Bước tiến chiến lược của thủy sản Việt tại thị trường cao cấp
![]() |
Thủy sản Việt Nam ngày càng khẳng định chỗ đứng tại thị trường Singapore nhờ chiến lược tập trung nhóm sản phẩm chủ lực. |
Theo Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Singapore, nửa đầu năm 2025, tổng giá trị nhập khẩu thủy sản của quốc đảo này đạt 559,5 triệu SGD, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Dù tăng trưởng chậm lại, quy mô thị trường vẫn cho thấy mức độ ổn định và nhu cầu tiêu thụ ở mức cao. Trong cơ cấu nhập khẩu, bốn nhóm sản phẩm chiếm ưu thế là cá tươi/ướp lạnh trừ phi lê (0302), cá cấp đông trừ phi lê (0303), phi lê cá và thịt cá ướp lạnh/cấp đông (0304), và động vật giáp xác (0306), với mỗi nhóm đều đạt trên 110 triệu SGD. Đặc biệt, nhóm động vật giáp xác dẫn đầu với 132,9 triệu SGD, chiếm gần 24% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Giữa bối cảnh thị trường có dấu hiệu bão hòa, khi ba trong bốn nhóm chủ lực đều ghi nhận mức giảm từ 1–3%, thủy sản Việt Nam lại nổi lên như một điểm sáng. Chỉ trong một năm, Việt Nam đã vượt hai đối thủ lớn để từ vị trí thứ 5 vươn lên xếp thứ 3, chỉ sau Malaysia và Indonesia. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Singapore trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 57,2 triệu SGD, tăng 10,8% so với cùng kỳ, chiếm 10,2% tổng thị phần – một bước tiến đáng chú ý về cả quy mô và tốc độ tăng trưởng.
Nhóm phi lê cá và thịt cá ướp lạnh/cấp đông tiếp tục là sản phẩm chủ lực của Việt Nam tại thị trường này, với giá trị xuất khẩu đạt 29 triệu SGD, chiếm gần 30% thị phần. Dù thị trường chung có xu hướng chững lại, nhóm sản phẩm này vẫn duy trì đà tăng trưởng 2,1% – cho thấy sức cạnh tranh ổn định và nhu cầu tiêu thụ đối với hàng Việt vẫn cao.
Bên cạnh đó, nhóm động vật giáp xác cũng ghi nhận mức tăng 13,3%, đạt 12,5 triệu SGD. Đặc biệt, nhóm động vật thân mềm – một dòng sản phẩm vốn chiếm tỷ trọng nhỏ – lại đạt mức tăng trưởng vượt trội 172,1%, đạt 7,1 triệu SGD. Thành tích này cho thấy hiệu quả từ nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu cũng như khả năng thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Cao Xuân Thắng – Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore, thành công này là kết quả của cả quá trình chuẩn bị dài hơi và bài bản, từ chiến lược xúc tiến thương mại đến nâng cao chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt. Trong nhiều năm qua, các hoạt động kết nối giao thương đã được triển khai thường xuyên, góp phần từng bước khẳng định thương hiệu thủy sản Việt tại thị trường vốn nổi tiếng khắt khe như Singapore.
Củng cố năng lực cạnh tranh và mở rộng thị phần bền vững
![]() |
Doanh nghiệp Việt đầu tư công nghệ và nâng chuẩn chất lượng để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường xuất khẩu. |
Dù đạt được bước tiến đáng ghi nhận, ngành thủy sản Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể nếu muốn duy trì và mở rộng vị thế tại thị trường Singapore. Trước hết là sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực. Malaysia và Indonesia hiện vẫn giữ thế thượng phong với kim ngạch nhập khẩu lần lượt đạt 75,2 triệu SGD và 63,2 triệu SGD, nắm giữ lợi thế trong các nhóm cá tươi và giáp xác. Ngoài ra, Na Uy cũng là một đối thủ đáng gờm khi dẫn đầu thị phần nhóm cá tươi/ướp lạnh với 43,2%. Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đang tăng tốc để chiếm lĩnh thêm thị phần, tạo áp lực lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Về nội tại, chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố cần cải thiện. Các tiêu chuẩn của thị trường Singapore ngày càng khắt khe, đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ đảm bảo độ tươi ngon mà còn phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát dư lượng hóa chất. Đây là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa có điều kiện đầu tư đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng.
Một rào cản khác là chi phí sản xuất còn cao, làm giảm sức cạnh tranh về giá so với các đối thủ trong khu vực. Tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch, tổn thất trong chế biến và chi phí logistics là những mắt xích quan trọng cần được tối ưu hóa. Việc phát triển chuỗi cung ứng khép kín và áp dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất là hướng đi cần được thúc đẩy để giảm giá thành và nâng cao năng suất.
Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và phát triển dòng chế biến sâu là một trong những giải pháp cốt lõi để tăng sức cạnh tranh và giá trị xuất khẩu. Trong đó, các nhóm sản phẩm như động vật thân mềm, cá chế biến, sản phẩm tiện lợi đóng gói sẵn… đang mở ra dư địa tăng trưởng mới. Ngoài ra, việc phát triển thương hiệu tập thể cho thủy sản Việt Nam tại thị trường Singapore sẽ giúp tạo dấu ấn riêng, nâng cao nhận diện và củng cố vị thế trước các đối thủ mạnh.
Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại cần được triển khai thường xuyên và chuyên nghiệp hơn. Việc tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm, kết nối nhà nhập khẩu và xây dựng hệ sinh thái thông tin thị trường sẽ hỗ trợ doanh nghiệp có chiến lược tiếp cận hiệu quả, tránh phụ thuộc vào một vài mặt hàng hay kênh phân phối cố định.
Việc thủy sản Việt Nam vươn lên vị trí thứ ba tại thị trường Singapore không chỉ là thành tích đơn lẻ, mà còn là dấu hiệu cho thấy khả năng bứt phá nếu có chiến lược đúng đắn và hành động quyết liệt. Trong hành trình khẳng định vị thế tại những thị trường cao cấp, Singapore chính là bàn đạp quan trọng – nơi Việt Nam có thể đo lường chất lượng sản phẩm, sức mạnh thương hiệu và năng lực cạnh tranh một cách toàn diện.