![]() |
Các loại gạo Việt Nam được bày bán đa dạng tại thị trường nội địa – nền tảng để mở rộng thị phần và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. ẢNH: M.Đ |
Tăng tốc ngoại giao gạo đa phương
Từ ngày 5–7/7/2025, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng tại Brazil, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có nhiều cuộc gặp song phương với lãnh đạo các quốc gia Brazil, Malaysia và Indonesia. Đây là cơ hội quan trọng để thúc đẩy hợp tác chiến lược trong lĩnh vực nông sản, đặc biệt là gạo – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Kết quả đáng chú ý là Việt Nam đã đạt được nhiều thỏa thuận trọng yếu. Với Brazil, hai bên nhất trí ký kết hiệp định hợp tác bảo đảm an ninh lương thực lâu dài, theo đó Việt Nam sẽ cung cấp gạo ổn định cho thị trường hơn 200 triệu dân. Đây là bước đi chiến lược, giúp gạo Việt hiện diện tại một trong những đầu mối lớn nhất Nam Mỹ.
Tại Malaysia, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò là đối tác cung cấp gạo chủ lực thông qua thỏa thuận hợp tác lâu dài, đảm bảo nguồn cung ổn định. Với Indonesia – quốc gia từng nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới – hai bên thống nhất thúc đẩy ký kết Hiệp định thương mại gạo nhằm hướng tới ổn định cả về giá cả lẫn nguồn cung trong dài hạn.
Không chỉ dừng lại ở các cuộc gặp bên lề, tại Hội nghị với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ngày 22/7/2025, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy đàm phán thương mại gạo với năm đối tác trọng điểm: Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore và Brazil. Những chỉ đạo này phản ánh rõ định hướng lấy ngoại giao kinh tế làm đòn bẩy cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và tạo đà cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo.
Hưởng ứng chỉ đạo, Bộ Công Thương đã chủ động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ký kết biên bản ghi nhớ và chuẩn bị cho các hiệp định thương mại gạo. Đặc biệt, Bộ đã gửi công hàm và dự thảo điều khoản tham chiếu đến năm nước trên, thể hiện quyết tâm mở rộng “hành lang gạo” chiến lược.
Gần đây nhất, ngày 23/7/2025, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Senegal, Việt Nam và Senegal đã ký kết Biên bản ghi nhớ về thương mại gạo. Theo đó, Việt Nam nhất trí thúc đẩy xuất khẩu 100.000 tấn gạo mỗi năm sang quốc gia châu Phi này, tùy theo điều kiện thị trường và giá quốc tế. Đây là động thái quan trọng giúp gạo Việt tiếp cận thêm thị trường mới ngoài khu vực châu Á, đồng thời mở rộng quan hệ thương mại Nam – Nam.
Giải bài toán thị trường từ nội lực và chiến lược
![]() |
Nông dân thu hoạch và vận chuyển lúa – mắt xích đầu tiên nhưng then chốt trong chuỗi giá trị xuất khẩu gạo bền vững của Việt Nam. |
Sáu tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,9 triệu tấn, tương đương 2,54 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng tăng 7,6% nhưng giá trị giảm 12,2%, phản ánh sức ép về giá trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu dồi dào. Trong khi đó, các quốc gia nhập khẩu chủ lực của Việt Nam đang có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung, chủ động dự trữ gạo nội địa nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Philippines – khách hàng truyền thống và là thị trường lớn nhất của gạo Việt – vẫn duy trì đà tăng trưởng với khối lượng nhập khẩu 2,1 triệu tấn trong nửa đầu năm 2025, chiếm tới 45% tổng lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, tại Indonesia, tình hình lại khác biệt. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang thị trường này chỉ đạt 18.427 tấn, tương đương 8,23 triệu USD – giảm tới 97% về lượng và 98% về giá trị. Nguyên nhân là Indonesia đã tích cực gia tăng dự trữ nội địa, với kho gạo đạt mức kỷ lục 4,2 triệu tấn từ đầu tháng 7/2025.
Cạnh tranh từ Ấn Độ – quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – cũng đặt ra thách thức lớn. Việc nới lỏng các lệnh hạn chế xuất khẩu khiến gạo Ấn Độ quay trở lại thị trường với giá cạnh tranh hơn, tác động đáng kể đến thị phần và giá xuất khẩu của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, bài toán đặt ra không chỉ là tìm thêm thị trường mới, mà còn là bài toán chất lượng và hệ sinh thái. Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, hành trình của gạo Việt ra thế giới không chỉ đơn thuần là vận chuyển một loại nông sản, mà còn là chuyển tải một chiến lược thị trường, cạnh tranh, chọn đúng thời điểm và tận dụng các yếu tố “nghĩa tình” trong quan hệ quốc tế.
Thực tế, hành trình của gạo Việt đã trải qua nhiều dấu mốc ấn tượng. Từ năm 1999, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Năm 2011 ghi nhận sản lượng kỷ lục 7,1 triệu tấn với kim ngạch 3,65 tỷ USD. Đến năm 2024, sản lượng đạt 9 triệu tấn, giá trị xuất khẩu 5,7 tỷ USD, và giá bình quân lên tới 627,9 USD/tấn – mức cao nhất lịch sử. Gạo Việt hiện có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, là minh chứng rõ nét cho thương hiệu và uy tín ngày càng được khẳng định trên thị trường quốc tế.
Để tiếp tục phát huy đà tăng trưởng, các giải pháp đang được đề xuất bao gồm: duy trì ổn định tại các thị trường truyền thống, thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường mới, điều chỉnh cơ cấu chủng loại gạo phù hợp thị hiếu tiêu dùng, và đặc biệt là phát triển hệ sinh thái tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs). Ngoài ra, việc ký kết các Biên bản ghi nhớ và Hiệp định thương mại gạo không chỉ bảo đảm tính ổn định dài hạn cho xuất khẩu, mà còn là nền tảng để ngành lúa gạo nâng cao giá trị, phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng phức tạp.