Tăng trưởng ấn tượng nhưng chưa trọn tiềm năng
![]() |
Nông dân thu hoạch chanh dây với năng suất cao, nhưng liên kết chuỗi và quy hoạch vùng trồng vẫn còn nhiều hạn chế. |
Sự phát triển nhanh chóng của ngành chanh dây trong 10 năm qua là minh chứng rõ nét cho sức bật của một ngành hàng mới nổi. Từ con số 0, chanh dây Việt Nam đã gia nhập nhóm trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao, với năng suất từ 40–60 tấn/ha – gấp đôi mức trung bình của nhiều quốc gia Nam Mỹ. Thêm vào đó, thời gian thu hoạch chỉ sau 6 tháng trồng giúp loại cây này chiếm lợi thế rõ rệt về chu kỳ sản xuất.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nafoods – cho biết, riêng mảng chế biến như nước cô đặc và puree từ chanh dây đã tiến sát ngưỡng 300 triệu USD. Nếu cộng thêm quả tươi, tổng kim ngạch toàn ngành có thể vượt mốc 500 triệu USD ngay trong năm 2025, và tiếp tục hướng đến mục tiêu 1 tỷ USD trong tương lai gần. Đáng chú ý, giống chanh dây ngọt do Nafoods phát triển từng đạt mức giá bán tại vườn lên đến 100.000 đồng/kg – một con số hiếm gặp trong ngành nông sản tươi Việt Nam.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng này vẫn chưa được khai thác triệt để. Cả nước hiện mới có khoảng 9.500 ha trồng chanh dây, chủ yếu tập trung ở khu vực Tây Nguyên. Thị trường xuất khẩu vẫn lệ thuộc lớn vào Trung Quốc, trong khi nhiều thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đang trong quá trình đàm phán hoặc chờ hoàn thiện thủ tục kiểm dịch. Mặt khác, tình trạng phát triển tự phát theo phong trào tại nhiều địa phương khiến nguy cơ cung vượt cầu, rớt giá dây chuyền luôn hiện hữu.
Theo ThS. Ngô Quốc Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, một trong những điểm nghẽn lớn nhất của ngành là thiếu hệ thống truy xuất nguồn gốc bài bản và liên kết chuỗi chưa chặt chẽ. “Muốn xuất khẩu bền vững, phải làm tốt từ gốc. Mỗi nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp đều cần là mắt xích minh bạch trong một chuỗi sản xuất có trách nhiệm”, ông Tuấn khẳng định.
Bên cạnh đó, các rào cản kỹ thuật từ phía thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe, đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm, mã số vùng trồng, tiêu chuẩn GAP... Nếu không kiểm soát nghiêm ngặt, chính những yêu cầu này sẽ trở thành rào cản lớn nhất khiến chanh dây Việt không thể vươn xa.
Cải tổ toàn diện từ giống đến chuỗi giá trị
![]() |
Dây chuyền chế biến chanh dây hiện đại góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và tăng giá trị xuất khẩu. Ảnh: Hồng Điệp |
Để hiện thực hóa mục tiêu tỷ USD, các chuyên gia cho rằng ngành chanh dây cần một cuộc cải tổ toàn diện – cả về tư duy sản xuất lẫn chính sách hỗ trợ. Yếu tố đầu tiên là giống – nền tảng quyết định năng suất và chất lượng. Việc sử dụng tràn lan giống kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc đang gây ra hệ lụy không nhỏ cho hiệu quả sản xuất và hình ảnh nông sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất: “Doanh nghiệp rất cần cơ chế cho phép nhập khẩu nhanh các giống chanh dây chất lượng cao, cùng vật tư chuyên dụng và giá thể từ các quốc gia có công nghệ tiên tiến. Nếu được tạo điều kiện, chúng tôi sẵn sàng đầu tư sâu hơn vào chọn tạo giống phù hợp với thị trường quốc tế.”
Tiếp theo là việc tổ chức lại vùng trồng theo hướng bài bản và bền vững. Cần chấm dứt tình trạng “trồng theo giá”, thiếu kiểm soát về quy mô, tiêu chuẩn và đầu ra. Nhà nước nên sớm quy hoạch vùng trồng trọng điểm, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chặt chẽ mã số vùng trồng – qua đó nâng cao độ tin cậy khi xuất khẩu và đảm bảo truy vết khi cần thiết.
Khâu chế biến sâu cũng đóng vai trò quan trọng trong nâng tầm giá trị sản phẩm. Các sản phẩm từ chanh dây như nước cô đặc, nước ép hỗn hợp, bột, puree… đang có sức hút lớn tại thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Theo Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, nhiều công nghệ bảo quản hiện đại như cấp đông siêu tốc, tạo màng sinh học hay sấy thăng hoa đã được chuyển giao thành công cho doanh nghiệp trong nước. Việc đẩy mạnh ứng dụng những công nghệ này sẽ giúp ngành chanh dây thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường quả tươi – vốn dễ hư hỏng và biến động giá mạnh.
Một yếu tố then chốt khác là chiến lược xây dựng thương hiệu. Chanh dây tím của Việt Nam đang được đánh giá cao hơn giống vàng của Nam Mỹ nhờ hương vị dễ chịu, phù hợp thị hiếu toàn cầu. Đây là thời điểm thuận lợi để định vị thương hiệu “chanh dây Việt Nam” gắn với câu chuyện sản xuất bền vững, vùng trồng rõ nguồn gốc, tiêu chuẩn quốc tế và chất lượng ổn định. Khi thương hiệu mạnh, chanh dây không chỉ hiện diện tại siêu thị mà còn có chỗ đứng trong tâm trí người tiêu dùng toàn cầu.
Chanh dây Việt Nam đã đi qua giai đoạn khởi đầu để bước vào giai đoạn tăng tốc. Mục tiêu kim ngạch tỷ USD sẽ không còn xa nếu toàn ngành có sự đồng thuận về tầm nhìn, chiến lược hành động và được hỗ trợ bởi hệ sinh thái chính sách đồng bộ. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ cần chủ động nâng cao chất lượng, thiết lập tiêu chuẩn nội ngành và đầu tư chiều sâu vào sản phẩm. Thay vì trông chờ vào tín hiệu thị trường, chính việc xây nền móng vững chắc về giống, vùng trồng, chế biến và thương hiệu mới là con đường bền vững để chạm tới mục tiêu tỷ đô.