Di sản vàng son một thời
![]() |
Du khách trải nghiệm quy trình làm giấy truyền thống tại “Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống làm giấy Dó của vùng Bưởi xưa”. |
Nằm nép mình bên bờ sông Tô Lịch, làng Yên Thái nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ (TP. Hà Nội) từng vang danh khắp kinh kỳ với nghề làm giấy dó truyền thống. Thứ giấy mỏng tang, dai bền, từng là "linh hồn" của những bức tranh Đông Hồ, những trang sách cổ, nay đang dần chìm vào quên lãng. Giữa nhịp sống hối hả của đô thị, những nghệ nhân cuối cùng vẫn miệt mài giữ lửa nghề, mong níu kéo một phần hồn cốt văn hóa dân tộc.
Làng nghề Yên Thái có lịch sử hơn 800 năm được cho là xuất hiện từ thời Lý – Trần. Ban đầu, giấy dó chủ yếu phục vụ việc ghi chép, in ấn kinh sách Phật giáo và tài liệu quan trọng của triều đình. Đến thời Lê – Nguyễn, giấy dó Yên Thái được sử dụng rộng rãi để làm sắc phong, văn thư và tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống. Nhờ chất lượng vượt trội, sản phẩm giấy dó của làng Yên Thái đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cả nước.
Để làm ra những tờ giấy dó mỏng manh, người thợ phải trải qua một quy trình công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn. Nguyên liệu chính là vỏ cây dó, một loại cây mọc hoang ở vùng núi phía Bắc. Vỏ cây dó được thu hoạch vào mùa đông, sau đó được phơi khô, ngâm nước, giã nhuyễn và xeo thành giấy. Quy trình làm giấy dó Yên Thái gồm nhiều công đoạn, từ việc chọn vỏ dó, ngâm ủ, giã dó, xeo giấy, ép giấy, đến phơi giấy.
Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, và kinh nghiệm của người thợ. Đặc biệt, kỹ thuật xeo giấy là công đoạn quan trọng nhất, quyết định chất lượng của tờ giấy. Người thợ phải khéo léo đưa khung xeo vào bể bột giấy, lắc đều để bột giấy bám đều trên khung, tạo thành một lớp giấy mỏng.
Nổi trội là thế, nhưng nghề làm giấy dó cũng không thoát khỏi cảnh éo le, dần lụi tàn trước những thay đổi và sự bắt nhịp chậm chạp với nhu cầu thị trường và nền kinh tế Việc sản xuất duy trì đến năm 1991, hợp tác xã sản xuất giấy dó ở vùng Bưởi giải tán do thiếu nguyên liệu, không tiêu thụ được sản phẩm. Kể từ đó, nghề làm giấy dó đã không còn trên đất Thăng Long - Hà Nội. Không ít người đến nay khi nói về một thời tiếng chày Yên Thái vang vọng đêm Hà Thành, vẫn không khỏi ngậm ngùi. Họ vẫn tiếc vì đã mất đi một làng nghề truyền thống.
Phục dựng lại làng nghề truyền thống giấy dó
![]() |
Những hiện vật lịch sử được trưng bày. |
Lật lại những trang lịch sử của quận Tây Hồ, bà Lê Thị Thu Hằng - Bí thư Quận uỷ Tây Hồ chia sẻ: “Khi thành lập quận, lãnh đạo quận đều mong muốn được phát huy những di sản, di tích để giới thiệu cho người dân nét đẹp văn hóa đặc trưng của Tây Hồ. Trước hết phải bảo tồn các nét đẹp truyền thống sau đó phát huy được những giá trị đó thì mới có sự lan tỏa. Tây Hồ xây dựng các điểm văn hoá để phát triển kinh tế, có nghĩa là đẩy mạnh công nghiệp văn hoá của địa phương.
Việc phục dựng lại làng nghề truyền thống giấy dó phường Bưởi xưa cũng là một cách để Tây Hồ hiện thực hóa mục tiêu đó. Đến Tây Hồ ăn xôi Phú Thượng, uống trà sen Hồ Tây và trải nghiệm không gian làng nghề giấy dó phường Bưởi, ngắm đào Nhật Tân rồi ra phố đi bộ Trịnh Công Sơn đi dạo thì thật ý nghĩa. Chúng tôi sẽ có một kế hoạch "dài hơi" để phát triển những làng nghề độc đáo, đậm văn hóa của địa phương…".
Nói là làm, ngày 13/5/2024, phường Bưởi đã chính thức khai trương Điểm dịch vụ, du lịch văn hoá và giới thiệu nghề truyền thống “làm giấy dó” của vùng Bưởi xưa. Địa điểm phục dựng mô hình tại khuôn viên Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ phường Bưởi (số 189 phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội). Với diện tích khoảng 200m2 đất, lấy nhà truyền thống làm trung tâm, xung quanh xây dựng các nhà, lán, phục dựng tượng và công cụ mô phỏng theo các công đoạn sản xuất (8 bước + nơi trưng bày sản phẩm), tranh ảnh, các hiện vật liên quan đến làng nghề.
Các nhà, lán xây gạch đặc, cột và dầm bằng bê tông cốt thép, mái lợp ngói, mũi hài kích thước lớn, bàn trưng bày hiện vật bằng gỗ; mỗi nhà, lán khoảng 10-12m2; tượng mô phỏng làm bằng composite, tỷ lệ 1:1. Nhà tưởng niệm làm nơi giới thiệu, trình chiếu phim tư liệu về làng nghề, trưng bày giới thiệu các điểm di tích, thắng cảnh của phường (các Đình, Đền, Chùa, Am, Miếu, hầm Thành ủy,…). Sân khấu ngoài trời tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ truyền thống của đất nước và địa phương.
![]() |
Bạn trẻ hào hứng ghi lại hình ảnh hiện vật nghề làm giấy dó. |
Ghi nhận của phóng viên, tại khu vực Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ phường Bưởi, nhiều hiện vật, hình ảnh, tư liệu được trưng bày rất dễ quan sát, check-in và ghi chép. Nhà truyền thống làm trung tâm, xung quanh xây dựng các nhà, lán, phục dựng tượng và công cụ mô phỏng theo các công đoạn sản xuất. Nhà tưởng niệm là nơi giới thiệu, trình chiếu phim tư liệu về làng nghề, trưng bày giới thiệu các điểm di tích, thắng cảnh của phường; khu vực sân khấu ngoài trời là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống…
Ông Nguyễn Minh Hoài - Phó Chủ tịch UBND phường Bưởi chia sẻ: "Việc khai trương điểm dịch vụ, du lịch văn hoá và giới thiệu nghề truyền thống “làm giấy dó” của vùng Bưởi xưa thật sự là “việc khó” mà cả hệ thống chính trị của phường đã cùng vào cuộc. Đến hôm nay, điểm đến này chính thức đi vào hoạt động, chúng tôi mong muốn, mỗi người dân phường Bưởi khơi dậy niềm tự hào về một làng nghề truyền thống của đất kinh kỳ đã được phục dựng, từ đó, thúc đẩy công nghiệp văn hoá của phường nói riêng, quận Tây Hồ nói chung ngày càng phát triển".
Chị Trần Hồng Nhung, người sáng lập Zó Project chia sẻ: "Cuộc sống càng hiện đại, con người lại càng muốn trở về với thiên nhiên, về với những giá trị truyền thống. Kể từ khi tôi bỏ công việc ở một tổ chức phi chính phủ với mức lương cao để theo đuổi Dó, đến nay tôi thấy mình vẫn đi đúng đường. Dó ở những địa phương miền núi đã là quý, nhưng phát triển Dó ở ngay giữa trung tâm Thủ đô, đô thị sầm uất thì thật sự đáng quý.
Theo quan điểm của tôi, bên cạnh việc phục dựng điểm đến để người dân trải nghiệm nghề truyền thống, tôi muốn mang những sản phẩm giấy dó vào đời sống hiện đại. Ví dụ, tại điểm đến, chúng tôi có một gian trưng bày và bán những sản phẩm làm từ giấy dó. Những chiếc túi, ví, giấy gói quà… từ giấy dó thực sự là tâm huyết của tôi. Những món quà nhỏ này hợp với thị hiếu của các du khách nước ngoài, với xu hướng hiện đại của các bạn trẻ… Cứ thế, giấy dó sẽ được “nuôi sống” và bảo tồn”.