Bánh áp chao - Ẩm thực đường phố nổi tiếng xứ Lạng Phở chua Lạng Sơn - Món ăn không nước dùng độc đáo Bánh ngải Lạng Sơn vỏ xanh mềm mịn, ngọt ngào bên trong |
![]() |
Việc công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển chung. |
Mới đây, tại phiên họp lần thứ 221 của Ban Chấp hành UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) đã công bố danh sách 16 Công viên địa chất toàn cầu mới, trong đó có Công viên địa chất Lạng Sơn, đưa tổng số công viên địa chất toàn cầu trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO lên 229 công viên tại 50 quốc gia.
Việc công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO có ý nghĩa rất quan trọng cho phát triển Du lịch bền vững của tỉnh, kết nối Lạng Sơn với các đối tác trong mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển bền vững chung, tạo thêm động lực, cơ hội tập trung nguồn lực hơn nữa để tỉnh Lạng Sơn tăng cường, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cũng như các danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh Lạng Sơn.
Ngoài ra, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn sở hữu những giá trị độc đáo, tiêu biểu, nổi bật có thể đóng góp, bổ sung quan trọng vào chương trình bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống Công viên địa chất toàn cầu.
Ông Hoàng Xuân Thuận - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: "Năm nay kỷ niệm 10 năm thành lập và Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu quy tụ các lãnh thổ được công nhận về di sản địa chất phong phú - tạo hình đá, núi hoặc núi lửa, hang động, hẻm núi, địa điểm hóa thạch hoặc cảnh quan sa mạc cổ đại - nơi chứng kiến cho lịch sử, sự tiến hóa của hành tinh chúng ta và khí hậu. Những địa điểm này cũng là nơi để bảo tồn và giáo dục môi trường, nơi các cộng đồng địa phương và bản địa có thể quảng bá văn hóa của họ".
Theo ông Thuận, mỗi năm, thành viên mới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO được bổ sung vào Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO theo quyết định của Hội đồng Điều hành của UNESCO, 15 Công viên địa chất mới được công nhận nằm ở 10 quốc gia gồm: Trung Quốc (Kanbula và Yunyang), Bắc Triều Tiên (Núi Paektu), Ecuador (Napo Sumaco và Tungurahua), Indonesia (Kebumen và Meratus), Ý (Mur), Na Uy (Bờ biển Fjord), Hàn Quốc (Đan Dương và Kyungbuk), Ả Rập Saudi (Salma và Bắc Riyadh), Tây Ban Nha (Costa Quebrada), Vương quốc Anh (Arran).
![]() |
Các chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đến thẩm định tại Hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai, huyện Bình Gia, di tích nằm trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn. |
Công viên địa chất Lạng Sơn có phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của các huyện: Bắc Sơn; Chi Lăng; Hữu Lũng; Lộc Bình; Văn Quan; thành phố Lạng Sơn; một phần địa giới hành chính của huyện Bình Gia và huyện Cao Lộc với tổng diện tích khoảng 4.842,58 km2. Công viên có dân số khoảng 627.500 người (tương đương chiểm khoảng 78% dân số toàn tỉnh). Là mảnh đất hội tụ, giao lưu của 7 dân tộc chính gồm: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông...,
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn kể câu chuyện về sự thay đổi của biển, phun trào núi lửa và hệ sinh thái đang phát triển từ hàng triệu năm về trước.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, Công viên địa chất Lạng Sơn có hệ sinh thái đặc biệt, mà điển hình là ở Khu dự trữ thiên nhiên Hữu Liên với diện tích 8.293,4 ha đã ghi nhận được 794 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 162 họ, với 31 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 57 loài thú, 23 loài bò sát, 14 loài lưỡng cư.
Ngoài ra, trung tâm của đời sống tâm linh tại khu vực công viên địa chất Lạng Sơn là Đạo Mẫu, tín ngưỡng thờ Mẫu, kết hợp âm nhạc, hầu đồng và kể chuyện để tôn vinh các vị thần được cho là cai quản các cõi trời, đất, núi, rừng và nước.
Hiện, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và hát Then đều được ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Các tập tục văn hóa này, được truyền qua nhiều thế hệ, vẫn là trung tâm của bản sắc cộng đồng địa phương trong vùng công viên địa chất Lạng Sơn.