức mua vẫn tụt hơn 50% so với trước thời điểm dịch tái phát.
Tại chợ đầu mối Hòa Cường – nơi được xem là điểm bán sỉ lớn nhất thành phố – chị Na, một tiểu thương lâu năm, cho biết: “Bây giờ lấy thịt bán trong ngày chỉ còn một nửa, thậm chí 2/3 so với trước. Ngồi cả buổi sáng mà chỉ có vài khách đến hỏi mua”. Chung cảnh ngộ, bà Thanh Hà – chủ một quầy thịt khác – thở dài: “Buôn bán quá khó khăn, nhưng phải cố vì đây là nghề mưu sinh. Chỉ khi nào chợ cấm bán thịt heo thì tôi mới nghỉ”.
Theo phản ánh, phần lớn lượng thịt bán ra hiện nay chủ yếu nhờ bỏ mối cho nhà hàng, quán ăn. Lượng khách lẻ rất ít, có quầy chỉ dám lấy 5kg thịt mông nhưng đến trưa vẫn chưa bán hết. Không ít tiểu thương đành phải nghỉ bán do không gánh nổi chi phí thuê sạp, vận chuyển và tình trạng lỗ kéo dài.
Tại Quảng Ngãi – nơi đang là điểm nóng của dịch – không khí buôn bán càng ảm đạm hơn. Tại chợ trung tâm tỉnh (phường Cẩm Thành), bà Nguyễn Thị Xuân cho biết: “Thịt lấy về giảm 30% so với trước, giá cả mềm hơn mà khách vẫn không dám mua. Có hôm ngồi từ sáng tới trưa chỉ bán được vài ký”.
Tình trạng tương tự xảy ra tại chợ Chùa (xã Nghĩa Hành) – ngay vùng tâm dịch. Nhiều quầy thịt đã tạm ngưng kinh doanh. Bà Phạm Thị Lan Hương – một tiểu thương ở đây – chia sẻ: “Trước mỗi ngày tôi bán hết 5–6 con heo, nay một con cũng không xong. Chủ yếu là khách quen, người lạ không ai dám ghé”.
Tại chợ Hàng Rượu (phường Trương Quang Trọng), số tiểu thương bán thịt heo cũng giảm rõ rệt. Dù giá đã giảm sâu từ 20.000–30.000 đồng/kg, sức mua vẫn rất thấp, có nơi doanh thu giảm tới 80%. Không chỉ người bán điêu đứng, người tiêu dùng cũng thay đổi thói quen. Chị Huỳnh Thị Lệ (28 tuổi, trú tại phường Cẩm Thành, Quảng Ngãi) cho biết: “Gần nửa tháng nay, gia đình tôi tạm ngưng ăn thịt heo do lo ngại dịch bệnh. Trước đây tuần nào cũng có 3–4 bữa có thịt, giờ thì chuyển sang thực phẩm khác”.
Tăng kiểm dịch, siết vận chuyển để giữ ổn định thị trường
![]() |
Nhiều quầy thịt tại các chợ truyền thống rơi vào cảnh ế ẩm, vắng khách dù giá thịt heo đã giảm sâu vì lo ngại dịch bệnh. |
Trước tâm lý e ngại ngày càng lan rộng, ban quản lý các chợ tại Đà Nẵng đã tăng cường kiểm soát chất lượng thịt. Theo quy định, toàn bộ thịt heo đưa vào chợ phải có dấu kiểm dịch, được lấy từ các lò mổ tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Các tiểu thương đồng loạt khẳng định: “Thịt vào chợ đều có kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch rõ ràng, đảm bảo nguồn gốc, an toàn”.
Tuy nhiên, thông tin về dịch lan rộng khiến người dân hoài nghi chất lượng thịt dù đã qua kiểm dịch. Nhiều tiểu thương khuyến cáo người tiêu dùng nên tỉnh táo, chỉ nên mua thịt có dấu kiểm dịch, tránh mua thịt giá rẻ bất thường vì tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thực phẩm và dịch bệnh.
Tính từ ngày 1/7 đến nay, TP Đà Nẵng ghi nhận ổ dịch tả heo châu Phi tại 9 hộ thuộc 6 thôn của 4 xã, phường. Tổng cộng có 42 con heo buộc phải tiêu hủy, trọng lượng hơn 2,6 tấn. Nguyên nhân chủ yếu do đàn heo chưa được tiêm phòng đầy đủ, điều kiện chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học, cộng thêm thời tiết mưa nắng thất thường khiến mầm bệnh dễ lây lan.
Tại Quảng Ngãi, diễn biến còn nghiêm trọng hơn. Tính đến ngày 24/7, dịch đã xuất hiện tại 1.685 cơ sở chăn nuôi thuộc 243 thôn, 34 xã/phường, làm tiêu hủy 9.610 con heo, tương đương 580 tấn. Chính quyền địa phương đã cấp phát khẩn cấp 920 lít hóa chất, 1.000 liều vắc xin và triển khai vệ sinh khử trùng chuồng trại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, thống kê đầy đủ tổng đàn, xử lý kịp thời heo bệnh, kiểm tra nghiêm ngặt các lò giết mổ và phương tiện vận chuyển. Ông cũng nhấn mạnh: “Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giấu dịch, bán chạy heo bệnh”.
Do hiện nay chưa có vắc xin đặc trị, virus tả heo châu Phi lại có khả năng tồn tại lâu trong môi trường và lây lan nhanh qua tiếp xúc, các cơ quan chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động phòng dịch, kịp thời báo cho thú y khi phát hiện dấu hiệu bất thường. Đây là biện pháp cấp thiết để khoanh vùng, dập dịch và góp phần sớm ổn định thị trường thịt heo đang chao đảo.