Cà phê Việt Nam đang "một mình một chợ" trên thị trường thế giới Thị trường Đức bùng nổ, cà phê Việt xuất khẩu tăng gấp đôi Cà phê Việt chinh phục thế giới: Bắt đầu từ chính vùng đất và con người |
Xuất khẩu tăng nhanh nhưng chưa vững chắc
![]() |
Xuất khẩu cà phê Việt Nam tăng mạnh nhờ giá thế giới thuận lợi, nhưng phần lớn vẫn là hàng thô, chưa gắn với thương hiệu quốc gia. |
6 tháng đầu năm 2025, ngành cà phê Việt Nam đã đạt bước tiến vượt bậc. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, khối lượng xuất khẩu cà phê ước đạt 953,9 nghìn tấn, mang về giá trị 5,45 tỷ USD, tăng 67,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Riêng trong tháng 6, xuất khẩu ước đạt 130 nghìn tấn, thu về hơn 741 triệu USD. Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong nửa đầu năm đạt khoảng 5.708 USD/tấn – mức tăng mạnh 59,1%.
Dù tăng trưởng cả về lượng và giá trị, nhưng ngành hàng vẫn chủ yếu xuất khẩu thô hoặc sơ chế, chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia có khả năng định vị hình ảnh bền vững tại thị trường quốc tế. Thị phần tại châu Âu – khu vực tiêu thụ lớn nhất của cà phê Việt – dù đang thuận lợi nhờ được xếp vào nhóm “rủi ro thấp” về phá rừng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức trong dài hạn nếu doanh nghiệp không chuyển dần sang phát triển phân khúc chế biến sâu, cà phê hòa tan và sản phẩm có bản sắc rõ ràng.
Tại Hoa Kỳ – thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới – Việt Nam vẫn là một trong những nguồn cung đáng kể bên cạnh Brazil, Colombia và các nước Trung Mỹ. Tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu vẫn thiên về nguyên liệu, chưa tạo dựng được hình ảnh đồng nhất về chất lượng, nguồn gốc, hay chỉ dẫn địa lý gắn liền với quốc gia xuất xứ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhận định: “Sản lượng lớn nhất tập trung vào vụ thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, nên xuất khẩu các tháng cuối năm có thể không cao. Tuy nhiên, nếu thu về 2 tỷ USD trong nửa cuối năm, ngành cà phê hoàn toàn có thể vượt mục tiêu 7,5 tỷ USD cho năm 2025”. Việc vượt kế hoạch 5,5 tỷ USD ngay trong 6 tháng đầu năm cũng cho thấy tiềm năng thị trường đang mở ra. Dẫu vậy, nếu không gắn với định hướng thương hiệu, tăng trưởng này có thể thiếu bền vững.
Trong nhóm các thị trường xuất khẩu chính, Đức, Italia và Tây Ban Nha hiện là ba nước nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 16,3%, 7,9% và 7,4%. Tuy nhiên, tỷ trọng này vẫn mang tính phân tán và dễ bị thay đổi nếu không có dấu ấn thương hiệu rõ ràng từ phía nhà cung cấp Việt Nam.
Xây dựng hình ảnh từ vùng nguyên liệu
![]() |
Doanh nghiệp chế biến cà phê đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc và minh bạch vùng trồng để đáp ứng yêu cầu từ thị trường EU theo Quy định EUDR. |
Một điểm sáng đáng chú ý là việc Việt Nam được Liên minh châu Âu xếp vào nhóm “rủi ro thấp” trong phân loại rủi ro phá rừng theo Quy định EUDR. Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê sang EU chỉ phải chịu tần suất kiểm tra 1% thay vì 3–9% như nhóm rủi ro cao. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn nhưng cũng là áp lực buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa toàn bộ chuỗi cung ứng từ vùng trồng đến thành phẩm.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khẳng định: “Yếu tố cốt lõi để vận hành EUDR là dữ liệu đầy đủ và khả năng chia sẻ thông tin theo yêu cầu EU. Điều quan trọng là dữ liệu không chỉ do cơ quan quản lý nắm giữ, mà phải được doanh nghiệp sử dụng trực tiếp”. Điều này cho thấy vai trò trung tâm của truy xuất nguồn gốc không chỉ để tuân thủ pháp lý mà còn là nền tảng định vị thương hiệu cà phê quốc gia trong mắt người tiêu dùng quốc tế.
Với việc thị trường EU đang mở rộng quan hệ với châu Á, Trung Đông và các khu vực tiêu dùng mới, cà phê Việt có cơ hội thâm nhập sâu hơn nếu chuẩn hóa truy xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và định danh vùng nguyên liệu rõ ràng. Đây chính là lúc cần chuyển từ tư duy sản lượng sang tư duy giá trị và thương hiệu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung nhấn mạnh: “Từ nay đến đầu năm 2026 không còn nhiều thời gian. Việc xuất khẩu cà phê sang EU phải diễn ra trơn tru từ ngày 1/1/2026, không bị gián đoạn. Tất cả điều kiện về truy xuất, dữ liệu và hồ sơ kỹ thuật cần hoàn thiện ngay từ bây giờ”. Phát biểu này cũng là lời cảnh báo cho toàn ngành: nếu không có hành động quyết liệt, cơ hội thị trường sẽ bị gián đoạn vì thiếu chuẩn hóa và năng lực truy xuất.
Bên cạnh đó, ngành cà phê Việt đang có dư địa lớn tại khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc – những thị trường tiêu thụ mạnh cà phê Robusta – và thị trường Ấn Độ – nơi có chi phí vận chuyển hợp lý. Đây cũng là cơ hội để thử nghiệm các hình thức xây dựng thương hiệu cà phê Việt phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng bản địa.
Dữ liệu từ Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho thấy, trong 8 tháng đầu niên vụ 2024–2025, xuất khẩu cà phê đạt khoảng 1,12 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn 6,3 tỷ USD. Dù sản lượng giảm 6,4% so với cùng kỳ niên vụ trước, nhưng kim ngạch lại tăng tới 57,5%. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã tận dụng tốt đà tăng giá cà phê toàn cầu. Tuy nhiên, giá trị tăng chủ yếu nhờ thị trường, chứ chưa đến từ nâng cấp chất lượng hay xây dựng thương hiệu bài bản.
Thương hiệu cà phê quốc gia không thể hình thành chỉ từ số liệu xuất khẩu, mà cần gắn với truy xuất, vùng trồng, chất lượng ổn định và bản sắc riêng. Trong bối cảnh thị trường biến động và quy chuẩn quốc tế ngày càng chặt chẽ, xây dựng thương hiệu không còn là lựa chọn, mà là con đường bắt buộc để cà phê Việt vươn tầm bền vững và cạnh tranh dài hạn trên bản đồ thế giới.