Thương mại điện tử Nhật mở lối cho hàng Việt Hàng giả trên sàn thương mại điện tử: Vấn nạn cũ – thách thức mới Định danh người bán online: Bước chuyển quan trọng của thương mại điện tử |
Hệ sinh thái chưa đủ lực cho xuất khẩu số
![]() |
Gian hàng công nghệ tại sự kiện kết nối thương mại điện tử – nơi các doanh nghiệp còn thiếu hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ để vươn ra quốc tế. |
Trong kỷ nguyên kinh tế số, thương mại điện tử đang nổi lên như một trụ cột chiến lược giúp Việt Nam mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu. Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021–2025 đã xác định rõ vai trò tiên phong của lĩnh vực này trong hiện đại hóa sản xuất, phân phối và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa kỳ vọng đó, Việt Nam cần nhiều hơn là chỉ phát triển các sàn thương mại điện tử đơn lẻ. Theo các chuyên gia, vấn đề không nằm ở thiếu kênh mà ở sự thiếu đồng bộ của toàn bộ hệ sinh thái thương mại điện tử. Đây là một hệ sinh thái phức hợp – nơi các cơ quan quản lý, doanh nghiệp công nghệ, nhà sản xuất, đơn vị logistics, tổ chức tài chính, đào tạo và truyền thông cần phối hợp chặt chẽ, tương tác và hỗ trợ lẫn nhau.
Thực tế cho thấy không một doanh nghiệp hay cơ quan nào có thể đơn độc giải quyết tất cả các khía cạnh của thương mại điện tử xuyên biên giới – từ hạ tầng số, thanh toán, vận hành logistics cho đến tiếp cận thị trường và dịch vụ sau bán hàng. Đó là lý do vì sao nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn loay hoay khi bước vào sân chơi xuất khẩu số.
Một nguyên nhân quan trọng là thiếu chiến lược dài hạn và năng lực nội tại để vận hành hiệu quả toàn chuỗi giá trị. Theo ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm eComDX (thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương), nhiều doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc “đưa hàng lên sàn” mà chưa thật sự xây dựng được hệ thống dữ liệu, chiến lược marketing xuyên biên giới hay nền tảng vận hành hậu mãi bền vững.
Ngoài ra, hạn chế về logistics quốc tế, quản trị đơn hàng đa thị trường và thiếu dữ liệu người tiêu dùng theo vùng địa lý đang khiến các doanh nghiệp khó cạnh tranh với đối thủ quốc tế. “Nhiều doanh nghiệp bước vào thị trường toàn cầu mà không có công cụ đo lường, phân tích, dẫn đến bị động và dễ thất bại”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Kết nối toàn diện để tạo lợi thế bền vững
![]() |
Hệ thống thương mại điện tử hiện đại cần tích hợp từ thanh toán, logistics đến dữ liệu người dùng để doanh nghiệp chủ động kết nối thị trường quốc tế. |
Trong bối cảnh này, vai trò điều phối, hỗ trợ và kiến tạo thể chế của cơ quan nhà nước là vô cùng quan trọng. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang tích cực triển khai nhiều chương trình hành động để nâng cao năng lực hệ sinh thái, đồng thời đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc số hóa chuỗi xuất khẩu. Trọng tâm của các nỗ lực này là hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận công nghệ, đào tạo kỹ năng số, phát triển thanh toán không tiền mặt, logistics thông minh và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Đặc biệt, việc thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới đang được coi là một trong những đòn bẩy quan trọng để mở rộng kênh xuất khẩu và đưa sản phẩm Việt thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Một điểm nhấn đáng chú ý trong thời gian tới là Diễn đàn Ứng dụng thương mại điện tử và Công nghệ số Việt Nam 2025, diễn ra từ ngày 4–6/9/2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Vietnam International Sourcing 2025, với sự tham gia của hơn 300 đoàn doanh nghiệp quốc tế cùng đại diện 60 Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Diễn đàn này không chỉ là nơi cập nhật công nghệ mới mà còn là không gian để các doanh nghiệp Việt trực tiếp kết nối với đối tác nước ngoài, tìm kiếm cơ hội giao thương, đầu tư, và gọi vốn từ các quỹ quốc tế. Ngoài các chủ đề như logistics, tài chính số, vận hành thương mại điện tử và chuyển giao công nghệ, diễn đàn còn tập trung vào giải pháp xây dựng năng lực nội tại cho doanh nghiệp, từ dữ liệu đến vận hành và tư duy thị trường. “Chúng tôi kỳ vọng diễn đàn sẽ góp phần tạo bước ngoặt về tư duy xuất khẩu số cho doanh nghiệp Việt. Thay vì phụ thuộc vào nền tảng có sẵn, các doanh nghiệp cần làm chủ mô hình vận hành và dữ liệu để cạnh tranh một cách bền vững hơn”, ông Hoàng nhận định.
Việc mở rộng thử nghiệm mô hình xuất khẩu thông qua thương mại điện tử đang được xúc tiến giữa Trung tâm eComDX và các đối tác vận hành quốc tế. Các mô hình này không chỉ giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, mà còn từng bước nâng cao khả năng thích ứng và tự chủ trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. 3233Bài học rút ra là: không chỉ có công nghệ, mà còn cần hệ thống tư duy mới – tư duy toàn diện về dữ liệu, vận hành và chiến lược thị trường. Chỉ khi đó, thương mại điện tử mới thật sự trở thành đòn bẩy vững chắc cho tăng trưởng xuất khẩu và nâng tầm thương hiệu quốc gia trong nền kinh tế số toàn cầu.