Quốc hội thảo luận về các giải pháp phát triển KTXH, NSNN 6 tháng cuối năm 2021 Quốc hội sẽ quyết nghị về phòng, chống Covid-19 Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức Chính phủ |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 25/7, tại phiên thảo luận toàn thể về tình hình KT-XH, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch quốc hội Nguyễn Đức Hải, Bộ trưởng Bộ LĐTB & XH Đào Ngọc Dung đã có báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề về giải pháp tiếp tục thực hiện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong phòng, chống dịch COVID-19.
Toàn cảnh Quốc hội thảo luận tại hội trường. |
Chấp nhận hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân
Báo cáo tại Quốc hội về một số vấn đề đại biểu quan tâm xung quanh Nghị quyết 68 và Quyết định 23 hỗ trợ lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, trong những tháng đầu năm 2021, nhất là đợt dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 diễn biến phức tạp tạo áp lực lớn đến phát triển kinh tế và đời sống xã hội.
Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp 2,52%, khu vực dịch vụ ảnh hưởng nặng nề, một số ngành đã suy giảm từ năm 2020 đến nay tiếp tục suy giảm sâu hơn, khu vực lữ hành giảm sâu 54,8%, doanh nghiệp dịch vụ lưu trú giảm tiếp 2,7%; khu vực vận tải giảm 0,7%.
Đặc biệt, đợt dịch này đã xâm nhập vào “thành trì” rất quan trọng là các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động (khoảng 4 triệu người), có các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Một số địa phương có lực lượng lớn lao động bị ảnh hưởng như: TPHCM 1,6 triệu, Bình Dương 1,2 triệu, Long An, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang cũng có lượng lớn lao động bị ảnh hưởng. Một số DN đã phải tạm dừng hoạt động, như Bắc Giang phải đóng cửa cả 4 Khu công nghiệp với 322 DN, 150.00 lao động phải tạm ngừng việc. Nhiều địa phương đã phải phong tỏa, giãn cách từng khu vực, đóng cửa hầu hết các dịch vụ sản xuất kinh doanh, đời sống hàng chục triệu lao động bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nêu rõ, thực hiện "mục tiêu kép" với phương châm đề cao tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của địa phương, mục tiêu hàng đầu là chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng của người dân, duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cũng ứng sản xuất, lao động. Chúng ta đã hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế để đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân. Khu công nghiệp và người lao động đã đồng lòng thực hiện phương châm 3 tại chỗ “sản xuất tại chỗ, ăn ở tại chỗ, cách ly tại chỗ”.
Trong điều kiện khó khăn đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động như giảm giá điện nước, gia hạn nộp thuế GTGT, giảm một số khoản phí, lệ phí hỗ trợ khẩn cấp người dân, người lao động, chủ sử dụng lao động. Đến nay, theo báo cáo và giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã hỗ trợ 168,8 nghìn tỷ đồng cho các lực lượng trên.
"Về hỗ trợ theo Nghị quyết 42 gọi là gói 62.000 tỷ năm 2020, một gói hỗ trợ chưa có tiền lệ, mặc dù triển khai trong thời gian gấp, kết quả chưa được như mong muốn nhưng cũng đã hỗ trợ xấp xỉ 39.000 tỷ cho 14,4 triệu người thụ hưởng, riêng tiền mặt hỗ trợ trực tiếp 13.000 tỷ. Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng kết Nghị quyết và đề xuất các chủ trương, chính sách tiếp theo", Bộ trưởng cho biết.
63/63 địa phương tích cực triển khai hỗ trợ theo Nghị quyết 68
Với đợt dịch thứ 4, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐTB&XH phối hợp với các ngành chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền. Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết 68 và Quyết định 23 hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, qua triển khai đến nay đúng 15 ngày cho thấy các địa phương đã vào cuộc tích cực, đạt nhiều kết quả tốt.
Bộ trưởng cho biết, việc ban hành 12 chính sách là kịp thời, đúng, trúng đối tượng. Nhìn chung thủ tục triển khai chính sách thông thoáng, giảm 2/3 thủ tục, rút ngắn 2/3 thời gian so với Nghị quyết 42. Thậm chí có những chính sách không cần người lao động và người sử dụng lao động cung cấp hồ sơ mà dựa vào cơ sở dữ liệu đã có để hỗ trợ.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề về giải pháp tiếp tục thực hiện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong phòng, chống dịch COVID-19. |
Tính đến ngày 24/7, 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch, chủ trương và đang triển khai Nghị quyết. Nhiều địa phương đạt kết quả cao. Cụ thể, nhóm Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đã có 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động với gần 11 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.300 tỷ đồng. Như vậy, chính sách này đã hoàn thành. Tất cả người điều trị F0 và cách ly F1 đã được hỗ trợ tiền ăn kịp thời.
Cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 52.081 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại 5.922 đơn vị sử dụng lao động làm cơ sở để UBND các cấp phê duyệt danh sách hỗ trợ. Đến nay, đã hỗ trợ 31.348 người lao động, tổng số tiền gần 62,7 tỷ đồng. Các địa phương đang rà soát, thống kê để hỗ trợ các hộ kinh doanh. Đến nay, có khoảng 5.500 hộ kinh doanh tại các địa phương đã được hỗ trợ.
Ngân hàng đã triển khai tái cấp vốn, sau 1 tuần đã hoàn thiện hồ sơ và phê duyệt cho 62 hồ sơ đề nghị vay vốn, giải ngân 50,4 tỷ đồng, hỗ trợ 13.577 lao động, gấp 10 lần gói 62.000 tỷ
Bộ trưởng cũng báo cáo thêm về việc triển khai Nghị quyết 135 Quốc hội khóa XIV về hỗ trợ Tổng công ty Hàng không Việt Nam, theo báo cáo sáng nay (25/7) của NHNN, các NH đã ký cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam 4.000 tỷ, tái cấp vốn 2.000 tỷ, giải ngân 600 tỷ theo yêu cầu, sang tuần sẽ giải ngân số còn lại.
Bộ trưởng nhấn mạnh các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo về chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do). Đây là đối tượng bị ảnh hưởng sớm nhất, sâu nhất nhưng khó triển khai nhất.
“Chúng ta đề cao tính linh hoạt, sáng tạo, phân quyền mạnh cho địa phương quyết định về việc hỗ trợ. Đến nay, chính sách hỗ trợ đã được triển khai nhanh, có hiệu quả, nhất là ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Ví dụ, tất cả lực lượng lao động bán vé số dạo từ Đà Nẵng đến Cà Mau với hàng trăm nghìn người đã được hỗ trợ. TPHCM và nhiều địa phương đã ban hành và thường xuyên cập nhật đối tượng lao động tự do được hưởng chính sách”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương lãnh đạo, cán bộ tại các ban ngành liên quan của TPHCM, trong thời điểm giãn cách đã khắc phục khó khăn, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt sáng tạo, trong 15 ngày đã đến từng nhà, gặp gỡ từng đối tượng, trực tiếp hỗ trợ cho 284.465 lao động tự do, đạt kết quả 100% với số tiền 426 tỷ đồng.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ LĐTB&XH, Văn phòng Chính phủ cập nhật từng ngày, từng trường hợp được hỗ trợ trên Cổng Thông tin dịch vụ công Quốc gia và công khai trên cac phương tiện truyền thông đại chúng về các địa phương triển khai tốt, các địa phương chưa đạt.
Đánh giá cụ thể, để điều chỉnh bổ sung các chính mới cho kịp thời
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, các chính sách ban hành thời gian qua, nhất là gói Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đang được triển khai đúng hướng, thiết thực, đúng đối tượng, dễ triển khai. Đối tượng thụ hưởng đang dễ dàng tiếp cận chính sách hơn.
Báo cáo một số việc tập trung trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ:
Thứ nhất, Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ KH&ĐT sớm tham mưu tổng kết toàn diện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 để điều chỉnh bổ sung các chính mới cho kịp thời.
Thứ hai, thực hiện các chính sách với phương châm càng khó khăn, càng phải quan tâm an sinh phúc lợi không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần như chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thứ ba, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công với cách mạng, nhất là các chính sách trợ cấp, phụ cấp theo Nghị định số 75/2021/NĐ-CP mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký ngày hôm qua và Quyết định số 1142/QĐ-CTN của Chủ tịch nước về quà tặng tới 1,5 triệu người có công nhân dịp 74 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ; huy động nguồn lực xã hôi để chăm lo đời sống người có công với cách mạng.
Thứ tư, hoàn thiện và triển khai các chính sách giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững theo Nghị quyết của Quốc hội và các chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh con người.
Thứ năm, chăm lo xây dựng hệ thống an sinh xã hội với người dân, nhất là phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chăm lo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm khó khăn của doanh nghiệp.
Thứ sáu, các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai nhanh hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn Nghị quyết số 68/NQ-CP và các chính sách xã hội, huy động sự vào cuộc của xã hội chăm lo cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, không để ai bị bỏ lại phía sau theo chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.