Lý do các sàn thương mại điện tử chưa thể nộp thuế thay nhà bán từ 1/4 Nâng tầm hàng Việt trong hội nhập kinh tế sâu rộng Siết livestream, chặn hàng giả trên thương mại điện tử |
Gian lận, trốn thuế và nỗi lo từ người bán vô danh
![]() |
Hoạt động giao thương nông sản qua nền tảng số ngày càng phổ biến tại Việt Nam. |
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2024, quy mô thị trường TMĐT B2C đạt khoảng 650.000 tỷ đồng (30 tỷ USD), chiếm gần 10% doanh thu bán lẻ và đóng góp gần 20% GDP. Với đà tăng trưởng 18–25% mỗi năm, TMĐT Việt Nam được dự báo sẽ đạt 63 tỷ USD vào năm 2030 – đứng thứ hai Đông Nam Á. Hiện người tiêu dùng Việt chi khoảng 1 tỷ USD mỗi tháng qua các sàn như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop.
Tuy nhiên, sự bùng nổ TMĐT cũng dẫn đến hàng loạt rủi ro như gian lận thương mại, trốn thuế, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ và khó khăn trong xử lý khiếu nại. Một trong những thách thức lớn là tình trạng “người bán vô danh” – tức không công khai thông tin cơ bản như tên, địa chỉ, số điện thoại hay mã số thuế. Khi xảy ra tranh chấp, việc truy vết và xử lý trách nhiệm gặp nhiều khó khăn.
Việc định danh người bán không chỉ là một bước kỹ thuật, mà là nền tảng để gắn trách nhiệm pháp lý cho mỗi giao dịch. Khi người bán có mã định danh rõ ràng, họ phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm quy định về chất lượng, xuất xứ hay nghĩa vụ thuế. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng cấm, hàng giả hoặc kê khai thuế gian dối.
Ngoài ra, định danh cũng giúp tăng thu ngân sách và cải thiện quản lý thuế. Trong 5 tháng đầu năm 2025, khu vực TMĐT nộp 74.400 tỷ đồng tiền thuế – tăng 55% so với cùng kỳ năm 2024. Với định danh, cơ quan thuế có thể tự động khấu trừ, giám sát nghĩa vụ thuế qua nền tảng số thay vì chờ người bán tự khai. Đây là tiền đề để mở rộng cơ sở thu và giảm thất thu trong nền kinh tế số.
Đặc biệt, chính sách định danh mang ý nghĩa lớn với người dân vùng nông thôn, miền núi, phụ nữ khởi nghiệp, lao động tự do – những nhóm đang tham gia vào TMĐT nhưng chưa thể tiếp cận hệ thống kinh doanh chính quy. Khi được định danh, họ có thể nhận hỗ trợ tín dụng ưu đãi, tham gia chương trình khởi nghiệp và được bảo vệ trong giao dịch.
Minh bạch hóa thị trường và hiện đại hóa hệ sinh thái
![]() |
Ứng dụng công nghệ số trong thương mại điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển. |
Về mặt chính sách, Nghị định 117/2024 yêu cầu các sàn TMĐT phải khấu trừ và nộp thuế thay người bán từ ngày 1/7/2025. Dự thảo Luật TMĐT, dự kiến trình Quốc hội tháng 10/2025, bắt buộc người bán online phải đăng ký mã số thuế và định danh. Về kỹ thuật, hệ thống VNeID được dùng để xác thực danh tính. Các sàn như Shopee, Lazada, TikTok Shop đã tích hợp API để chuyển dữ liệu thuế sang cơ quan chức năng. Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Công an đang xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa VNeID, cơ sở dữ liệu thuế và dân cư.
Chính sách định danh đang tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Trước hết là việc tăng thu ngân sách, thể hiện qua số thu 74.400 tỷ đồng từ TMĐT trong 5 tháng đầu năm 2025. Dự kiến cả năm, con số này có thể đạt 180.000–200.000 tỷ đồng, chủ yếu từ các tài khoản đã định danh. Điều này cho thấy hiệu quả rõ rệt trong minh bạch hóa dòng tiền và kiểm soát nghĩa vụ thuế. Song song đó, định danh đang giúp lấy lại niềm tin của người tiêu dùng – điều vốn bị ảnh hưởng do các vụ lừa đảo, giao sai hàng hoặc mất liên lạc với người bán.
Các sàn ghi nhận tỉ lệ khiếu nại cao hơn ở các gian hàng chưa xác thực, trong khi người dùng ưu tiên chọn mua tại gian hàng có gắn biểu tượng định danh. Danh tính rõ ràng vì vậy không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là lợi thế cạnh tranh thực sự. Về lâu dài, định danh giúp chính quy hóa toàn bộ hệ sinh thái TMĐT. Người bán nhỏ lẻ được kết nối với hệ thống tài chính chính thức, dễ dàng kê khai và nộp thuế tự động, xây dựng hồ sơ tín dụng từ dữ liệu giao dịch, tiếp cận nguồn vốn và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp. Nhà nước cũng có thể giám sát giao dịch hiệu quả, giảm gánh nặng quản lý thủ công.
Tuy vậy, vẫn còn những trở ngại cần tháo gỡ. Người bán nhỏ chưa quen với thủ tục đăng ký mã số thuế, lo ngại quyền riêng tư khi dùng VNeID. Chất lượng định danh giữa các sàn TMĐT chưa đồng đều. Hành lang pháp lý về chia sẻ dữ liệu, bảo mật thông tin và giải quyết tranh chấp còn thiếu rõ ràng. Để khắc phục, cần tổ chức thí điểm định danh với nhóm người bán có doanh thu lớn, sau đó mở rộng sang nhóm nhỏ lẻ. Cần sớm ban hành các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân trong TMĐT.
Song song, các cơ quan chức năng cần tổ chức tập huấn định danh và khai thuế cho người bán nhỏ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Việc chia sẻ dữ liệu định danh giữa Bộ Công Thương, Tổng cục Thuế và Bộ Công an cần đảm bảo bảo mật và hiệu quả. Các sàn nên tích hợp định danh VNeID và mã số thuế ngay từ bước tạo gian hàng, đồng thời công khai tỷ lệ vi phạm để tăng minh bạch và củng cố niềm tin thị trường.
Tại Hà Nội – địa phương đi đầu về chuyển đổi số – cần xác định định danh người bán là một phần quan trọng trong chính sách thương mại đô thị thông minh. Có thể triển khai các mô hình như sàn TMĐT minh bạch, quản lý thuế tự động và hậu kiểm bằng công nghệ số. Những giải pháp này sẽ góp phần xây dựng môi trường kinh doanh số minh bạch, công bằng và bền vững.