Chỉ thị xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH và Dự toán NSNN năm 2022 Quốc hội sẽ quyết nghị về phòng, chống Covid-19 Quốc hội nghe báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 |
Theo Cổng TTĐT Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 25/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Toàn cảnh Quốc hội thảo luận tại hội trường. |
Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn về dịch bệnh Covid-19
Đa số các đại biểu tán thành với nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.
Trong điều kiện khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới, các đại biểu đánh giá cao kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, nhất là việc thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện chính trị quan trọng được tổ chức thành công như cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2025, việc kiện toàn bộ máy Nhà nước được nhân dân đánh giá cao. Kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, được đánh giá là đạt mức tăng trưởng cao so với kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam là quốc gia duy nhất được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm đồng loạt nâng triển vọng kinh tế của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỉ trọng dịch vụ và giảm tỉ trọng nông-lâm-thủy sản. Đầu tư khu vực Nhà nước tiếp tục giảm, đầu tư khu vực ngoài Nhà nước tiếp tục tăng, góp phần ổn định kinh tế.
Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu thảo luận tại hội trường. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại hiện nay, như việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công đến nay chưa hết, chi đầu tư phát triển đạt thấp bằng 28,1% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 29,02% kế hoạch... đặc biệt tỉ lệ giải ngân vốn ngoài Nhà nước rất thấp, việc cổ phần hóa sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước đạt thấp, tình trạng nợ đọng thuế tiếp tục tăng, năng lực và sức chống chọi của doanh nghiệp còn yếu, môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, tăng trưởng xuất nhập khẩu dựa nhiều vào đầu tư nước ngoài, giải ngân các gói hỗ trợ đạt thấp, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng so với cùng kỳ, một số người dân còn gặp khó khăn trong việc làm và đời sống, vốn CTMTQG chưa được giao kế hoạch và chưa có khả năng giải ngân.
Đề xuất nhiều giải pháp căn cơ để thúc đẩy kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp trong 6 tháng cuối năm để thúc đẩy kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay.
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, đề nghị: Thứ nhất, cần huy động mọi nguồn lực và ưu tiên để phòng, chống dịch Covid-19, khống chế dịch lây lan ra cộng đồng, đảm bảo hiệu quả nhất;
Thứ hai, chủ động điều hành chính sách tiền tệ, tài chính sách linh hoạt, hợp lý, có trọng tâm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh;
Thứ ba, tâp trung nhiên cứu, ban hành cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh giảm bớt khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh;
Thứ tư, tập trung rà soát và khắc phục những khó khăn, vướng mắc về thể chế nhằm tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo môi trường thông thoáng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài;
Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ đầu tư giải ngân vốn đầu tư và tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ đúng và đủ đối tượng, đồng thời quản lý, kiểm soát thu chi chặt chẽ ngân sách nhà nước và mua sắm tài sản công bằng nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội phát biểu thảo luận tại hội trường. |
Chỉ ra những tồn tại hiện nay như tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chưa đạt kỳ vọng, thực trạng quý 3 năm nay, tăng trưởng kinh tế xấu hơn nhiều do dịch bệnh bùng phát mạnh ở nhiều địa phương trên cả nước, đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, bày tỏ đồng tính với các định hướng lớn của Chính phủ và đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, trước hết là đẩy mạnh tiêm chủng vaccine, đặc biệt là khu vực động lực tăng trưởng của nền kinh tế để vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, tránh đứt gãy nguồn cung.
Đại biểu Nguyễn Tiến Lộc cũng đưa ra một số giải pháp căn cơ nhằm giải quyết những tồn tại, khó khăn chung. Cụ thể: Chuẩn bị điều kiện và lộ trình để mở cửa nền kinh tế, tương ứng với tỷ lệ tiêm chủng vaccine của người dân. Đây cũng được xem là giải pháp căn cơ; Chính phù quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư trong năm nay, cắt giảm, thu hồi với những bộ ngành, địa phương giải ngân vốn chưa tốt để bổ sung cho các bộ ngành, địa phương có tốc độ giải ngân tốt;
Trong bối cảnh chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất, đồng thuận với các ngân hàng thương mại cố gắng đạt được lãi suất, cắt giảm các thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng. Đại biểu đề nghị trong bối cảnh hiện nay, khi doanh thu của các doanh nghiệp không nhiều thì hỗ trợ của Nhà nước sẽ hiệu quả hơn nếu tăng chi tiêu cho các đối tượng yếu thế, để vừa tăng kích thích tiêu dùng, vừa giải quyết được các vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần đẩy nhanh áp dụng “hộ chiếu vaccine” cho toàn dân, tỷ lệ người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine là động lực quan trọng nhất để nền kinh tế có thể phục hồi.
Về các biện pháp cải cách thể chế, đại biểu Vũ Tiến Lộc đánh giá cao Chính phủ đã tập trung rà soát những điểm bất hợp lý để kiến nghị với Quốc hội, thành lập các tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy, hỗ trợ triển khai cho các dự án FDI và các dự án tư nhân để đẩy nhanh các thủ tục hành chính, đưa các dự án vào sản xuất kinh doanh. Đây là biện pháp rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên thảo luận sáng 25/7. |
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên thảo luận sáng 25/7 có 24 đại biểu phát biểu, phản ánh ý kiến của cử tri đối với các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách của Nhà nước, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
Để chuẩn bị cho phiên thảo luận buổi chiều 25/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu đầu tư làm rõ về thực trạng quy hoạch, phát triển kinh tế; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm rõ về những giải pháp phát triển nông nghiệp trong giai đoạn 5 năm 2021-2025, các giải pháp đảm bảo cung ứng vật tư trong điều kiện thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16, việc bảo vệ và tổ chức sản xuất doanh nghiệp giai đoạn hiện nay; đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ thêm về những vướng mắc, điểm nghẽn trong đặt hàng, giao nhiệm vụ đấu thầu các dịch vụ công, giải pháp tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trong công tác cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước và đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp công.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích thêm về thực trạng công tác phòng chống dịch Covid-19 và về chiến lược vaccine của nước ta. Cùng với đó, đề nghị Ủy ban Pháp luật và Bộ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá về cơ sở pháp lý, tính hợp Hiến của các giải pháp đã được đề cập trong Nghị quyết chung trong các nội dung về phòng chống Covid-19.