Lão nông Nguyễn Hữu Công (Long Phú, Sóc Trăng) thành công với mô hình chanh dây ngọt. |
Nhờ lai tạo thành công giống chanh dây ngọt, lão nông Nguyễn Hữu Công (Sáu Công) ở xã Song Phụng (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) đã có thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm từ giống cây quý này.
Ông Công cho biết, để có được giống quý này, ông đã phải mày mò nghiên cứu cả năm trời mới cho ra trái có vị ngọt thanh như hiện nay. Năm 2015, ông được một người em cho 10 hạt giống chanh dây Colombia về trồng. Trong số 10 hạt giống đó thì có 5 hạt nảy mầm nhưng chỉ có 2 dây cho trái và chỉ 1 dây trái có vị ngọt thanh, không giống như những loại chanh dây khác.
Vườn chanh dây ngọt chi chít trái của ông Sáu Công. |
Thích thú với vị ngọt này, ông Sáu Công nghĩ đến chuyện nhân giống cây ra trồng. Tuy nhiên, để ghép với giống cây gì cũng là một bài toán khó.
“Ở nông thôn, nhãn lồng (có nơi gọi là lạc tiên) là loại mọc hoang, khả năng sinh trưởng phát triển tốt cả những vùng đất mặn, lợ; trái khi chín có vị chua nhẹ, ngọt giống với mùi vị chanh dây ngọt. Nếu đem 2 thân cây này ghép lại sẽ cho ra 1 loại quả có ưu điểm đó là vị ngọt thanh, thơm đậm đà mà cây lại khoẻ. Vậy là tôi quyết định ghép cây chanh dây với gốc cây nhãn lồng”, ông Công kể về quá trình lai tạo chanh dây ngọt.
Chanh dây ngọt Sáu Công được chọn là 1 trong những sản phẩm OCOP đại diện tỉnh Sóc Trăng. |
Sau 6 tháng, chanh dây gốc nhãn lồng bắt đầu cho trái, trái chín có vỏ mỏng, vàng ươm, vị chua nhẹ, ngọt thanh. Biết đã thành công nên ông Sáu Công mạnh dạn ghép và trồng tiếp 200 gốc. Đồng thời, ông chia sẻ với chính quyền địa phương, Phòng Nông nghiệp huyện Long Phú và mạnh dạn đăng ký tham gia trưng bày tại các hội chợ, hội thảo… để giới thiệu giống cây mới.
Theo ông Sáu Công, chanh dây ngọt trồng khoảng 3,5 - 4 tháng là bắt đầu cho trái, khoảng 5 tháng sau là cho thu hoạch, mỗi đợt thu hoạch kéo dài 2 tháng, trung bình cứ 2-3 ngày là hái trái một lần. Năng suất trung bình 5-6 tấn/ha/năm. Hiện chanh dây ngọt được bán với giá từ 80.000 - 120.000 đồng/kg (tùy chất lượng trái và số lượng).
Ngoài bán chanh quả, ông còn ghép chanh dây giống để bán, mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 5.000 - 6.000 nhánh, cá biệt từ đầu năm 2023 đến nay, ông đã xuất bán 6.000 cây giống với giá từ 70.000 - 100.000 đồng/nhánh.
Hằng năm, ông Sáu Công cung cấp ra thị trường hàng ngàn cây giống chanh dây ngọt. |
Hiện nay, toàn bộ diện tích trồng chanh dây của ông Sáu Công được chứng nhận VietGAP, đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Sóc Trăng và là sản phẩm tiêu biểu để đi tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị khắp cả nước. Hiện nhiều siêu thị ở TPHCM, An Giang và một vài doanh nghiệp đặt hàng và ký kết ghi nhớ hợp tác mua sản phẩm quả chanh ngọt của ông Sáu Công.
Sở hữu giống cây quý nhưng ông Sáu Công lại không có ý nghĩ “độc quyền” mà lại muốn chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng để mọi người cùng làm giàu. Ông Công chia sẻ: “Làm nông nghiệp thì phải hướng đến thị trường xuất khẩu mới nâng cao giá trị nông sản, mà muốn xuất khẩu thì diện tích và sản lượng phải đủ lớn. Vì vậy hiện nay, tôi rất mong muốn nhiều bà con nông dân trồng chanh dây ngọt và sẵn lòng hỗ trợ kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm”.
Anh Tiền Văn Ngoan ở xã Tân Thạnh (Long Phú, Sóc Trăng) chia sẻ: “Tình cờ biết được giống chanh ngọt của ông Sáu Công nên mua 1.000 nhánh về trồng, được ông hỗ trợ giảm 30% giá giống lại thường xuyên được ông đến vườn để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu đầu ra. Dự định sắp tới tôi sẽ mở rộng thêm 1ha trồng nữa”.
Mặc dù giá chanh dây ngọt khá cao so với các loại chanh dây thông thường nhưng do mùi vị độc đáo nên được thị trường ưa chuộng. Có những vụ, dù còn cả tháng mới tới đợt thu hoạch nhưng khách đã đặt hàng hết cả vườn. Với 1,5ha chanh dây ngọt này, trung bình mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 400 - 500 triệu đồng”, ông Sáu Công phấn khởi cho biết./.