Cao Bằng: Tích cực bảo tồn, gìn giữ trang phục dân tộc Mông đen Hòa Bình: Nét đẹp trang phục truyền thống của đồng bào Mông Nét đẹp trang phục truyền thống của người Pà Thẻn |
Trang phục và Cổ phục thời Đinh
![]() |
Nhóm bạn trẻ yêu thích trang phục Việt Nam trình diễn cổ phục Việt. |
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, Ninh Bình có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, vừa là nơi tham quan du lịch, vừa là nơi có thể làm bối cảnh sáng tạo các sản phẩm văn hóa đặc sắc. Bên cạnh đó, Ninh Bình còn là kinh đô của Việt Nam giai đoạn 968 - 1010 với 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý và cũng là địa bàn quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự qua các thời kỳ lịch sử.
Những dấu mốc và sự kiện lịch sử của dân tộc gắn liền với những nhân vật kiệt xuất như: Đinh Tiên Hoàng, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyễn Minh Không, Trương Hán Siêu... qua các thời kỳ lịch sử tiêu biểu của Ninh Bình. Đây là những chất liệu “đầu vào” tuyệt vời để tạo ra các sản phẩm dịch vụ văn hóa với đa dạng loại hình... nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa ngày càng mạnh mẽ và đa dạng của người dân.
Tại Hội thảo đã giới thiệu các bộ trang phục: 2 bộ giáp trụ, binh sĩ và tướng lĩnh thời Đinh-Tiền Lê của tác giả Nguyễn Ngọc Phương Đông; phục trang và tập quán dân thường thời Đinh của Họa sĩ Phan Thanh Nam; bộ trang phục nam chính (Kinh) và nữ chính (Kinh) của tác giả Dương Phạm Trí; Kinh Bắc Legacy kết hợp cùng họa sĩ Cao Việt Nguyễn trình bày 3 bộ: Thái hậu Dương Vân Nga, Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Lê Đại Hành…; Great Vietnam phỏng dựng trang phục áo viên lĩnh đại khâm; nhóm Bách Hoa Bộ Hành trình diễn 20-25 bộ cổ phục; nhóm Ỷ Vân Hiên chia sẻ hành trình phục dựng, chấn hưng lại y quan văn vật lịch sử của dân tộc…
Từ các bộ trang phục được giới thiệu tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia đã đóng góp ý kiến, trao đổi về việc phân tích, làm rõ một số vấn đề về trang phục, cổ phục thời Đinh, cũng như các ứng dụng trong thiết kế, sản xuất trang phục, cổ phục ở thế kỷ X để nghiên cứu, ứng dụng trong các hoạt động văn hóa hiện đại, trong đó có phim ảnh, nghệ thuật biểu diễn, các loại hình nghệ thuật khác; cung cấp, bổ sung các tư liệu, để có thêm cái nhìn toàn diện, chi tiết, cụ thể về mọi mặt đời sống, sinh hoạt văn hóa, xã hội nước ta thế kỷ X, góp phần tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất Cố đô Hoa Lư…
Hội thảo đã mang đến nhiều góc nhìn từ phương diện lịch sử, văn hóa đến ứng dụng thực tiễn trong nghệ thuật điện ảnh. Những tham luận, thảo luận của các đại biểu đã góp phần làm sáng tỏ hơn về đặc điểm trang phục thời Đinh - một triều đại có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Đồng thời, những ý kiến đóng góp cũng chỉ ra những thách thức và giải pháp trong việc phục dựng, thiết kế trang phục sao cho chân thực, phù hợp với bối cảnh lịch sử nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ và hiệu quả nghệ thuật trong phim ảnh.
Việc nghiên cứu, phục dựng trang phục thời Đinh để đưa vào phim ảnh không chỉ nhằm mục đích tái hiện lịch sử mà còn giúp bảo tồn, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Giới thiệu dự án phim “Hộ Linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ Vua Đinh
![]() |
Phỏng dựng bộ giáp trụ, binh sĩ và tướng lĩnh thời Đinh-Tiền Lê. |
Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trong đó điện ảnh là một trong 10 lĩnh vực trọng tâm. Vừa qua, tại các sự kiện: Liên hoan phim châu Á-Đà Nẵng lần thứ II; Chương trình Xúc tiến Du lịch Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ; Liên hoan phim quốc tế Busan 2024, tỉnh Ninh Bình đã có những giới thiệu ấn tượng đến các nhà làm phim trong nước, quốc tế và đang nghiên cứu xây dựng chính sách để thu hút các nhà đầu tư, đạo diễn đến Ninh Bình, tìm kiếm cảm hứng sáng tạo, sản xuất phim và các chương trình văn hóa, nghệ thuật.
Với mong muốn xây dựng và sản xuất phim tại Ninh Bình, Công ty BHD đã lên ý tưởng xây dựng bộ phim “Hộ Linh tráng sĩ”, phóng tác dựa trên các truyền thuyết dân gian về lăng mộ Vua Đinh Tiên Hoàng và dự kiến chọn Ninh Bình làm bối cảnh quay phim. Tuy nhiên, để sản xuất thành công bộ phim cần rất nhiều các yếu tố, các điều kiện, trong đó phải kể đến trang phục trong phim.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch Công ty BHD đã giới thiệu về bộ phim Điện ảnh “Hộ Linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ Vua Đinh”. Bộ phim kể về 7 tráng sĩ mang trong mình sức mạnh phi thường và tinh thần bất khuất. Đó là câu truyện về tình yêu gia đình, là tình thầy trò, ngọn lửa tình yêu đôi lửa, là lòng trung thành phụng sự Vua, và trên hết là khát vọng bảo vệ lãnh thổ quốc gia.
“Hộ Linh tráng sĩ" không chỉ kể về bí ẩn lăng mộ Vua Đinh, mà còn là lời nhắc nhớ rằng, linh hồn của đất nước không chỉ nằm trong những di tích cổ xưa, mà còn ở trong từng nhịp thở, từng bước chân của chúng ta trên mảnh đất này...
Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo có ý nghĩa quan trọng cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc và cho các dự án phim ảnh trong tương lai, giúp nâng cao chất lượng tái hiện lịch sử trên màn ảnh, tránh những sai sót đáng tiếc và góp phần tạo nên những tác phẩm nghệ thuật chân thực, có giá trị lâu dài. Tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nhà nghiên cứu, các đơn vị sản xuất phim trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử thông qua nghệ thuật điện ảnh, đặc biệt là những bộ phim về đất và người Ninh Bình.