Trưng bày chuyên đề “Du lịch Quảng Ngãi - Sức hút từ Di sản và Bản sắc” Về Yên Định xem lễ hội di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hùng Lô bảo tồn giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế |
![]() |
Không giống như loại sáo thông thường, sáo mũi không chỉ là một nhạc cụ, mà còn là tiếng lòng, là lời tự sự của những chàng trai, cô gái người Xa Phó. |
Giữa núi rừng Tây Bắc, tiếng sáo mũi của người Xa Phó có một thanh âm đặc biệt đã vang vọng suốt bao đời. Không giống như loại sáo thông thường, sáo mũi không chỉ là một nhạc cụ, mà còn là tiếng lòng, là lời tự sự của những chàng trai, cô gái người Xa Phó.
Theo dòng chảy của thời gian, giá trị truyền thống này đang dần bị mai một, tiếng sáo mũi cũng có nguy cơ bị lãng quên. Tuy nhiên, ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai vẫn còn có nghệ nhân cố gắng gìn giữ, truyền dạy loại nhạc cụ độc đáo này trong cộng đồng người Xa Phó.
Tương truyền rằng, thuở xa xưa, có một đôi bạn chơi thân với nhau từ nhỏ, lớn lên trở thành một đôi trai tài gái sắc. Một ngày nọ, họ cùng nhau lên núi kiếm củi thì gặp trời mưa, bèn vào trú mưa ở một phiến đá to. Khi đang ngồi trò chuyện, họ bỗng nghe thấy những tiếng âm thanh dìu dặt, du dương kỳ lạ phát ra từ bụi nứa, hòa quyện với tiếng xào xạc của núi rừng, tạo nên một bản âm hưởng mà họ chưa từng nghe thấy bao giờ.
Chàng trai tò mò lần theo hướng phát ra âm thanh, tìm kiếm mãi mới phát hiện ra rằng, âm thanh ấy đến từ một cây nứa có những lỗ nhỏ do chim muông hoặc côn trùng đục thủng. Khi gió lùa qua, cây nứa phát ra những tiếng réo rắt kỳ lạ. Chàng trai dùng dao chặt cây nứa, đưa lên miệng thổi, nhưng không phát ra âm thanh, đang loay hoay thì chàng trai nhận ra trên các lỗ nứa vẫn còn vương nhựa cây, khi đưa lên mũi ngửi và hít vào, bất ngờ âm thanh vang lên, chàng trai liền chặt cây, cắt tỉa gọn gàng rồi thổi cho cô gái nghe, từ đó, tình yêu giữa họ dần nảy nở.
Nhưng do luật tục của dòng họ và bản làng, họ không thể lấy nhau. Buồn cho mối tình không đơm hoa kết trái, chàng trai đã gieo mình xuống dòng sông Ta Khuấn để kết thúc sinh mệnh. Thương nhớ người yêu, hàng ngày, cô gái mang cây sáo ra thổi những giai điệu mà họ từng say đắm bên nhau, tiếng sáo dìu dặt, nỉ non như nói lên nỗi lòng của mình. Cuối cùng, cô kiệt sức rồi hóa thân vào cỏ cây, hoa lá bên suối. Từ đó, cây sáo trở thành biểu tượng của tình yêu và là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Xa Phó.
Trong đời sống của người Xa Phó, âm nhạc không chỉ là một hình thức giải trí, mà còn là linh hồn của văn hóa gắn liền với truyền thống và bản sắc tộc. Có hai loại nhạc cụ được người Xa Phó sử dụng đó là kèn ma nhí dành cho đàn ông và sáo mũi dành cho phụ nữ.
Nếu như kèn ma nhí thể hiện sự mạnh mẽ, uy quyền, thì sáo mũi lại mang âm hưởng mềm mại, sâu lắng thường vang lên trong những lễ hội, nghi lễ hay những khoảng khắc sinh hoạt đời thường, đó là cách để người Xa Phó bày tỏ niềm vui, nỗi niềm và sự gắn kết cộng đồng, người biết thổi sáo cũng là một nghệ nhân chế tác vật liệu làm sáo vẫn được bà con lưu giữ.
![]() |
Theo người dân bản đại, để làm sáo đòi hỏi phải tĩnh tâm, làm từ từ mới được. |
Việc tìm kiếm loại nứa phù hợp cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, vào những ngày đầu xuân khi tiết trời ấm áp, bà con chọn ngày đẹp để lên rừng tìm nứa. Trước khi vào rừng, họ tổ chức một nghi lễ trang trọng tại nhà gồm con gà, chai rượu được dâng lên tổ tiên, thần rừng để cầu mong sự cho phép.
Nghệ nhân sẽ đi về hướng Đông, hướng mặt trời mọc như một lời nguyện ước về sự khởi đầu tốt lành. Mỗi cây nứa được chọn lựa cẩn thận, không quá già và không quá non để khi chế tác, tiếng sáo có thể trầm bổng vang xa mang theo hơi thở của núi rừng, đó không chỉ là một nhạc cụ, mà còn là linh hồn của người Xa Phó.
Theo người dân bản đại, để làm sáo đòi hỏi phải tĩnh tâm, làm từ từ mới được. Đặc biệt, khi làm phải gửi gắm tình cảm vào đó, cắt gọt, khoét lỗ cũng phải căn chỉnh thật khéo thì sáo mới có âm thanh hay, vang xa. Với sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ cùng nhịp sống hối hả của nền kinh tế hiện đại, lớp trẻ ngày nay dường như bị cuốn vào vòng quay kiếm tiền, ít ai còn mặt mà với những giá trị truyền thống, đặc biệt là các loại nhạc cụ dân tộc, trong đó cây sáo mũi, một nét văn hóa đặc trưng, độc đáo đang dần rơi vào quên lãng.
Để truyền dạy sáo mũi được thuận lợi, ngoài những ngày nông nhàn hay khi trời mưa gió không thể lên nương, chị em trong thôn lại quây quần bên nhau cùng học thổi sáo, trau dồi kỹ năng. Cùng với sự nỗ lực của mỗi cá nhân, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng dành sự quan tâm, động viên tới các nghệ nhân thổi sáo mũi để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên, không chỉ tạo sân chơi cho bà con thể hiện những giai điệu sáo yêu thích, mà còn khơi dậy niềm tự hào, truyền động lực để cộng đồng người Xa Phó giữ gìn, bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, để việc bảo tồn sáo mũi hiệu quả, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ cùng với sự đầu tư hợp lý của Nhà nước. Việc giữ gìn sáo mũi không chỉ dừng lại khía cạnh âm nhạc, mà còn gắn với các nghi lễ, lễ hội và sinh hoạt thường ngày, góp phần làm sống dậy tinh thần văn hóa của người Xa Phó. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị và ý nghĩa sâu sắc của sáo mũi trong đời sống văn hóa dân tộc. Chỉ khi hiểu rõ tầm quan trọng của nhạc cụ này, người Xa Phó mới có thể chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy.
Theo ông Dương Tuấn Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Lào Cai, sáo mũi không đơn thuần là một nhạc cụ truyền thống, mà còn là linh hồn, là biểu tượng gắn liền với đời sống và tinh thần của người Xa Phó. Bảo tồn và phát huy cây sáo mũi cũng chính là gìn giữ một phần di sản quý báu của Lào Cai. Đồng thời góp phần lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc để tiếng sáo mũi mãi ngân vang.
Để bảo tồn và phát huy cây sáo mũi cần có định hướng lâu dài ở trong các trường học, thành lập câu lạc bộ và truyền dạy sáo mũi ở trong nhà trường. Coi đó là một trong những nhiệm vụ của nhà trường, cũng như của học sinh, nhất là các em người dân tộc thiểu số, bởi khi chúng ta truyền dạy thì không chỉ có nhạc cụ, văn hóa, văn nghệ mà các em học sinh còn hiểu được giá trị của di sản, giá trị của các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.